Nguyễn Văn V phạm tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”

Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn V phạm tội gì?” của tác giả Nguyễn Xuân Kỳ đăng ngày 07/8/2020, tôi cho rằng Nguyễn Văn V đã phạm tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo quy định tại Điều 125 BLHS.

Trước tiên tôi đồng tình với các nhận định của tác giả khi cho rằng Nguyễn Văn V không thỏa mãn dấu hiệu để xác định phạm tội: “Giết người” theo Điều 123 BLHS như quan điểm thứ ba được. Bởi ngoài các lý do mà tác giả đã phân tích thì ở đây vấn đề mấu chốt là yếu tố lỗi ở mặt chủ quan của tội phạm và yếu tố hành vi ở mặt khách quan của tội phạm. Từ nội dung vụ án cho thấy ở các điểm này không thỏa mãn.

Tuy nhiên, tôi cũng không đồng tình với quan điểm của tác giả khi nhận định cho rằng Nguyễn Văn V đã phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo quy định tại Điều 126 BLHS (như quan điểm hai) và tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo quy định tại Điều 136 BLHS. Bởi các lý do sau:

Thứ nhất, về mặt lý luận thì chúng ta thấy sự khác nhau căn bản giữa trường hợp phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh với trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng ở mức độ hành vi, tương quan lực lượng giữa người thực hiện hành vi phạm tội và bị hại. Nếu như, ở trường hợp phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì hành vi của bị hại là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng gây ra cho người thực hiện hành vi phạm tội hoặc đối với người thân của người đó dẫn đến người thực hiện hành vi phạm tội bị kích động mạnh đến mức không thể chịu đựng, không thể kiềm chế được và hành vi trái pháp luật và sự kích động của bị hại gây ra cho người thực hiện hành vi phạm tội là ngay tức khắc hoặc có tính đè nén, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó làm cho người thực hiện hành vi không kìm chế được. Còn phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì xét về hành vi tương quan lực lượng giữa người thực hiện hành vi phạm tội và bị hại cho thấy đáng lý chưa cần thiết đến mức phải hành động như người thực hiện hành vi phạm tội đã thực hiện nhưng vì họ đã lầm tưởng nếu không có hành động như vậy sẽ bị đe dọa đến tính mạng.

Trở lại vụ án, ta thấy việc Nguyễn Văn V đã thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là có căn cứ, cụ thể: V đã bị kích động về tinh thần do hành vi dùng vũ lực trái pháp luật của L, Đ và nhóm bạn của L, Đ đối với V. Theo đó, ngày 30/6/2019, khi V cùng H đi chơi, thì L cùng mấy người bạn chặn lại chửi và doạ đánh. Tối hôm đó, L lại cùng với bạn của mình chặn và đánh làm V phải bơi qua ao để chạy về được nhà và ba hôm sau, vào khoảng 20 giờ ngày 03/7, L rủ Đ cùng hơn chục người khác đến nhà của H để đánh V. Tại đây, L đến chỗ V đang ngồi uống nước, tay trái túm tóc, tay phải đấm thẳng một quả thật mạnh vào mặt V làm V bị ngã xuống sân, rách da và chảy máu ở đuôi lông mày trái. Đây được xem là chuỗi hành vi trái pháp luật liên tiếp của L và D gây ra sự kích động mạnh về tinh thần cho V, các hành vi  ngã xuống sân và khi V đứng dậy chống đỡ, thì Đ và số người đi cùng xông vào đánh làm V ngã dúi xuống chân bờ tường. Lúc này, V dùng tay phải rút một con dao nhọn để trong túi quần đâm liên tiếp 2 – 3 cái về phía L & Đ rồi nhảy qua bức tường cao khoảng 60cm chạy về nhà. L và Đ chạy đuổi theo được 40 – 50m thì gục ngã. Vì vậy, với hậu quả L bị chết do vết đâm thủng tim; Đ bị thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 57%. Hành vi này thỏa mãn dấu hiệu của tội“Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo quy định tại Điều 125 BLHS. Do đó, quan điểm thứ nhất là có căn cứ.

Thứ hai, xét về hành vi và hậu quả thì mặc dù hậu quả L bị chết do vết đâm thủng tim, Đ bị thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 57% là có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi với hậu quả xảy ra, nhưng xét ở yếu tố lỗi thì V phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh chứ không phải do vươt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Hơn nữa, hành vi đâm liên tiếp 2-3 cái về phía L & Đ đây là chuỗi hành vi liên tiếp, nó có nguyên nhân khởi phát, thực hiện và kết thúc sau khi thực hiện hành vi đâm về phía L và D thì V nhảy qua bức tường cao khoảng 60cm chạy về nhà. Do vậy, không thể tách việc đâm 2-3 cái về phía L và D với các hậu quả khác nhau để xác định hành vi của V có các cấu thành tội phạm độc lập như quan điểm của tác giả nêu được. Vì, việc thực hiện hành vi phạm tội của V là chuỗi hành vi liên tiếp không có ngắt quãng do vậy, với hậu quả làm cho L chết thì V phải bị truy tố và xét xử về tội: “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo quy định tại Điều 125 BLHS. Còn việc, ngoài làm cho L chết thì D còn bị thương với tỷ lệ thương tật là 57% đây là tình được xem là tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại khoản 2 Điều 125 BLHS.

Từ phân tích trên, tôi cho rằng Nguyễn Văn V đã phạm tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo quy định tại Điều 125 BLHS.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi đối với  bài viếtNguyễn Văn V phạm tội gì?” xin được trao đổi với tác giả và quý bạn đọc./.

 

Tòa án nhân dân huyện Đăk Tô- Kon Tum đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án cố ý gây thương tích – Ảnh: Quang Nhật (CAH Đăk Tô)

 

Ths ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)