Những bất cập trong việc thực hiện quyền được xem Biên bản phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Sau khi nghiên cứu bài viết “Những bất cập trong việc thực hiện quyền được xem Biên bản phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự” của tác giả Lê Văn Quang đăng ngày 13 /10/ 2020, tôi cho rằng quan điểm thứ nhất là có cơ sở.
Kể từ thời điểm kết thúc phiên tòa sau khi chủ tọa phiên tòa và Thư ký ký vào biên bản phiên tòa thì Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó được quyền xem biên bản phiên tòa bất cứ lúc nào không giới hạn về thời hạn, theo quan điểm thứ nhất là cơ bản có cơ sở.
Tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng: Ngay sau khi kết thúc phiên tòa thì Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó nếu muốn xem biên bản phiên tòa thì ngay trong ngày kết thúc phiên tòa phải xem biên bản, nếu hết thời hạn nêu trên thì không được xem biên bản phiên tòa. Quan điểm của tác giả chưa phù hợp vì những lý do sau:
Thứ nhất, khoản 3, khoản 4 Điều 258 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: 3. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra biên bản và cùng với Thư ký Tòa án ký vào biên bản đó.
- Sau khi chủ tọa phiên tòa và Thư ký Tòa án ký vào biên bản phiên tòa, Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó được xem biên bản phiên tòa…
Như vậy, việc xem biên bản phiên tòa của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó chỉ được thực hiện sau khi chủ tọa phiên tòa kiểm tra biên bản và cùng với Thư ký Tòa án ký vào biên bản đó. Trong các vụ án phức tạp, việc xét xử được diễn ra nhiều ngày thì việc kiểm tra biên bản phiên tòa đòi hỏi nhiều thời gian, do đó nhiều trường hợp không thể kiểm tra xong ngay trong ngày kết thúc xét xử. Do vậy, nếu theo quan điểm thứ 2 thì việc xem biên bản phiên tòa bị khống chế về mặt thời gian là “ngay trong ngày kết thúc phiên tòa phải xem biên bản, nếu hết thời hạn nêu trên thì không được xem biên bản phiên tòa” là chưa khả thi và không sát với thực tiễn.
Thứ hai, trường hợp một trong số những người như: bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó không có mặt tại phiên tòa, mà phiên tòa vẫn tiến hành xét xử khi họ vắng mặt; vậy theo quan điểm thứ hai thì những người này sẽ không có quyền xem biên bản phiên tòa vì họ không thể có mặt “ngay trong ngày kết thúc phiên tòa” để xem biên bản nên sẽ ảnh hưởng lớn tới quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
Xem biên bản phiên tòa là quyền của một số người tham gia tố tụng được pháp luật ghi nhận. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng xuất phát từ điều kiện thực tiễn của công tác xét xử thì cần có hướng dẫn chi tiết áp dụng thống nhất về việc xem biên bản phiên tòa để tránh trường hợp không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; tạo điều kiện thuận lợi để người dân (người tham gia tố tụng) tham gia giám sát hoạt động xét xử của Tòa án. Đặc biệt, không làm phát sinh quá nhiều công việc không đáng có của cán bộ tòa án khi vụ việc đã được giải quyết đúng đắn và chấm dứt; không tạo sơ hở, lợi đụng pháp luật để người khác lạm quyền, gây phiền phức làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan xét xử.
Theo quan điểm của chúng tôi, cần có hướng dẫn theo hướng: Trong thời hạn kháng cáo, người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật có quyền xem biên bản phiên tòa tương ứng với thời hạn kháng cáo của người có mặt hoặc vắng mặt tại phiên tòa; trong thời hạn kháng nghị đối với kiểm sát viên trực tiếp thực hành quyền công tố tại phiên tòa đó. Đối với tòa án, về nguyên tắc sau khi kết thúc phiên tòa, thư ký phải có biên bản phiên tòa để thẩm phán kiểm tra và ký vào biên bản; tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia tố tụng thực hiện quyền xem biên bản phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi đối với bài “Những bất cập trong việc thực hiện quyền được xem Biên bản phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự”. Xin được trao đổi với tác giả và bạn đọc./.
TAND tỉnh Điện Biên xét xử sơ thẩm vụ án mua bán người – Ảnh: Lan Phương
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận