Nhân vụ thảm họa ở chung cư Carina Plaza

Mấy ngày qua trên thông tin đại chúng và những trang mạng tràn ngập thông tin đau lòng về vụ cháy chung cư Carina Plaza. Cháy vẫn thường xuyên diễn ra đây đó, nhà dân, nhà xưởng sản xuất, kho phế liệu, cả bãi rác... Bà hỏa không từ bất cứ một chỗ nào, mỗi vụ cháy là một thiệt hại nghiêm trọng, về tài sản, về tính mạng con người. Cháy nhà dân có khi cũng đã chết bốn, năm người, huống chi cháy cả một chung cư vào ban đêm có mấy trăm con người ở.

 

Vụ cháy khiến 14 người thiệt mạng, nhiều người bị thương

Qua vụ cháy chung cư Carina Plaza vừa qua, báo chí đưa tin, những người dân thoát nạn ở đó kể lại nhiều sự thật đã được phơi bày, hệ thống báo cháy hư hỏng, hệ thống nước chữa cháy cũng hư, loại đèn sạc được gắn trên cao ở hành lang, cầu thang để tự bật sáng khi điện bị cúp cũng hư nốt, rồi những cầu thang sắt thoát hiểm gắn bên ngoài chung cư có không? Được thiết kế bố trí ra sao? Mà sao khi cháy không thấy nói người dân thoát ra được bằng lối này. Những cửa chống cháy ở các tầng nơi hành lang công cộng thiết kế luôn tự đóng lại để ngăn khói tại sao lại mở và được chèn bằng gạch cho chúng không tự đóng, để đến khi xảy ra cháy ở tầng hầm, khói tràn lên những tầng cao, những người bị nạn không phải do lửa mà chính là do khói.

Chung cư đã ở được 10 năm nhưng không có Ban quản trị, chỉ có Ban quản lý và bảo vệ của chủ đầu tư, mà như đã thấy, để giảm thiểu chi phí, chủ đầu tư thường bất chấp gian dối mọi thứ, Mấy năm trời hệ thống báo cháy chữa cháy, chiếu sáng khi khẩn cấp đã hư hỏng, người dân đã phản ánh nhiều lần lên các cấp, thế mà rồi vẫn đâu vào đấy. Đối với việc quản lý về chuyên môn nơi các chung cư PCCC vẫn kiểm tra định kỳ, và chắc chắn đã có những khuyến cáo, nhưng sao chủ đầu tư không thực hiện vẫn không sao? Trong những người tử nạn có một vị (nữ) là Bí thư kiêm Chủ tịch một phường ở Quận 1, ngay giữa trung tâm thành phố. Chắc chắn vị Chủ tịch này cũng đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng, kiểm tra việc cháy nổ, phòng cháy chữa cháy đối với các cao ốc, chúng cư trên địa bàn mình quản lý, và có lẽ đã có ý kiến về những sai phạm kiểu như kể trên, nhưng đau lòng thay chính mình lại tử nạn nơi mình ở vì những lỗi ấy.

Ở góc nhìn khác về quản lý, biện pháp cứu nạn khi xảy ra sự cố của cấp có thẩm quyền. Bây giờ thành phố phổ biến loại nhà cao mấy chục tầng, nhưng xe thang cứu hỏa không đủ vươn lên tầng cao cứu hộ. Một loại phương tiện cứu hộ khác rất hữu hiệu, nhanh chóng với nhà cao tầng là trực thăng. Đừng nói là các tòa nhà cao tầng bây giờ có quá ít nơi có bãi đáp trực thăng. Trực thăng chỉ cần một khoảng rộng chừng vài chục thước vuông là đủ đáp cứu người. Sân thượng của những tòa cao ốc, chung cư dư sức để trực thăng đáp khẩn cấp di tản người bị nạn (hồi 30-4-1975, trực thăng của Mỹ chủ yếu đáp trên sân thượng các tòa cao ốc để di tản người).

Một thành phố lớn như TP. HCM, có một sân bay như Tân Sơn Nhất thuộc loại lớn nhất nước, không thiếu trực thăng ở đó, của quân đội cũng như dân dụng, chỉ vài phút bay khi xảy ra sự cố là đã có mặt để cứu người. Trong trường hợp cháy chung cư kể trên, nơi cháy là tầng hầm, không thể thoát được xuống đất, người dân có thể ngược lên sân thượng, nếu có ngay trực thăng cứu hộ chắc chỉ vài phút bay, cần ít chuyến là có thể đưa hết xuống đất an toàn. Thành phố mỗi năm có thể chi nhiều tỉ đồng cho những vui chơi, một vài quan tham cũng đã làm thất thoát nhiều ngàn tỉ đồng, nghĩ cũng nên dành một ngân sách thích hợp cho công việc cứu hộ này.

Một điều rất quan trọng nữa là kỹ năng “mưu sinh thoát hiểm” của chính người dân. Qua thông tin báo chí được biết có nhiều trường hợp người dân tự cứu được mình là nhờ kỹ năng thoát hiểm mà mình đã được học hỏi , có trường hợp người con hoảng loạn gọi điện thoại cho bố tận Hà Nội, may được người bố bình tĩnh, hiểu biết qua điện thoại hướng dẫn những cách tự bảo vệ, và đã được cứu thoát. Ở các nước tiên tiến Âu Mỹ, hay Á Đông như Nhật Bản, nếu lỡ xảy ra sự cố thường thiệt hại ở mức rất thấp, là vì họ đã chu đáo về tất cả các mặt.

Sau vụ cháy này, chắc chắn những người làm việc ở các cao ốc, nhất là những cư dân sinh sống trong các chung cư cao tầng sẽ luôn cảm thấy bất an, ngủ không còn yên giấc.

Có lẽ đây chỉ là giọt nước tràn ly, muốn tránh những thảm họa, hay giảm thiểu những thiệt hại này cần phải nhìn rõ hết mọi vấn đề, để có những thay đổi căn bản.

Có khó quá không các bạn?

PHẠM NGỌC HIỆP