Nhận trợ cấp “một cục” : Giảm nhiều quyền lợi
Bảo hiểm xã hội (BHXH) có sự đóng góp của người lao động (NLĐ) và chủ sử dụng lao động cho họ khi còn trẻ, chính là “của để dành” của NLĐ khi về già. Thay vì bảo lưu thời gian đóng BHXH để đợi hưởng lương hưu, nhiều người lao động, nhất là với nhóm người lao động sau độ tuổi 35, lại xin nhận trợ cấp BHXH một lần
Gần 600.000 người hưởng trợ cấp một lần
Theo BHXH Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2019, ngành bảo hiểm đã giải quyết cho gần 600.000 người hưởng trợ cấp một lần. Tình trạng nhận trợ cấp “một cục” có xu hướng không giảm mà ngày càng gia tăng.
Ông Mai Đức Thắng – Phó Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam khẳng định, người lao động sẽ bị nhiều bất lợi khi nhận BHXH một lần, nên cần hết sức cân nhắc. Người lao động sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có gì bảo đảm cho cuộc sống lúc tuổi già và sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Người lao động cần xác định khoản tiền đóng vào Quỹ BHXH là “của để dành” quý giá của chính mình, nó không mất đi mà ngược lại, được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng.
Người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước hoặc nếu chẳng may bị chết thì gia đình được hưởng trợ cấp mai táng phí; thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần.
Bên cạnh đó, nhận BHXH một lần nghĩa là phải chấp nhận thiệt thòi rất lớn. Với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì 1 năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương, trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 2 tháng lương. Như vậy, người lao động bị thiệt mất 0,64 tháng lương.Không nên nhận BHXH một lần, bởi điều quan trọng nhất là mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người dân. Người lao động tiếp tục tham gia BHXH thì sau này ngoài hưởng lương hưu còn được quỹ chi trả toàn bộ tiền mua thẻ bảo hiểm y tế, được Nhà nước điều chỉnh tăng lương hưu tương ứng chỉ số giá tiêu dùng…
Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, gần đây, mỗi năm có khoảng 700.000 người lao động nhận trợ cấp BHXH một lần, đồng nghĩa với việc có khoảng 700.000 người đã ra khỏi hệ thống mạng lưới an sinh xã hội. Lý giải điều này, ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, tại các doanh nghiệp (DN) dệt may, da giày, do điều kiện lao động vất vả nên nhiều người lao động sau 35 tuổi không còn sức khỏe để đáp ứng yêu cầu công việc và thường tự rút khỏi thị trường lao động. Bên cạnh đó có tình trạng DN chủ động đào thải những lao động này nhằm giảm chi phí lương, BHXH. Nhiều người lao động trong nhóm này sau khi bị sa thải hoặc nghỉ việc thường không có cơ hội quay lại làm việc nên đa phần lựa chọn nhận BHXH 1 lần. “Một trong những lý do khiến người lao động muốn nhận BHXH một lần là điều kiện hưởng quá đơn giản, chỉ cần nghỉ việc 1 năm không tiếp tục tham gia là được hưởng. Trong khi đó, điều kiện tối thiểu về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu kéo dài tới 20 năm khiến không ít người lao động nản lòng…”, ông Quảng phân tích.
Đừng vì lợi ích trước mắt mà chịu thiệt thòi về lâu dài
Đến thời điểm này, cả nước có 14,8 triệu người (chiếm 25% lao động) tham gia BHXH trong khi Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 phải có 50% lao động tham gia. Nhiều NLĐ, đặc biệt là lao động chân tay khi thôi việc hoặc chuyển việc muốn được thanh toán bảo hiểm 1 lần chứ không kiên trì theo đuổi hết số năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí. Do vậy, theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng người lao động nhận trợ cấp 1 lần, Nhà nước cần đưa ra nhiều gói bảo hiểm phù hợp với các thành phần lao động. Một số chuyên gia cho rằng hiện nay, không ít người đã hưởng BHXH một lần muốn xin nộp lại để hưởng lương hưu nhưng hiện luật chưa có quy định hồi tố cho việc này. Do vậy, để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân khi đã nhận ra giá trị ưu việt của chính sách BHXH, nên xem xét, thiết kế bổ sung điều kiện hồi tố với những trường hợp đã hưởng BHXH 1 lần có nhu cầu tiếp tục tham gia BHXH. Ngoài số tiền đã được nhận 1 lần, người lao động có thể phải đóng thêm tiền lãi phát sinh trong thời điểm ngừng đóng để tiếp tục tham gia BHXH trở lại. Tuy nhiên, tại thời điểm này, ông Lê Đình Quảng cho rằng các cấp công đoàn cần tuyên truyền, giải thích cho người lao động đừng vì lợi ích trước mắt mà hứng chịu thiệt thòi về lâu dài. Bên cạnh đó, nghiên cứu rút ngắn thời gian đóng BHXH tối thiểu được hưởng lương hưu; tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện… để người lao động thấy được lợi ích thiết thực của việc tích lũy thời gian đóng BHXH.
Nghị quyết số 28/NQ-T.Ư của Hội nghị T.Ư 7 khóa XII đã đưa ra biện pháp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần nhằm khuyến khích người dân tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.
Mặt khác, trên thực tế đang có rất nhiều người đã xin hưởng chế độ BHXH một lần muốn xin nộp lại, tiếp tục tham gia số năm còn thiếu để hưởng lương hưu. Nhưng hiện Luật BHXH chưa có quy định hồi tố cho việc này. Do vậy, để bảo đảm an sinh cho người dân khi đã nhận ra giá trị ưu việt của chính sách BHXH, cũng nên xem xét, thiết kế bổ sung điều kiện hồi tố với những trường hợp đã hưởng BHXH một lần có nhu cầu tiếp tục tham gia BHXH.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận