NHỚ CHÁNH ÁN TRỊNH HỒNG DƯƠNG (Kỳ III)
Trụ sở TANDTC, nơi Chánh án Trịnh Hồng Dương gắn bó cả đời vì sự nghiệp Tòa án
Anh Dương thường xuyên mặc áo bay mua từ thời học ở Liên Xô, cái cặp da giống như cái xà cột cũng đem từ Liên Xô về. Người nhỏ thó, gày nhom, nhìn tạng người không ai nghĩ đó là Chánh án TANDTC. Có lần xuống địa phương làm việc, lãnh đạo địa phương cứ bắt tay, niềm nở với lính tráng vì họ không ngờ cái ông ăn mặc xuyềnh xoàng nhỏ thó lững thững đi đằng sau lại là Chánh án. Vào cuộc họp vỡ lẽ, cười trừ.
Trong một lần tiếp khách nước ngoài, tôi nhắc anh phải mặc chỉnh tề, đóng bộ hẳn hoi . Anh bảo tớ có bộ comlê rồi, nhưng không mặc áo trắng bao giờ nên không có. Thế là Văn phòng phải đi tậu ngay cho anh một đôi áo trắng. Cũng ít khi thấy anh mặc áo trắng đó đi làm mà chỉ mặc khi có sự kiện gì đó.
Có vài lần, anh Bốn lái xe cho anh Dương bị ốm hoặc nghỉ ,anh Dương cũng không báo Văn phòng điều xe khác mà gọi xe ôm đi họp, đi làm. Tôi nghe anh em một số cơ quan bảo sếp ông đi họp bằng xe ôm. Tôi góp ý anh không nên như vậy, anh Dương bảo chuyện nhỏ, tớ đi xe ôm có sao đâu, đừng bận tâm làm gì.
Tết nguyên đán, vợ chồng anh Dương vào nhà tôi chơi chúc Tết. Tôi hỏi “Anh Bốn đâu” vì tôi nghĩ anh Bốn lái xe chở anh Dương vào nhà tôi. Anh Dương hỏi lại” “Bốn nào, Bốn lái xe còn phải nghỉ Tết “. Tôi hỏi thế anh chị đi bằng gì, anh Dương bảo “Vợ chồng tớ đi xe ôm khứ hồi , đi hẳn hai xe cho đúng luật”. Thế thì chịu rồi, có lẽ không có không bao giờ có cán bộ cao cấp ngang hàng Phó Thủ tướng sống như vậy.
Nhà anh Bốn lái xe ở gần nhà anh Dương, có những hôm trời mưa, thương anh Bốn đưa Chánh án về rồi lại quay về cơ quan cất xe xong mới đi xe máy về, thế là anh Dương chui vào áo mưa sau, anh Bốn đưa về . Tôi phê bình anh Bốn thì anh Dương bảo mưa gió bắt tội nó đi đi, lại lại làm gì, tớ ngồi xe máy càng mát. Lại bó tay với Chánh án.
Một lần anh Dương đến họp ở trụ sở 262 Đội Cấn. Anh Bốn lái xe chạy về cơ quan, họp xong ra không thấy xe , anh Dương ra cổng bảo vệ gọi điện thoại để anh Bốn đón. Cậu bảo vệ không có trong phòng , lại không biết mặt Chánh án nên khi vào thấy anh Dương gọi điện cậu ta quát tháo ầm ĩ “Ông ở đâu đến mà tự tiện gọi điện , ông ra ngay…”. Anh Dương bảo tớ gọi nhờ về cơ quan mà không nói là Chánh án. Cậu bảo vệ càng quát to hơn. Lúc đó chú An ( bây giờ là Phó giám đốc Học viện Tòa án) thấy thế chạy ra bảo “Chánh án đấy, mày láo toét”. Cậu bảo vệ đứng đờ người sợ quá , không nói nổi câu xin lỗi.
Buổi trưa hôm đó, cậu bảo vệ lên gặp tôi thanh minh mãi. Tôi nói lại chuyện này với anh Dương, anh bảo cậu phải khen thưởng nó vì nó làm đúng chức trách, chẳng có gì phải xin lỗi hay rút kinh nghiệm.
Thẳng thắn, dí dỏm, hài ước
Tôi làm Chánh Văn phòng nên kỳ họp Quốc hội nào cũng cắp cặp theo Chánh án đi họp. Quốc hội cấp cho cái thẻ Đại biểu dự thính, tức là chỉ được nghe, không được nói. Mỗi kỳ họp, Chánh án phải báo cáo công tác của ngành và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Người ta hay chất vấn về các vụ án cụ thể và yêu cầu phải kháng nghị. Anh Dương xem rất kỹ các vụ án đó và nhiều vụ trả lời là không có căn cứ kháng nghị. Tôi rất nhớ một vụ án tranh chấp thừa kế ở quận Ba Đình, Hà Nội giữa hai chị em ruột đều tên là Mưa, bà chị là Mưa lớn, bà em là Mưa nhỏ. Vụ án này được đại biểu đưa ra chất vấn tại Quốc hội. Anh Dương trả lời rất thẳng và kết luận: “Tôi không thể kháng nghị vụ Mưa lớn – Mưa nhỏ, thôi xin trả lời sơ sơ như vậy”. Quốc hội cười nghiêng ngả. Vui vậy nhưng nghỉ giải lao giữa giờ, mấy vị đại biểu tôi quen ra bảo là “Sếp cậu không sửa được cái tính thẳng quá, sẽ có một số người không hài lòng đâu. Tôi biết chứ nhưng mà nói khác thì không phải là anh Dương.
Thời kỳ anh Dương làm Chánh án, nếu xử sai quá thì mới phải kháng nghị còn những sai sót mà không ảnh hưởng đến nội dung vụ án thì rút kinh nghiệm với nhau thôi.
Trong giao tiếp với cán bộ, rất ít khi anh Dương xưng hô đồng chí, thường là cậu tớ, ông tôi, cô, các cô … một cách thân thiện. Những người gần gũi đều nhớ những chuyện hài hước, dí dỏm của anh. Chú Minh (bây giờ là Phó Văn phòng TANDTC) lúc đầu đang là lái xe đã có một con gái, muốn đẻ con trai nên nhân lúc rảnh rỗi, hỏi đùa kinh nghiệm của thầy Dương về đẻ con trai. Anh Dương hỏi han một số thông tin về vợ chồng rồi bấm đốt tay lẩm nhẩm rồi phán, cam kết làm đúng lời thầy là có con trai. Mấy tháng sau vợ mình để vẫn là con gái, chú Minh lên “bắt đền” anh Dương. Anh Dương hỏi có làm đúng lời thầy không và bắt kể lại “sự tình” . Nghe xong , anh Dương vỗ đùi đen đét và phán cậu làm sai rồi, tớ bảo là phải liên tục, liên tục mà cậu làm đứt quãng thì ra con gái là phải rồi, thầy không phải đền đâu. Cười xòa xí xóa.
Anh Dương rất hay nửa đùa, nửa thật và hay bắt nọn rất tài. Lính tráng gặp lần đầu chưa biết nhiều anh cứ đớ người ra. Tôi nhớ có một lần khi tôi còn đang làm ở dưới Tòa án quận thì anh Dương gọi điện bảo tôi lên gặp có việc gấp. Sau khi bảo tôi ngồi, anh hỏi “Cậu khai thật có quan hệ với người nước ngoài không (thời đó có quan hệ với người nước ngoài là phải báo cáo). Tôi nói là không có quan hệ, anh bảo tớ có chứng cứ hẳn hoi, cậu không thể chối cãi, nghĩ kỹ rồi thành khẩn khai báo. Tôi nghĩ không có nên vẫn khẳng định là không có. Anh Dương rút ngăn kéo bàn lấy ra một chiếc phong bì nước ngoài, đưa cho tôi và bảo đây là chứng cứ, cậu không quan hệ với người nước ngoài sao người ta lại gửi tiền cho cậu ? Tôi mở phong bì, đúng là có mấy trăm mác tiền của Đức thật nhưng không biết ai gửi cho. Ngồi đực ra nghĩ. Anh Dương bảo cậu có quan hệ với ai ở Đức không?
Tôi nói anh trai tôi học ở Đức nhưng về nước rồi, không quen biết ai khác. Lúc này anh mới bảo có ai tên là Dược ở Đức không. Tôi mới nhớ ra đó là đứa cháu họ nhà vợ đi xuất khẩu lao động. Từ ngày nó đi tôi cũng không để ý nó ở nước nào. Anh Dương cười và bảo tớ vừa sang công tác ở Đức, tình cờ gặp cháu cậu, nói chuyện nó bảo có ông chú làm ở Tòa án Hà Nội, thì ra là cậu. Nó bảo chẳng kịp mua quà gì nên nhờ tớ mang về biếu cậu mấy trăm mác đấy. Tôi bảo thế mà anh vòng vo tam quốc mãi. Anh Dương bảo hôm nay rảnh rỗi một chút gọi cậu lên vòng vo cho có chuyện mà nói. Lại chịu ông anh.
Chuyện về quà Tết
Tết nguyên đán, anh em Tòa án địa phương lên chúc Tết Chánh án. Sau Tết, anh Dương gọi tôi lên đưa cho tôi một tập phong bì chúc Tết và bảo “Tớ lấy thiệp chúc Tết rồi , còn có tiền trong phong bì ,cậu xem của Tòa nào thì trả lại hộ tớ, anh em làm gì có tiền đâu, thăm hỏi nhau là quý rồi “.
Tôi nói là trả lại tiền (dù không đáng là bao ) sẽ làm anh em khó nghĩ, người không hiểu lại cho là Chánh án chê ít. Anh Dương bảo, thôi thế thì nộp cho Công đoàn làm kinh phí hoạt động và cậu nhắc anh em không được “tái phạm”.
Với sự thanh bạch đến mẫu mực như vậy nên anh Trịnh Hồng Dương là Chánh án TANDTC nghèo nhất. Tôi nhớ mãi một buổi sáng , anh Dương đến cơ quan đi vào phòng làm việc của tôi và bảo: “Đêm qua tớ không ngủ được, lo sốt vó”. Tôi hỏi anh lo cái gì? Anh bảo họ báo hóa giá nhà tớ đang ở, mình phải nộp hơn 100 triệu đồng nữa mà không biết làm sao có tiền đây, tính vay ngân hàng mà không biết có được không , rồi còn phải trả lãi nữa. Lúc đó trông ông anh rất tội nghiệp. Trời ơi, làm tới Chánh án TANDTC mà nghèo vậy ư ?
Tôi đùa anh khai thành khẩn xem hiện tại anh có bao nhiêu tiền? Anh Dương bảo tớ có quyển sổ tiết kiệm còn khoảng gần 40 triệu đồng gì đấy là đã tính cả lãi rồi, tức là còn thiếu khoảng 80 triệu đồng nữa. Tôi nói anh đừng lo, em có chỗ vay không phải trả lãi. Anh em chúng tôi góp mỗi người một ít giúp anh, mãi sau này khi anh Dương nghỉ mới dám nói thật.
Có lần anh Dương bảo tôi, hôm qua bà chị ở quê ra chơi và hỏi vay tớ 5 chỉ vàng, tớ bảo em lấy đâu ra, một vẩy vàng cũng không có. Bà chị bảo cậu không cho vay thì thôi chứ cậu làm Chánh án TATC to vật như vậy mà không có tiền thì tôi không tin. Bà chị giận tớ , bỏ về quê luôn.
Đúng là làm nghề này nhiều khi mất cả anh em, họ hàng , bạn bè. Thôi đành vậy, đã trót ngồi trên lưng hổ thì phải cưỡi hổ thôi.
Chuyện ở nhà của Chánh án
Ở cơ quan anh bình dị như vậy nên về nhà anh càng đơn giản hơn. Chị Cát vợ anh Dương là giáo viên nhưng ốm đau, bệnh tật liên miên, có thời kỳ đi đứng phải có người đỡ nên chị Cát nghỉ việc. Cả nhà trông vào tiền lương của mình anh Dương. Anh Dương đi làm về là quần đùi, áo may ô, bắt đầu công việc nội trợ. Đặt cơm, tranh thủ lau quét, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo… đủ hết mọi việc của “công tác ” nội trợ.
Thỉnh thoảng có việc cần, tôi phải đến nhà, thấy Chánh án xoay trần ngồi giã cua trông rất tội. Tôi bảo anh để em làm cho. Anh Dương cười hóm hỉnh , bảo việc này tớ có kỹ năng hơn cậu, cậu gọt hộ tớ quả mướp, tớ không tìm thấy cái nạo. Hai anh em vừa nội trợ vừa trao đổi công việc.
Tôi có niềm đam mê câu cá, đi câu bị điện giật suýt chết mà vẫn không chừa, không bỏ được. Cứ rảnh rỗi là đi, mặc nắng , mưa, rét mướt. Những lúc rảnh rỗi, anh em ngồi nói chuyện tào lao, tôi kể chuyện đi câu được cá chim to bốn, năm kg, anh Dương bảo sao lại có cá chim ở hồ nước ngọt? Tôi bảo anh không tin hôm nào câu được em mang đến cho anh. Một hôm, tôi câu được con cá chim khoảng 4 kg đem đến cho anh Dương. Anh bảo lần đầu tiên nhìn thấy cá chim nước ngọt và cứ khen là cậu sát cá, hồi trước tớ cũng đi câu, ông anh thì cứ giật cá liên tục mà mình chẳng được con nào, đổi chỗ cũng không được. Tôi đùa anh không sát cá thì sát cái khác, quy luật bù trừ thôi mà. Anh Dương bảo, cậu ở với tớ mấy chục năm rồi có phát hiện ra tớ sát cái gì không? Cười.
Trước khi về tôi dặn anh phải đập chết cá rồi mới làm và không cho tay vào mồm nó vì cá chim là loại cá rất dữ , răng nhọn sắc hơn cả lưỡi cưa. Sáng hôm sau, tôi thấy anh tạt vào phòng tôi và bảo “Cậu làm hại tớ rồi “. Anh chìa ngón tay bị băng cho tôi xem và bảo “Tớ đã đập nó chết rồi mới đánh vẩy, mổ bụng , thế mà khi cắt khúc lại cho ngón tay vào mồm nó để giữ nên nó đớp mình chảy máu, buốt ra phết. Tớ phải gọi cậu Bốn sang băng tay và làm hộ con cá. Tớ không nghĩ là nó dữ thế”. Lại cười.
Thỉnh thoảng câu được cá, nếu tiện đường tôi đem cho anh, sau những lần ấy thế nào anh cũng thông báo cho tôi biết về công nghệ chế biến cá của anh, nào là tớ nấu canh chua cái đầu, rán khúc giữa, kho các khúc đuôi…
Có lần đi công tác ở Phú Thọ đúng vào mùa mít, tôi mua biếu anh một quả, trông bên ngoài thì rất đẹp. Mấy hôm sau anh bảo mít của cậu có ăn được không , quả mít cậu cho tớ chỉ ăn được hạt thôi. Là tớ thông báo chứ không phải là trách đâu. Tôi cũng báo tin buồn cho anh là quả mít nhà em cũng “tốt mã ,rẻ cùi “. Cười.
(Còn nữa)
Nhớ Chánh án Trịnh Hồng Dương (Kỳ I)
Nhớ Chánh án Trịnh Hồng Dương (Kỳ II)
Nhớ Chánh án Trịnh Hồng Dương (Kỳ cuối)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận