Nhận diện tình huống pháp lý để áp dụng Án lệ số 04/2016/AL

Án lệ số 04/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 06/4/2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06/4/2016 của Chánh án TANDTC, được áp dụng trong thực tiễn xét xử như thế nào...

1. Về nguyên tắc áp dụng án lệ

Điều 8 Nghị quyết số 03/2015/NQ ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ có quy định nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử như sau:

1. Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

2. Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau. Trường hợp áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của Toà án; trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Toà án.

3. Trường hợp do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ.

4. Trường hợp do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ, đồng thời phải kiến nghị ngay với Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để xem xét hủy bỏ theo hướng dẫn tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 9 Nghị quyết này.

Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2019) quy định về áp dụng án lệ trong xét xử như sau:

1. Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố.

2. Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.

3. Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự”.

Từ các quy định trong Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ thì nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử Thẩm phán, Hội đồng xét xử cần lưu ý:

(i) Thời gian được áp dụng án lệ trong xét xử: Trước ngày 15/7/2019 thời gian được áp dụng án lệ trong xét xử 45 ngày từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án TANDTC. Còn sau ngày 15/7/2019 thời gian được phép áp dụng án lệ trong xét xử 30 ngày kể từ ngày được công bố.

(ii) Cách thức áp dụng án lệ: Trước ngày 15/7/2019 áp dụng án lệ phải bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau: Số án lệ, số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ (nội dung khái quát của án lệ) phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”. Tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn nguyên văn những nội dung hạt nhân của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết các vụ việc tương tự. Còn sau ngày 15/7/2019 áp dụng án lệ phải bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau: Số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”. Tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.

2. Tình tiết, sự kiện pháp lý của Án lệ số 04/2016/AL

Án lệ số 04/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 06/4/2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06/4/2016 của Chánh án TANDTC (Điều 2. Các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng các án lệ trong xét xử kể từ ngày 01/6/2016).

Khái quát nội dung của án lệ: Trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác, người còn lại không ký tên trong hợp đồng; nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối gì thì phải xác định là người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất.

Nội dung Án lệ: Về hợp đồng mua bán nhà, đất ngày 26-4-1996: Việc chuyển nhượng nhà, đất diễn ra từ năm 1996, sau khi mua nhà, đất, ông Tiến, bà Tý đã trả đủ tiền, nhận nhà đất, tôn nền đất, sửa lại nhà và cho các cháu đến ở. Trong khi đó gia đình ông Ngự, bà Phấn vẫn ở trên diện tích đất còn lại, liền kề với nhà ông Tiến, bà Tý. Theo lời khai của các người con ông Ngự, bà Phấn thì sau khi bán nhà, đất cho vợ chồng bà Tý, ông Ngự, bà Phấn đã phân chia vàng cho các người con. Mặt khác, sau khi chuyển nhượng và giao nhà đất cho ông Tiến, bà Tý thì ngày 26-4-1996, ông Ngự còn viết “giấy cam kết” có nội dung mượn lại phần nhà đất đã sang nhượng để ở khi xây dựng lại nhà trên phần đất còn lại và trong thực tế vợ chồng bà Phấn, ông Ngự đã sử dụng phần nhà đất của bà Tý, ông Tiến khi xây dựng nhà. Như vậy, có cơ sở xác định bà Phấn biết có việc chuyển nhượng nhà, đất giữa ông Ngự với vợ chồng ông Tiến và bà Tý, bà Phấn đã đồng ý, cùng thực hiện nên việc bà Phấn khiếu nại cho rằng ông Ngự chuyển nhượng nhà đất cho vợ chồng bà Tý bà không biết là không có căn cứ.”

Theo đó, việc áp dụng Án lệ số 04/2016/AL được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 8 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC nêu trên. Tình tiết, sự kiện pháp lý của Án lệ số 04/2016/AL đáng lưu ý là: (i) nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác, người còn lại không ký tên trong hợp đồng; (ii) bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; (iii) bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối gì thì giải pháp pháp lý phải xác định là người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất để công nhận hợp đồng chuyển nhượng.

3. Nhận diện ra tình huống pháp lý tương tự

Ngày 01/4/2003, Bưu điện huyện CT ký biên bản thỏa thuận thuê 3m2 đất tọa lạc tại ấp C, xã Đ, huyện CT, tỉnh A với ông Huỳnh Hoàng V (chồng của bà Lê Thị Ngọc B) để xây dựng 01 tháp trụ anten nhằm mục đích kinh doanh viễn thông. Phần đất này là tài sản chung của vợ chồng ông V, bà B trong thời kỳ hôn nhân. Tại thời điểm cho thuê, bà B không thỏa thuận và không ký tên vào Biên bản ngày 01/4/2003 nêu trên. Năm 2006, vợ chồng ông V, bà B ly hôn, theo Quyết định số 01 ngày 07/3/2006 của TAND huyện CT, về tài sản bà B được phân chia sử dụng quyền sử dụng phần diện tích đất trong đó có 3m2 đất (thực tế hiện trạng là 1,1m2) mà Bưu điện huyện CT thuê đặt tháp trụ anten. Bà B đã được UBND huyện CT, tỉnh A cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 05388/dG ngày 23/6/2006 đứng tên bà B đối với thửa đất số 241, tờ bản đồ số 34, diện tích 402,6m2. Nay bà B khởi kiện yêu cầu hủy Biên bản thỏa thuận số 02/BB.BĐCT ngày 01/4/2003 giữa ông V với Bưu điện huyện CT và yêu cầu phải di dời 01 chân trụ anten trả lại diện tích 1,1m2 đất tại các điểm A,B,2 theo bản đồ hiện trạng khu đất của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh A xác lập ngày 09/5/2019 cho bà B sử dụng.

Phía bị đơn cho rằng: Năm 2003 do có nhu cầu phát triển dịch vụ viễn thông trên địa bàn huyện CT, tỉnh A, Bưu điện tỉnh A tiến hành xây dựng tháp trụ anten đứng cao 45m tại Bưu điện huyện CT, tỉnh A. Quá trình xây dựng, do không đủ mặt bằng xây dưng nên Bưu điện tỉnh A thỏa thuận với ông V là chủ đất liền kề cho đặt 01 trụ anten với diện tích mặt bằng 3m2 với giá 2.000.000đ và nội dung thỏa thuận là “chân trụ anten được đặt không thời hạn trên diện tích 3m2” được ghi nhận tại Biên bản thỏa thuận số 02/BB.BĐCT ngày 01/4/2003 có chứng thực của chính quyền địa phương. Đồng thời, đơn vị đã bồi hoàn các vật kiến trúc bị ảnh hưởng khi thực hiện xây dựng công trình với số tiền 26.362.000đ cho ông V. Thời điểm ký văn bản thỏa thuận  nêu trên, bà B đang là vợ của ông V phải biết về giao dịch này bởi công trình kiên cố có thời gian thi công lâu nhưng bà B không có ý kiến gì.

Bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà B vì 01 chân trụ anten được xây dựng vào năm 2003 được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền và không thể di dời vì tọa độ anten thuộc sự quản lý của Nhà nước và có nhiệm vụ phục vụ an ninh quốc phòng từ trước đến nay. Đồng thời bị đơn có yêu cầu phản tố: hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 23/6/2006 của UBND huyện CT cấp cho bà B do khi bà B cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không trừ lại 1,1m2 đất đã dành cho đơn vị xây dựng 01 chân trụ anten theo văn bản thỏa thuận; yêu cầu xác lập quyền sử dụng 1,1m2 đất mà có 01 trụ anten trên đất sau khi đơn vị tự nguyện hoàn giá trị đất 7.000.000đ cho bà B, số tiền 2.000.000đ trước đây ông V nhận không yêu cầu giải quyết; yêu cầu giữ nguyên hiện trạng của trụ tháp anten gồm cả thân và nền móng trụ.

Tòa án cấp sơ thẩm quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Lê Thị Ngọc B. Tuyên bố vô hiệu Biên bản thỏa thuận số 02/BB.BĐCT ngày 01/4/2003 giữa ông V với Bưu điện huyện CT. Bị đơn có trách nhiêm tháo dỡ, di dời 01 chân trụ anten trả lại hiện trạng đất cho bà Lê Thị Ngọc B sử dụng 1,1m2 tại các điểm A, B, 2 theo Bản đồ hiện trạng khu đất của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh A xác lập ngày 09/5/2019. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn: không hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bà B; không chấp nhận yêu cầu hoàn giá trị đất 7.000.000đ cho bà B để yêu cầu xác lập quyền sử dụng 1,1m2 đất, giữ nguyên hiện trạng 01 chân trụ anten tồn tại trên diện tích đất (gồm cả thân và nền móng trụ)[1].

Còn Tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà B về việc đòi tuyên bố vô hiệu Biên bản thỏa thuận số 02/BB.BĐCT ngày 01/4/2003 giữa ông V ký với Bưu điện huyện CT và yêu cầu tháo dỡ, di dời 01 chân trụ anten trả lại hiện trạng đất cho bà B sử dụng 1,1m2 tại các điểm A,B,2 theo Bản đồ hiện trạng khu đất của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh A xác lập ngày 09/5/2019. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn: Hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng cấp cho bà B; Ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn về việc hoàn số tiền 7.000.000đ cho bà B, giữa nguyên hiện trạng 01 chân trụ anten trên diện tích đất 1,1m2[2].

Áp dụng Án lệ số 04/2016/AL với các tình tiết, sự kiện pháp lý của vụ án nêu trên nhận thấy:

(i) Năm 1999, vợ chồng ông V và bà B được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 344, 2m2 đất trong đó có đất tranh chấp. Do đó, đất tranh chấp là tài sản chung vợ chồng. Năm 2003, chỉ mình ông V đã ký biên bản thỏa thuận cho Bưu chính viễn thông đặt 01 trụ anten trên diện tích 3m2 đất với giá 2.000.000 đồng và bồi hoàn vật kiến trúc với số tiền hơn 26.000.000, bà B không ký vào biên bản thỏa thuận trên. Như vậy, tình tiết này phù hợp với sự kiện pháp luật của Án lệ số 04 “nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác, người còn lại không ký tên trong hợp đồng”.

(ii) Thực tế, vợ chồng ông V, bà B đã nhận đủ tiền theo thỏa thuận, Do đó, tình tiết này phù hợp với sự kiện pháp luật của Án lệ số 04/2016/AL “bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất”.

(iii) Quá trình thực hiện hợp đồng, Bưu chính viễn thông đã đặt 01 trụ anten trên diện tích 1,1m2 đất và quản lý, sử dụng từ 2003 đến khi tranh chấp, nên Bà V phải biết. Vì vậy, tình tiết này phù hợp với sự kiện pháp luật của Án lệ số 04/2016/AL “bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối gì”.

 Từ các phân tích trên thì Tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà B về việc đòi tuyên bố vô hiệu Biên bản thỏa thuận số 02/BB.BĐCT ngày 01/4/2003 giữa ông V ký với Bưu điện huyện CT là áp dụng Án lệ số 04/2016/AL để giải quyết các vụ việc tương tự, trên nguyên tắc bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau là hoàn toàn có căn cứ.

 

TAND tp Sầm Sơn, Thanh Hóa xét xử vụ án dân sự - Ảnh: TL

 

 

[1] Bản án dân sự sơ thẩm số 48/2019/DS-ST ngày 26/8/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh A.

[2] Bản án dân sự phúc thẩm số 401/2020/DS-PT ngày 11/9/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh

TS. NGUYỄN HẢI AN (Học viện Tòa án TANDTC)