Nhận diện thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và giải pháp phòng, chống
Cùng với sự đổi mới của nền kinh tế đất nước, các quy định của pháp luật về BHXH ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Tuy nhiên, có nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách này để thực hiện các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến quỹ BHXH.
Bảo đảm an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm thực hiện, nhất là trong tình hình hiện nay khi nền kinh tế nước ta đang bị nhiều tác động, ảnh hưởng bởi tình hình chính trị - kinh tế thế giới và đại dịch Covid-19. Trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) có vai trò quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo, tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, góp phần thực hiện mục tiêu vì con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước. Cùng với sự đổi mới của nền kinh tế đất nước, các quy định của pháp luật về BHXH ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Tuy nhiên, có nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách này để thực hiện các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến quỹ BHXH. Trong bài viết này, tác giả khái quát một số thủ đoạn vi phạm pháp luật phổ biến trong lĩnh vực BHXH, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
1. Thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH
Qua thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH thời gian qua nổi lên một số thủ đoạn phổ biến đó là:
- Thủ đoạn trốn đóng BHXH cho người lao động
+ Lợi dụng cơ chế, chính sách BHXH còn kẽ hở; chế tài xử lý nợ chậm đóng BHXH cho người lao động chưa nghiêm nên doanh nghiệp cố tình chây ì trốn đóng hoặc chiếm dụng BHXH của người lao động. Trong những năm qua, do quy định mức phạt lãi suất chậm đóng BHXH và mức phạt tối đa đối với hành vi chậm đóng BHXH còn thấp (cụ thể: Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 và Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều quy định phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động) nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng các quy định này chiếm dụng tiền BHXH của người lao động. Doanh nghiệp sử dụng số tiền đó để đầu tư trở lại sản xuất, kinh doanh và chấp nhận nộp phạt vì tổng số tiền phải nộp phạt và lãi chậm đóng BHXH thấp hơn so với lãi suất vay ngân hàng.
+ Người sử dụng lao động lách luật bằng cách hợp đồng miệng hoặc kí liên tiếp chuỗi hợp đồng theo thời vụ hoặc chuỗi hợp đồng lao động có thời hạn 01 tháng hoặc kéo dài thời gian thử việc.
+ Để đóng mức BHXH thấp hơn mức quy định, doanh nghiệp đã lập và sử dụng hai hệ thống sổ lương khác nhau. Một hệ thống lương dùng để chi trả lương thực tế cho người lao động; một hệ thống lương khác dùng để đăng ký tham gia và làm cơ sở tính mức đóng BHXH (mức lương này chỉ bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng một chút). Với thủ đoạn này, các doanh nghiệp đã trốn đóng một khoản tiền BHXH mà theo quy định pháp luật họ phải đóng cho cơ quan BHXH.
- Thủ đoạn gian lận để thụ hưởng các chế độ BHXH
+ Thu gom sổ BHXH của người tham gia BHXH đã nghỉ việc mà không nhận lại sổ, sau đó lập hồ sơ BHXH khống, chiếm đoạt tiền BHXH. Khi người lao động nghỉ việc, doanh nghiệp có trách nhiệm chốt sổ BHXH và trả cho người lao động. Nếu sau 12 tháng, người lao động không đến nhận thì doanh nghiệp trả cho cơ quan BHXH lưu giữ nhằm bảo vệ quyền lợi của họ. Tuy nhiên, thực tế thì có doanh nghiệp không ý thức chốt và trả sổ; người lao động ít khi nhận sổ sau khi nghỉ việc do thời gian làm việc ngắn hoặc đi xa. Điều này đã tạo điều kiện cho đối tượng người xã hội thông đồng với doanh nghiệp thu gom, mua sổ BHXH, sau đó làm giả, lập khống hồ sơ BHXH đề nghị hưởng trợ cấp BHXH một lần nhằm chiếm đoạt tiền BHXH.
+ Lập khống thời gian tham gia đóng BHXH và công tác để chiếm đoạt tiền hưởng trợ cấp BHXH một lần. Một số cá nhân đã cấu kết, thông đồng với cán bộ BHXH để lập khống, bổ sung thêm thời gian công tác và tham gia đóng BHXH để làm tăng thời gian đóng BHXH trong sổ BHXH, sau đó chốt sổ và làm các thủ tục xin hưởng trợ cấp BHXH một lần.
2. Giải pháp phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH
Để đảm bảo việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực BHXH, hạn chế thấp nhất hậu quả, thiệt hại gây ra, thời gian tới cần tập trung tốt các mặt công tác sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực BHXH, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất. Bổ sung chế tài và thực hiện nghiêm các chế tài đã có đối với các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH. Nghiên cứu, đề xuất tăng mức phạt tiền và mức phạt tiền tối đa đối với các vi phạm hành chính về BHXH phù hợp với pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là đối với một số hành vi thường xuyên diễn ra hiện nay như: trốn đóng, chậm đóng BHXH của chủ sử dụng lao động. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước có thể áp dụng một số biện pháp cứng rắn như: công khai việc nợ đọng BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng, không cho các đơn vị nợ đọng BHXH tham gia đấu thầu, thi công các dự án...
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHXH theo hướng: đẩy mạnh cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” trong việc kê khai, thu, nộp BHXH; giảm tối đa phiền hà và chi phí tuân thủ thủ tục cho người sử dụng lao động trong việc kê khai và nộp BHXH cho người lao động; xây dựng cơ chế để người dân giám sát hoạt động thu, chi và quản lý quỹ BHXH; chuẩn hoá các quy định, quy trình nghiệp vụ bảo hiểm thống nhất, đồng bộ, liên thông, liên kết cơ sở dữ liệu, tạo thuận lợi để người lao động có thể theo dõi, giám sát việc thu và nộp quỹ BHXH.
Thứ ba, cần đẩy mạnh phối hợp giữa các ngành chức năng, đặc biệt là cơ quan BHXH và các cơ quan thông tin truyền thông trong tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các Điều 214, 215, 216 Bộ luật Hình sự, Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế, Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự; thủ đoạn phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH cũng như hệ thống chế tài xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này đến người lao động và người sử dụng lao động với nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, để người lao động cũng như người sử dụng lao động thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chấp hành quy định pháp luật về BHXH.
Thứ tư, cơ quan BHXH các cấp cần chú trọng việc mời đại diện cơ quan Công an tham gia các Đoàn thanh tra chuyên ngành, kiểm tra về việc thực hiện quy định pháp luật về BHXH tại các đơn vị sử dụng lao động. Từ đó tạo tiền đề trong việc trao đổi, cập nhật thông tin, chính sách, pháp luật về BHXH, thủ đoạn phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH giữa cơ quan Công an với cơ quan BHXH, phục vụ việc phòng ngừa, ngăn chặn cũng như phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Thứ năm, cơ quan BHXH các cấp cần chỉ đạo các phòng chuyên môn chủ động cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan Công an về các vụ việc vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực BHXH phát hiện được trong quá trình thực hiện nghiệp vụ của ngành. Trường hợp cần thiết, theo yêu cầu có thể cử cán bộ tham gia phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của ngành Công an trong việc phân loại, điều tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH./.
Theo phaply.vn
Làm thủ tục BHXH - Ảnh: MH
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận