Nhiều tham luận thiết thực, nhiều vấn đề vướng mắc được đặt ra tại Hội nghị

Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2023 đã dành nhiều thời gian để thảo luận về các vấn đề khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong nghiệp vụ xét xử.

Khắc phục, chấn chỉnh các hạn chế

Tiếp theo Chương trình Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2023, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du đã trình bày báo cáo tóm tắt chuyên đề về việc khắc phục, chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ của các Tòa án năm 2022.

Theo đó, qua công tác kiểm tra chuyên môn tại Tòa án hai cấp của 28 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, TANDTC nhận thấy, về cơ bản các mặt công tác của các Tòa án được kiểm tra có những chuyển biến tích cực. Về các vụ án hình sự, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội; chất lượng tranh tụng được bảo đảm; đã tổ chức xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm.

Công tác giải quyết án dân sự, hành chính, thi hành án hình sự, triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án… đều được thực hiện tích cực, đạt yêu cầu và chỉ tiêu. Một số đơn vị vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế cần được khắc phục như: Mức hình phạt áp dụng trong một số trường hợp cụ thể, áp dụng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ, cho hưởng án treo… chưa đúng. 

 

Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng phát biểu tại Hội nghị

Nhiều tham luận thiết thực

Tiếp theo chương trình, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng điều hành nội dung thảo luận rút kinh nghiệm. Tham luận của TAND cấp cao tại Hà Nội cho biết, đơn vị thường xuyên trao đổi nghiệp vụ với các Tòa cấp tỉnh để khắc phục những vướng mắc, hạn chế. Tham luận cũng nêu ra một số đề xuất, đó là tổng hợp tất cả các vướng mắc của các đơn vị để rút kinh nghiệm, giao cho các cụm thực hiện. Riêng về án ma túy, hiện nay cũng đang gặp nhiều vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án, cần có hướng dẫn phù hợp.

Đại diện Tòa án cấp cao tại Hà Nội cũng kiến nghị về công tác cán bộ, do số vụ việc tại Tòa án gia tăng, tính chất phức tạp nên cần có đủ số lượng Thẩm phán, Thư ký và bổ sung lực lượng lãnh đạo quản lý theo hướng dự báo trước để chuẩn bị nguồn.

Đại diện Tòa án cấp cao tại TP Hồ Chí Minh có tham luận đề cập đến tình trạng đơn giám đốc thẩm tăng cao hiện nay. Trong năm qua lãnh đạo Tòa án cấp cao đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp để giải quyết lượng đơn này, nhưng khối lượng tồn đọng vẫn còn rất lớn. Vướng mắc về nghiệp vụ chưa được hướng dẫn, một số trường hợp có nhận thức khác nhau về án lệ…

Đại diện TAND TP Hồ Chí Minh, đại diện TAND TP Hải Phòng cũng đề nghị TANDTC hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến một số lĩnh vực hình sự, thủ tục phá sản doanh nghiệp.

Đại diện TAND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho hay, hiện công tác cán bộ rất khó khăn, thiếu cán bộ. Tòa án TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai nêu lên một số khó khăn trong thực tiễn về án ma túy; xử lý vật chứng trong các vụ án hình sự bị thế chấp ngân hàng. Qua đó, kiến nghị đề xuất, đưa ra giải pháp nhằm hạn chế tối đa các vụ án tạm đình chỉ không có căn cứ để đưa vụ án ra xét xử đúng quy định.

TAND thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị phản ánh về khó khăn trong  công tác xét xử trực tuyến, do cơ sở vật chất chưa được đầu tư. Với lĩnh vực công nghệ thông tin, Tòa án cấp huyện nói chung số biên chế rất ít, chưa có biên chế cho lĩnh vực công nghệ thông tin nên đề nghị bổ sung biên chế cho nhân sự này.

Trước đó, Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Văn Bường có tham luận được Hội nghị đánh giá cao. (Tạp chí sẽ có bài riêng về tham luận này).

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng đã ghi nhận các ý kiến phản ánh, kiến nghị để có giải pháp phù hợp. Do thời gian có hạn nên còn nhiều tham luận chưa được trình bày, Phó Chánh án đề nghị các đơn vị tập hợp những vướng mắc, kiến nghị gửi về TANDTC để có sự nghiên cứu, sửa đổi, hướng dẫn.

Kết quả rất tốt

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ phát biểu tổng kết, đánh giá Hội nghị năm nay không triệu tập các địa phương, không kéo dài  thời gian nhưng kết quả rất tốt. Phát huy công nghệ thông tin, Hội nghị thay đổi hình thức trình bày báo cáo tổng kết, thay việc đọc truyền thống bằng clip, có hình ảnh sinh động,  hấp dẫn bắt mắt, dễ ghi nhớ. Hội nghị đã nghe phát biểu chỉ đạo của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và các đồng chí Phó Chánh án trình bày các nội dung cần quan tâm, đồng thời dành nhiều thời gian nghe các tham luận, từ TACC, Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp huyện, với rất nhiều vấn đề chuyên môn được đặt ra.

 

Phó Chánh án Thường trực Nguyễn Trí Tuệ phát biểu kết luận - Ảnh: Nguyễn Dương

Một điểm mới là năm nay tất cả công chức, viên chức TANDTC đều dự Hội nghị. Tuy nhiên, ở nhiều điểm cầu còn cho thấy có hiện tượng nói chuyện riêng, dùng điện thoại hoặc không dự, đây là vấn đề rất cần rút kinh nghiệm.

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cũng dành nhiều thời gian nêu bổ sung những vấn đề nghiệp vụ cần rút kinh nghiệm với những dẫn chứng cụ thể như hủy sửa không có căn cứ, không cho hưởng án treo và cho hưởng án treo  không đúng. Có trường hợp vì động cơ nào đó mà tránh cho hưởng án treo bằng cách chuyển sang cải tạo không giam giữ hay phạt tiền không đúng. “Lách luật vì lợi ích nào đó thì không chấp nhận được”- Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh.

Bên cạnh các thành tích rất lớn thì năm 2022, cán bộ vi phạm kỷ luật khá nhiều,  thư ký, Thẩm phán đến lãnh đạo đều có người vi phạm, từ nhũng nhiễu đến tham ô, tham nhũng… Đây là vấn đề rất lớn, phải được quan tâm đặc biệt và hết sức rút kinh nghiệm.

Vấn đề nữa là tình trạng mất đoàn kết nội bộ, nhiều đơn thư tố cáo, UBKTTW cũng đã xem xét một số Tòa án… lãnh đạo các đơn vị cần xem xét để có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục.

Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ mong rằng, năm 2023 hệ thống TAND cả nước phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, “tạo niềm tin cho người dân vào công lý”.

 

Phó Chánh án  Nguyễn Văn Du phát biểu - Ảnh: Nguyễn Dương

 

 

NHÓM PV