Nhà thầu nghi ngờ hồ sơ mời thầu có “khuất tất”, PV POWER nói gì?

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV POWER) đang mời thầu quốc tế Gói thầu thiết kế, mua sắm, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC) Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhà máy điện Nhơn Trạch 4. Tuy nhiên, nhà thầu có nhiều điểm nghi ngờ hồ sơ mời thầu và cho rằng Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam tạo ra rào cản để làm khó công ty khi tham gia đấu thầu …nên nhà thầu đã gửi kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nhà thầu kiến nghị Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Theo tìm hiểu của PV được biết, dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chủ trương đầu tư theo Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 27/2/2019. Sau khi Bộ Công thương thẩm định Thiết kế cơ sở, theo chức năng, Hội đồng quản trị PV Power đã ban hành Quyết định số 628/QĐ-ĐLDK ngày 21/7/2020 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, tiến độ hoàn thành phát điện dự kiến lần lượt là năm 2023, 2024.
Sau khi được phê duyệt, Chi nhánh  Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP – Ban Quản lý dự án điện đã mở thầu quốc tế Gói thầu thiết kế, mua sắm, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC) Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 có giá gói thầu là 24.147,637 tỷ đồng. Phương thức lựa chọn nhà thầu là 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ, bảo đảm dự thầu là 370 tỷ đồng. 
Tuy nhiên, sau khi Chủ đầu tư phát hành hồ sơ mời thầu thì một số nhà thầu đã có kiến nghị làm rõ nghi ngờ về “khuất tất” của hồ sơ mời thầu này.

 

Thông báo mời thầu dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4


Ngày 19/7/2021, Công ty Siemens Energy gửi kiến nghị lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng hồ sơ mời thầu của gói thầu dự án Nhơn Trạch 3 – 4, PV POWER đã đưa ra quy định không phù hợp, đã hạn chế Công ty cung cấp dòng tuabin khí 9000HL khi đưa ra yêu cầu tuabin khí cung cấp cho dự án phải được kiểm chứng và là phiên bản 50 Hz. Trong khi đó, về bản chất tuabin 60Hz là cơ sở cho tuabin 50Hz theo nguyên tắc tỷ lệ đồng dạng, đã là thông lệ của thị trường trong hơn 50 năm qua và không đảm bảo cạnh tranh cho dự án (chỉ có 01 đến 02 nhà thầu có thể tham gia đấu thầu), làm ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của dự án.

 Siemens Energy nêu rõ: “Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam đã đưa ra rào cản không cho phép tuabin 60Hz của tuabin khí 9000HL của công ty chúng tôi tham gia gói thầu Nhơn Trạch 3 - 4 và rào cản này đã bất ngờ được đưa ra chỉ vài tuần trước khi nộp thầu. Do đó, chỉ 1 hoặc 2 nhà sản xuất khác có thể tham gia đấu thầu. Khả năng cạnh tranh của dự án sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và kéo theo chi phí sử dụng điện của người dân Việt Nam sẽ cao hơn”.

Kiến nghị của Siemens Energy được gửi đến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với PV Power
Ngay sau khi nhận được kiến nghị của nhà thầu, ngày 4/8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) do Thứ trưởng Trần Quốc Phương ký đề nghị quý Tập đoàn tiếp nhận thông tin, tổ chức xem xét, xác minh và giải quyết triệt để những kiến nghị của Công ty Siemens Energy, đảm bảo tính cạnh tranh, hiệu quả của gói thầu và dự án, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu, tránh để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

 Bộ Kế hoạch Đầu tư nêu rõ: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phần V Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước, các tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm toàn diện với hiệu quả công tác quản lý đấu thầu. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giải quyết triệt để, khẩn trương các kiến nghị theo đúng quy định tại Điều 91 và quy trình tại Điều 92 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13; thường xuyên nắm bắt thông tin, tổ chức kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp để xảy ra vi phạm trong quản lý theo thẩm quyền”

Trong quá trình xử lý kiến nghị đề nghị quý Tập đoàn cần lưu ý: Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (Điều 12 khoản 2) quy định trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

 Trường hợp phản ánh của Công ty Siemens Energy là chính xác, Tập đoàn cần có các biện pháp xử lý kịp thời, yêu cầu chủ đầu tư sửa đổi hồ sơ mời thầu, gia hạn thời điểm đóng thầu đảm bảo đủ thời gian cho nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu (nếu cần thiết) để đảm bảo tính cạnh tranh, hiệu quả của gói thầu và dự án.

PV POWER nói gì?
Sau khi có ý kiến của nhà thầu về gói thầu trên, ngày 9/8/2021, PV Power đã có văn bản trả lời các cơ quan hữu quan và có buổi làm việc với nhiều cơ quan báo chí, trong đó có Phóng viên Tạp chí Tòa án nhân dân  để phản hồi về những thông tin của gói thầu thiết kế, mua sắm, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC) Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.

Tại buổi làm việc này, ông Lê Như Linh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power) cho biết, khi lập HSMT cần phải dựa theo nguyên tắc:
Thứ nhất, Hồ sơ mời thầu được lập phải đảm bảo tính công khai, cạnh tranh, minh bạch. Cụ thể là, PV Power đã đấu thầu lựa chọn tư vấn lập HSMT và đã lựa chọn được Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2), Tư vấn Fitchner (Đức) - là nhà thầu phụ thực hiện lập HSMT, đây là nhà thầu có nhiều năng lực, kinh nghiệm về các dự án điện khí để thực hiện việc lập HSMT gói thầu EPC của Dự án. HSMT được lập đảm bảo nhiều nhà thầu EPC cùng nhiều nhà sản xuất gốc (OEM) các thiết bị chính của nhà máy điện khí đều có thể tham gia chào thầu.
Thứ hai, phải tuân thủ các quy định của pháp luật, theo đó HSMT đã được lập và thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đấu thầu; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 và Thông tư 11/2016/TT-BKHĐT ngày 26/7/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC).
Thứ ba, HSMT phải phù hợp với các văn bản phê duyệt của các cấp có thẩm quyền, cụ thể: Dự án đầu tư được Đại hội đồng cổ đông thông qua, Thiết kế cơ sở được Bộ Công thương thẩm định và Báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Thứ tư, các bài học kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý vận hành bảo dưỡng các Nhà máy điện khí Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, các yêu cầu về kỹ thuật của thiết bị, phạm vi bảo dưỡng sửa chữa cần được cập nhật vào HSMT để yêu cầu nhà thầu chào thiết bị, giá gói thầu EPC, chi phí bảo trì sửa chữa, làm cơ sở đánh giá, so sánh lựa chọn nhà thầu có bản chào tốt nhất cho Chủ đầu tư.
Thứ năm, yêu cầu thiết bị chính của nhà máy phải tuân thủ Thiết kế cơ sở được Bộ Công thương thẩm định và phải đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả. Do vậy, các thiết bị chính của nhà máy cần phải được kiểm chứng đã vận hành thương mại (PV Power cho biết, yêu cầu về tính kiểm chứng này trước đây cũng đã được quy định trong hồ sơ thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu EPC dự án NMĐ Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1,2). Việc yêu cầu về tính kiểm chứng hoàn toàn phù hợp với thông lệ các dự án điện đã và đang triển khai. PV Power không chấp nhận làm “chuột bạch” cho bất cứ một nhà sản xuất nào.

Thông báo gia hạn thời gian đóng thầu của Chủ đầu tư

Liên quan đến việc nhà thầu cho rằng PV POWER đã đưa ra quy định không phù hợp, đã hạn chế Công ty cung cấp phiên bản 60Hz của dòng tuabin khí 9000HL khi đưa ra yêu cầu đối với phiên bản 50Hz của tuabin khí. Lý giải về vấn đề này, ông Lê Như Linh cho rằng, lưới điện của Việt Nam có tần số 50Hz và Thiết kế cơ sở đã được Bộ Công thương thẩm định thiết bị của dự án là 50Hz. Nên, thiết bị cung cấp cho dự án phải phù hợp với yêu cầu này.

Ngoài ra, Tổng Giám đốc PV Power cũng cho biết thêm, sau khi nhận được các văn bản từ các nhà thầu gửi các nơi, PV Power đã rà soát và thấy đều đảm bảo các nguyên tắc trên. Các yêu cầu của một số nhà thầu chủ yếu là muốn PV Power điều chỉnh để nhà thầu phát huy lợi thế cung cấp thiết bị chưa được kiểm chứng vận hành thương mại áp dụng cho Dự án. 

Bên cạnh đó, trong một thông cáo được PV Power phát đi, Gói thầu thiết kế, mua sắm, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 sẽ kéo dài thời điểm đóng thầu đến ngày 23/8/2021 nhằm thu hút được thêm các nhà thầu có uy tín khác trong và ngoài nước có cơ hội tham gia cạnh tranh cho gói thầu này.

Văn bản trả lời của PV Power có đáp ứng được yêu cầu của Bộ Kế hoạch đầu tư cũng như giải đáp được những nghi ngờ của nhà thầu? Liệu rằng PV Power đã và sẽ thực hiện đúng quy định tại Điều 91, Điều 92 Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu? Tạp chí TAND điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.

 

TRANG ANH