Nhiều ý kiến của Đại biểu Quốc hội rất tâm huyết, có trách nhiệm về những vấn đề cử tri quan tâm

Trong hai ngày 8 và 9/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV… Nhiều Đại biểu Quốc hội phát biểu rất tâm huyết, có trách nhiệm và thẳng thắn về những vấn đề cử tri cả nước quan tâm.

Tiếp tục ban hành các gói hỗ trợ theo hướng có trọng tâm trọng điểm

Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh), đề nghị Chính phủ cần tiếp tục ban hành các gói hỗ trợ theo hướng có trọng tâm trọng điểm.

Thứ nhất, cần nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Chỉ khi “đầu tàu” khoẻ mạnh thì mới đủ sức kéo nền kinh tế vượt qua khó khăn trước mắt, phát triển ổn định và bền vững. Tuy nhiên, dù chính sách hỗ trợ là cần thiết và cấp thiết nhưng nguồn ngân sách là hữu hạn, do đó cần rút kinh nghiệm bài học của gói hỗ trợ lãi suất 4%  kích thích kinh tế sau khủng hoảng năm 2009 có quy mô lên tới 1 tỷ USD cách đây 12 năm đã khiến cho hệ thống ngân hàng gặp không ít khó khăn vì nợ xấu, mà chỉ đến khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu thì những khó khăn này mới được giải quyết.

Để các tổ chức tín dụng phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng được nhu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh, Chính phủ cần có 1 bộ phận hoặc tổ công tác giúp Thủ tướng theo dõi, tổng hợp, đánh giá, điều phối và giám sát các gói hỗ trợ và để đảm bảo các gói hỗ trợ này được thực hiện hiệu quả và đúng mục đích.

Việt Nam hiện có trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể với 9 triệu lao động, chiếm 16,5% số lao động, đóng góp gần 30% GDP của cả nước. Có thể nói hộ kinh doanh bao gồm những cá nhân, tập thể nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế. Với 80% hộ kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ thì đây là khu vực kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Đại biểu Trần Thị Vân

Đại biểu cho biết, trước Kỳ họp thứ 2, bên cạnh việc tổ chức tiếp xúc cử tri theo luật, Đoàn ĐBQH Bắc Ninh đã tổ chức khảo sát những khó khăn và nhu cầu hỗ trợ đối với 200 hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn. Mặc dù chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ,cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng hộ kinh doanh lại không phải là chủ thể của những chính sách đó. Vì thế, đến nay chưa có quy định cụ thể nào để hộ kinh doanh được hỗ trợ như các doanh nghiệp. Do đó, việc tiếp cận tín dụng rất khó khăn, vay vốn phải có tài sản đảm bảo giống như cá nhân đi vay, phương án và mô hình kinh doanh không được các ngân hàng đánh giá cao, không mấy mặn mà và càng không thể lấy làm tài sản đảm bảo khi vay, hơn nữa thời gian cho vay ngắn, trong khi mong muốn của các hộ kinh doanh là được vay trong thời gian dài hơn.

Vì vậy, Chính phủ cần ban hành những chính sách về vốn cụ thể và kịp thời để hỗ trợ đối tượng này, có thể gộp chung hộ kinh doanh với doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc có chính sách riêng với đối tượng này, gắn với chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm qua Ngân hàng chính sách xã hội theo Nghị định 61/2015 và Nghị định 74/2019 của Chính phủ, theo đó thời gian vay tối đa là 120 tháng, lãi suất bằng lãi suất vay của hộ cận nghèo. Mức vay tối đa đối với doanh nghiệp nhỏ và các cơ sở kinh doanh là 2 tỷ đồng, trong đó mức dưới 100 triệu đối với người lao động thì không cần tài sản đảm bảo.

Để tránh gây lãng phí nguồn lực và không hiệu quả, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện và triển khai chương trình phục hồi kinh tế trong đó quan tâm các chính sách vốn vay ưu đãi đối với các hộ kinh doanh cá thể, người lao động hồi hương, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Các chính sách này cần được triển khai càng sớm càng tốt góp phần tạo công ăn việc làm, hỗ trợ sinh kế, đồng thời hạn chế nạn tín dụng đen đang diễn biến phức tạp gây mất an ninh trật tự tại các địa phương.

Thứ hai, bên cạnh các chính sách tài khoá thì cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục vừa khích lệ, vừa bảo vệ và tạo điều kiện mọi mặt cho doanh nghiệp phục hồi.

Thứ ba, cần có chính sách ổn định thị trường, tập trung vào mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu mới, có tiềm năng tại các khu vực Châu Phi, châu Mỹ latinh, Trung Đông và Ấn Độ, giảm bớt sự phụ thuộc, hạn chế được rủi ro trước những biến động thị trường cũng như các yếu tố kinh tế, chính trị khu vực và thế giới.

5 vấn đề cơ bản trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định), cho rằng Chính phủ cần tập trung giải quyết 5 vấn đề cơ bản trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thứ nhất, tập trung rà soát lỗ hổng trong việc bảo vệ những đối tượng nguy cơ cao nếu bị Covid tấn công như là người già, người có bệnh nền không ổn định, phụ nữ có thai... bảo vệ các cơ sở y tế, các viện dưỡng lão để không trở thành các ổ dịch. Đồng thời tiến hành tiêm phủ mũi 1 cho đại bộ phận dân số.

Thứ hai, triển khai ứng dụng tin học trong việc phát hiện, theo dõi và điều trị Covid trên phạm vi toàn quốc, không để riêng một bộ chủ trì trong triển khai lĩnh vực vô cùng quan trọng này. Hội đồng nghiệm thu phần mềm các App ứng dụng cần phải có các chuyên gia có kinh nghiệm, tâm huyết của y tế, công an, quân đội, những người đã và đang trực tiếp tham gia chống dịch. Ngoài ra, sau khi thử nghiệm hoàn chỉnh, cần được triển khai đồng bộ trên diện rộng, tránh hiện tượng “đầu voi đuôi chuột” của những phần mềm mang tiếng là quốc gia trước đây.

Thứ ba, phải mở cửa từ từ nhưng nhất quán dựa theo khuyến cáo y khoa đã được kiểm chứng, không mở cửa dựa vào cảm tính, không duy trì chế độ zero Covid.

Thứ tư, chú trọng đầu tư chuyên môn, cơ sở vật chất cho y tế tuyến huyện, quận, xã, phường. Đồng thời, đề nghị phải đưa các mục tiêu cụ thể vào trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Thứ năm, sau đại dịch không thể nào quên này những chế độ, chính sách, những bất cập, vướng mắc của ngành y sẽ được giải quyết thỏa đáng. Đề nghị cần có các cơ chế rõ ràng đối với việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, nếu được có thể tách rời ra khỏi lĩnh vực chuyên môn,..

Đại biểu cũng cho biết, vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có quyết định rất đặc biệt khi bổ nhiệm đại biểu làm Giám đốc Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 và đồng thời  bổ nhiệm một vị giám đốc khác để điều hành, gọi là CEO, chuyên lo về trang thiết bị vật tư. Theo đại biểu, với mô hình mới này, bệnh viện đã hoạt động trơn tru, hiệu quả cho dù thành lập trong hoàn cảnh vô cùng cấp bách.

"Đây là một ví dụ cho chúng ta thấy những bất cập trong hệ thống cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt, nếu không muốn hậu quả lớn hơn. Tôi tin chắc với những gì cán bộ, nhân viên y tế chúng tôi đã thực hiện trong thời gian qua, nếu chúng tôi được bảo đảm chế độ để yên tâm công tác thì ngành y chúng tôi xin hứa sẽ không thua kém bất cứ những ngành y nào trong khu vực", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu

Kiểm tra việc triển khai các giải pháp, các gói hỗ trợ

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), đề nghị Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai các giải pháp, các gói hỗ trợ để bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiến độ.

Đại biểu nhấn mạnh, đợt bùng phát dịch thứ tư tiếp tục để lại những hậu quả nặng nề. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn và tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15. Đồng thời, trong 2 tháng qua, Chủ tịch Quốc hội đã triệu tập nhiều phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét các đề xuất của Chính phủ. Từ đó, đã ban hành 6 nghị quyết với hàng loạt quyết sách đặc biệt chưa từng có tiền lệ, với số tiền lên đến gần 100.000 tỷ và nhiều nghị quyết đã được ban hành ngay trong đêm để kịp cho Chính phủ thực hiện. Cụ thể:

Lường trước những khó khăn của dịch bệnh, Quốc hội đã cho phép Chính phủ được triển khai những biện pháp khác với luật và trong thời gian Quốc hội không họp, nếu cần phải ban hành các quy định khác với luật thì sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trước khi thực hiện. Thực tế hai tháng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm được Quốc hội ủy quyền, xem xét thấu đáo và khẩn trương các đề xuất của Chính phủ, từ đó bảo đảm các điều kiện về nguồn lực và điều kiện về pháp lý để Chính phủ vững tâm trong chống dịch.

Về an sinh xã hội, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, ngày 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng và ban hành Nghị quyết số 03. Lần đầu tiên quyết định một gói hỗ trợ bằng tiền cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền lên đến 30.000 tỷ, hỗ trợ khoảng 13 triệu lao động và yêu cầu phải hoàn thành xong trong 3 tháng. Cùng với đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp xuống còn 0% và ước tính có khoảng 390.000 doanh nghiệp sẽ được hưởng chính sách này. Đây là một chính sách chưa từng có tiền lệ và rất nhân văn. Tại nhiều địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã chủ động triển khai những biện pháp thiết thực để hỗ trợ người dân và các cháu nhỏ mồ côi vì dịch bệnh.

Về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ngày 19/10, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ và lắng nghe ý kiến của các ngành, các giới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 406 về chính sách miễn thuế, giảm thuế. Theo các chuyên gia kinh tế thì chính sách này được ví như chiếc bình oxy kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp, cho người dân đang đuối sức vì dịch bệnh. Và tính thiết thực của nghị quyết ở chỗ, là rõ ràng về tiêu chí đối tượng, để vừa không mất thời gian trong triển khai và vừa thuận lợi cho công tác giám sát sau này. Trong bối cảnh ngân sách đang phải thắt lưng buộc bụng như hiện nay, thì chính sách này thực sự là một sự chia sẻ rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy

Về tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực tư pháp, dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội mà đã ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực tư pháp. Nhiều biện pháp điều tra và nhiều phiên tòa đã không thể tiến hành theo kế hoạch. Vì vậy, tại kỳ họp này, Quốc hội đã cho phép trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Tố tụng hình sự và dự thảo Nghị quyết về phiên tòa trực tuyến theo thủ tục rút gọn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho công tác tư pháp và đã đạt được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội.

Nhấn mạnh, những khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch đang ngấm ngày càng sâu vào từng người lao động và từng doanh nghiệp. Những quyết sách kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vừa qua đã giúp tháo gỡ một bước khó khăn của người dân, doanh nghiệp để sớm ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, theo đại biểu, những khó khăn trước mắt vẫn còn rất lớn. Do đó, đại biểu đưa ra hai kiến nghị:

(1) Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những giải pháp, chính sách đặc biệt, đặc thù để hỗ trợ người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hiện nay;

(2) Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai các giải pháp, các gói hỗ trợ để bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiến độ. Bởi vì nếu triển khai chậm sẽ có nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường và ứng với đó là nhiều việc làm sẽ bị mất đi.

Chất lượng thực thi chính sách, pháp luật vẫn là điểm nghẽn lớn

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) phân tích thêm về cắt giảm chí phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp nhìn từ kết quả cải thiện môi trường kinh doanh những năm vừa qua và đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới.

Đại biểu nói: Thực tế cho thấy, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật hiện nay vẫn là điểm nghẽn lớn; chi phí không chính thức trong tuân thủ pháp luật vẫn là vấn đề nghiêm trọng, tạo gánh nặng không nhỏ với doanh nghiệp; theo khảo sát của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức năm 2020 vẫn ở mức gần 45%. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, xếp hạng về Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (một chỉ số thuộc trụ cột thể chế - chỉ số B1 - để đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu), mặc dù đạt kết quả đáng mừng trong lần công bố gần nhất vào năm 2019 (năm 2020 đến nay tạm dừng công bố xếp hạng do đại dịch Covid), tăng 17 bậc, nhưng Việt Nam vẫn ở mức thấp, đứng thứ 79 trên 141 quốc gia; và rất thấp trong ASEAN, đứng thứ 7 trên 9 nước, chỉ hơn Brunei và Philippine. Các báo cáo của Bộ Tư pháp về kết quả thực hiện nhiệm vụ cải thiện Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đã chỉ ra nhiều hạn chế, vướng mắc cả về nhận thức và tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba

Từ thực tế đó, thời gian tới cũng như năm 2022, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo một số việc sau để cắt giảm hiệu quả chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp:

Thứ nhất, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhận thức đúng, đầy đủ trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp; xác định việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật là yêu cầu quan trọng ngay từ khâu soạn thảo, và nhất là trong tổ chức thi hành pháp luật.

Thứ hai, việc đặt ra điều kiện kinh doanh chính là hạn chế quyền tự do kinh doanh, đồng thời tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, vì vậy phải hết sức thận trọng, chặt chẽ. Từ thực tiễn hiện nay cho thấy cần tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp các bộ, chính quyền địa phương ban hành thủ tục, điều kiện kinh doanh trái pháp luật, đặc biệt là ban hành văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh. Cần thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả của các điều kiện kinh doanh để có giải pháp sửa đổi kịp thời, sát thực tiễn (nội dung này đã được quy định trong Nghị định 31 năm 2021 của Chính phủ); khi quy đinh các điều kiện kinh doanh mới, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về việc đặt ra các điều kiện kinh doanh phải xuất phát từ lý do quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đạo đức và sức khỏe cộng đồng. Một vấn đề thực tế nữa là, cần có hướng dẫn cụ thể để phân biệt quy chuẩn kỹ thuật với điều kiện kinh doanh, tránh nhầm lẫn dẫn đến việc bộ, ngành, địa phương ban hành trái thẩm quyền các điều kiện kinh doanh dưới dạng quy chuẩn kỹ thuật.

Thứ ba, cần tập trung cải cách thủ tục trong các lĩnh vực còn nhiều phiền hà như đất đai, xây dựng, thuế, kho bạc, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, lao động; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh việc mở rộng các dịch vụ công được cung cấp hoàn toàn trên môi trường mạng (cấp độ 4); tiếp tục đổi mới phương thức kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa, nhất là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; giảm thiểu thanh, kiểm tra cả về số cuộc, số lần và thời gian thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp; không thanh, kiểm tra trùng lặp.

Thứ tư, hiện nay, các cơ sở dữ liệu của Nhà nước về văn bản quy phạm pháp luật (gồm Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Công báo điện tử về văn bản quy phạm pháp luật và Bộ Pháp điển điện tử) được xây dựng, quản lý phân tán, dàn trải nguồn lực, dẫn đến hiệu quả sử dụng chưa đáp ứng tốt yêu cầu tra cứu, khai thác của người dân, doanh nghiệp. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng của các cơ sở dữ liệu này; nên tập trung nguồn lực để xây dựng một Cơ sở dữ liệu quốc gia duy nhất về văn bản phạm pháp luật. 

Thứ năm, thực tiễn việc tổ chức thực hiện các hoạt động cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật hiện nay còn có những điểm “chia cắt” bất hợp lý với các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật cả về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như phân tán nguồn lực và đầu mối quản lý; vì vậy cần nghiên cứu, có giải pháp gắn kết đồng bộ, hiệu quả các hoạt động này, bảo đảm tập trung nguồn lực hợp lý nhất cho việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đề nghị sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá và đồ uống có cồn

Đại biểu Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt theo tinh thần Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội, trong đó đề nghị tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá và đồ uống có cồn.

Theo đại biểu, tiêu dùng thuốc lá ở Việt Nam gây ra những gánh nặng về bệnh tật, tử vong và kinh tế ở cả cấp hộ gia đình và quốc gia. Theo số liệu của Tổ chức y tế thế giới, có khoảng trên 15 triệu người Việt Nam hút thuốc, với số lượng tiêu thụ hàng năm khoảng hơn 4 tỷ bao thuốc lá. Mỗi năm xã hội phải bỏ ra khoảng 31 nghìn tỷ đồng để mua và khoảng 24 nghìn tỷ đồng dành cho các chi phí y tế liên quan đến thuốc lá.

 

Đại biểu Nguyễn Thành Trung

Nguyên nhân chính là do mức giá và thuế thuốc lá của Việt Nam ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 2019, giá trung bình một bao thuốc nhãn hiệu phổ biến nhất ở Việt Nam khoảng 20 nghìn đồng/một bao, thấp hơn nhiều so với trung bình của các quốc gia và ở trong số các quốc gia có giá thuốc lá thấp nhất trên thế giới. Mặt khác, thu nhập của người dân tăng nhanh hơn nhiều so với giá sản phẩm thuốc lá.

Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá và tăng thu ngân sách, đại biểu kiến nghị cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng: bổ sung thuế tuyệt đối, cùng với thuế tương đối đang áp dụng để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp với mức đủ lớn. Cụ thể, nếu áp mức thuế tuyệt đối 5.000 đồng một bao bên cạnh thuế suất tỷ lệ là 75% sẽ giúp giảm đáng kể số lượng người hút thuốc, đồng thời thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 14 nghìn tỷ đồng/năm.

Như vậy, sẽ đạt cả 2 mục tiêu là tăng thu cho ngân sách nhà nước và giảm số lượng người hút thuốc, đồng thời sẽ giảm chi cho những bệnh tật do thuốc lá gây ra.

Đối với đồ uống có cồn, hiện nay tiêu dùng rượu bia ở Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt ở giới trẻ, gây ảnh hưởng lớn đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội. Giá rượu bia của Việt Nam hiện rất rẻ và sức mua tăng mạnh do thu nhập tăng nhanh trong khi giá rượu bia tăng rất chậm.

Tăng thuế để tăng giá các mặt hàng rượu bia đã được chứng minh có tác động mạnh đến giảm nhu cầu sử dụng, đặc biệt là người tiêu dùng có thu nhập thấp và thanh thiếu niên, sẽ giảm sử dụng nhiều hơn khi thuế và giá rượu bia tăng.

Theo tính toán của các tổ chức khoa học, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia và rượu trên 20 độ từ mức 65% hiện nay lên mức 85% thì lượng tiêu thụ sẽ giảm khoảng 150 triệu lít bia và khoảng 3 triệu lít rượu, đồng thời thu ngân sách nhà nước tăng thêm khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Do vậy, để đạt được “mục tiêu kép” vừa nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, tương lai của đất nước, vừa tăng thu cho ngân sách nhà nước, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu sớm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia, thuốc lá. Nguồn lực này sẽ được ưu tiên cho các nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm khác trong giai đoạn tiếp theo.

Các Đại biểu thảo luận tại Hội trường - Ảnh: Qh.vn

THÁI VŨ