Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 27/6/2025 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 (sau đây gọi chung là Luật).
Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự (Điều 1 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới hiện nay, Luật số: 99/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự được Quốc hội thông qua với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng.
Về trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự quy định tại Điều 20 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS năm 2015) được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, quyết định việc buộc tội, phát hiện vi phạm pháp luật nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội, pháp nhân phạm tội, vi phạm pháp luật đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, pháp nhân phạm tội, không làm oan người vô tội.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân mỗi cấp trong thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự theo quy định của Bộ luật này.”.
Về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, khoản 6 Điều 1 của Luật quy định bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 Điều 41 BLTTHS năm 2015 như sau:
“Trường hợp Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết vụ án thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể ủy quyền cho Kiểm sát viên giữ chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại điểm a khoản 1 và điểm p khoản 2 Điều này; kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ luật này;
b) Quyết định phân công hoặc thay đổi Phó Viện trưởng Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; kiểm tra hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Phó Viện trưởng Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên;
c) Quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Phó Viện trưởng Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.”.
Về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm phán, khoản 8 Điều 1 của Luật quy định bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 Điều 44 BLTTHS năm 2015 về như sau:
“5. Trường hợp Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao giải quyết vụ án thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có thể ủy quyền cho Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa Phúc thẩm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Trực tiếp tổ chức việc xét xử vụ án hình sự thuộc thẩm quyền;
b) Nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Quyết định phân công Phó Chánh tòa Tòa Phúc thẩm, Thẩm phán xét xử vụ án hình sự; quyết định phân công Thư ký Tòa án tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự; quyết định thay đổi Thẩm phán, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa.”.
Đồng thời, tại khoản 9 Điều 1 của Luật bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 45 BLTTHS năm 2015 như sau:
“2a. Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam, xử lý vật chứng; Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có quyền giải quyết khiếu nại theo quy định của Bộ luật này.”.
Về giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tại điểm b khoản 11 Điều 1 của Luật quy định sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 110 BLTTHS năm 2015 như sau:
“4. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.
Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, những người quy định tại điểm c khoản 2 Điều này phải giải ngay người bị giữ kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến Cơ quan điều tra nơi có sân bay hoặc bến cảng đầu tiên tàu trở về. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị giữ, Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.
Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị giữ, lý do, căn cứ giữ người quy định tại khoản 1 Điều này và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.”.
Về thẩm quyền xét xử của Tòa án (Điều 268 BLTTHS năm 2015), Luật quy định tại khoản 31 Điều 1 như sau:
Tòa án nhân dân khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đến 20 năm tù.
Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm những vụ án: Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực; Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; vụ án mà khi xử lý có ảnh hưởng đến chính trị, đối ngoại; vụ án mà người phạm tội là cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp tỉnh trở lên, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc thiểu số. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định chi tiết điểm này.
Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ tội phạm, vụ án: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia; Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; Các tội quy định tại các điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của Bộ luật Hình sự; Các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài.
Về thẩm quyền giám đốc thẩm quy định tại Điều 382 BLTTHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 41 của Luật như sau:
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự trung ương bị kháng nghị.
Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật quy định tại khoản 1 Điều này nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán nhưng không thống nhất khi biểu quyết thông qua.
Khi Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia, do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm chủ tọa phiên tòa.
Quyết định của Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng biểu quyết tán thành; nếu không được quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng toàn thể Thẩm phán tán thành thì phải hoãn phiên tòa. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì Hội đồng toàn thể Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án.
Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực bị kháng nghị. Khi xét xử giám đốc thẩm thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên của Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương tham gia, do Chánh án Tòa án quân sự trung ương làm chủ tọa phiên tòa.
Quyết định của Ủy ban Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; nếu không được quá nửa tổng số thành viên của Ủy ban Thẩm phán tán thành thì phải hoãn phiên tòa. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì Ủy ban Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án.
Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng nghị. Khi xét xử giám đốc thẩm phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên của Ủy ban Thẩm phán tham gia, do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh làm chủ tọa phiên tòa.
Quyết định của Ủy ban Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; nếu không được quá nửa tổng số thành viên của Ủy ban Thẩm phán tán thành thì phải hoãn phiên tòa. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì Ủy ban Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án.
Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm của các cấp khác nhau thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm toàn bộ vụ án.
Những nội dung sửa đổi, bổ sung này là vô cùng quan trọng, cần thiết, phù hợp trong bối cảnh hiện nay, bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Ảnh: Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Từ ngày 01/7/2025, Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐTP chính thức có hiệu lực thi hành, bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Luật Phá sản, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Hình sự
-
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các Tòa án nhân dân
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Sức mạnh của đoàn kết"
-
Từ ngày 01/6/2025 sẽ "hết mẹo" trong sát hạch giấy phép lái xe
Bình luận