
Nguyễn Văn V phạm hai tội
Nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn V phạm tội gì?” của tác giả Nguyễn Xuân Kỳ đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 7/8/2020, tôi cho rằng V phạm hai tội.
Bài viết nêu 3 quan điểm: Quan điểm một, V phạm tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo quy định tại Điều 125 BLHS; Quan điểm hai, V phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo quy định tại Điều 126 BLHS; Quan điểm ba: Nguyễn Văn V phạm tội “Giết người” theo Điều 123 BLHS.
Nghiên cứu bài viết, tôi đồng ý với quan điểm của tác giả: V đã phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo quy định tại Điều 126 BLHS và tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo quy định tại Điều 136 BLHS.
Bởi vì, về động cơ, mục đích: Trong trường hợp này, khẳng định rằng, V không hề có mục đích tước đoạt tính mạng hay gây thương tích cho L và Đ. Điều đó thể hiện, trong trạng thái không bình tĩnh do bị tấn công, bị đấm mạnh vào mặt, rách da và chảy máu và ngã, khi đứng dậy chống đỡ thì tiếp tục bị đông người đánh ngã dúi xuống chân bờ tường; V chỉ dùng dao đâm bừa về phía L và Đ nhằm mục đích để thoát thân. V không nhằm tước đoạt sinh mạng hay cố ý gây thương tích của ai cụ thể, không xác định được vị trí đâm cụ thể, không nhận thức được chính xác đã đâm 2 hay 3 nhát, cường độ đâm cũng không thể hiện mức độ quyết liệt, nhanh, mạnh. Sau khi đâm, V nhảy qua tường bỏ chạy chứ không có hành động truy sát đối với L và Đ.
Tuy nhiên, việc sử dụng dao (là hung khí nguy hiểm) đâm vào người khác, pháp luật buộc V phải biết rằng, hành vi đó có thể gây chết người hoặc gây thương tích cho những người V đâm vào. Việc đâm bừa vào L và Đ, tuy không mong muốn tước đi sinh mạng hay gây thương tích cho L và Đ, nhưng V có ý thức để mặc hậu quả xảy ra thuộc trường hợp phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp. Thực tế, hậu quả đã xảy ra, V đã gây ra cái chết cho L và làm Đ bị thương 57%. Vì vậy, hậu quả đến đâu, V phải chịu đến đó.
Trong hoàn cảnh bị tấn công liên tục, bị đấm mạnh gây chảy máu và bị ngã, chống cự lại bị đám đông tiếp tục đánh ngã dúi dụi, V có hành vi chống trả là phòng vệ nhưng việc dùng dao đâm chết một người, một người bị thương 57% trong khi có thể lựa chọn cách xử sự khác rõ ràng là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Vì vậy, có đủ cơ sở để xét xử V về tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo quy định tại Điều 126 BLHS và tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo quy định tại Điều 136 BLHS.
Trên đây là một số quan điểm của cá nhân tôi về bài viết, kính mong nhận được sự trao đổi của các độc giả./.
TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử vụ án giết người – Ảnh: Báo ST
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Từ ngày 01/7/2025, Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐTP chính thức có hiệu lực thi hành, bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Luật Phá sản, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Hình sự
-
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các Tòa án nhân dân
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Cần làm rõ quy định tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là xác định chứng cứ hay đó chỉ là nguồn chứng cứ
-
Từ ngày 01/6/2025 sẽ "hết mẹo" trong sát hạch giấy phép lái xe
Bình luận