Những dấu hiệu cơ bản của tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước

Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.

Tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” là tội phạm được quy định chung trong cùng một điều luật với tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, mua bán, tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước theo quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước
1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

So với Điều 263 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội phạm này, thì Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015 không có sửa đổi, bổ sung gì lớn, chỉ bỏ các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”, mà thay vào đó là các tình tiết: “bí mật nhà nước thuộc độ tối mật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa” (khoản 2 Điều 337) và “có tổ chức; bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật; phạm tội 02 lần trở lên và gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” (khoản 3 Điều 337).

Việc nhà làm luật quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau trong cùng một điều luật là căn cứ vào hành vi xâm phạm cùng một khách thể, tác động đến cùng một đối tượng, đó là bí mật nhà nước. Mặt khác, các hành vi phạm tội đều có tính chất nghiêm trọng tương tự như nhau. Vì vậy, khi xác định hành vi phạm tội cũng như khi định tội danh, các cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào từng hành vi phạm tội cụ thể để định tội cho chính xác:

Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi cố ý xâm phạm đến bí mật nhà nước thì định tội theo nhiều hành vi mà người phạm tội thực hiện; hành vi phạm tội nào thì định tội đó;

Nếu người phạm tội vừa có hành vi chiếm đoạt bí mật nhà nước, vừa có hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước, thì phải định tội là “chiếm đoạt bí mật nhà nước và cố ý làm lộ bí mật nhà nước”;

Nếu người phạm tội thực hiện tất cả các hành vi phạm tội quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự, thì phải định tội danh đầy đủ là: “cố ý làm lộ bí mật nhà nước; chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy vật, tài liệu bí mật Nhà nước”;

Nếu người phạm tội chỉ có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước thì định tội danh là “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.

Hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, bắt cóc, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên, lén lút, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt, chiếm giữ trái phép, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.

Về cơ bản, hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước cũng tương tự như hành vi chiếm đoạt tài sản quy định ở chương các tội xâm phạm sở hữu nên có thể hiểu một cách khái quát là: chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là hành vi cướp, cưỡng đoạt, công nhiên, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt, tham ô tài liệu bí mật nhà nước.

Chủ thể của tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người không thuộc trường hợp quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự[1] và  đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật Hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, người phạm tội này cũng thường là những người có trách nhiệm giữ tài liệu bí mật nhà nước.

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự thì chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, còn người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Bởi lẽ, theo khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự, thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự (không có Điều 337).

Đây là quy định mới có lợi cho người phạm tội so với Bộ luật Hình sự năm 1999, vì khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, do đó, người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 263 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Nay khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã liệt kê các điều luật về các tội phạm mà người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, trong đó không có Điều 337. Tuy nhiên, chủ thể của tội phạm này thường là những người có chức vụ, quyền hạn nắm giữ các tài liệu bí mật nhà nước và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, còn đối với người khác, nếu có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước thì họ có thể là đồng phạm.

Tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” là tội xâm phạm hoạt động quản lý hành chính nhà nước về việc bảo đảm sự an toàn của những tin tức mà nhà nước chưa công bố hoặc không công bố.

Đối tượng tác động của tội phạm này là những tin tức về vụ, việc, tài liệu, địa điểm, vật, lời nói có nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ hoặc các lĩnh vực khác mà nhà nước chưa công bố hoặc không công bố.

Việc xác định đối tượng tác động của tội phạm này phải căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Khi xác định đối tượng tác động của tội phạm này cần lưu ý:

Trong số những tài liệu bí mật nhà nước, thì có những tài liệu khi đã được công bố, nó không còn là bí mật nữa nhưng văn thư vẫn đóng dấu “MẬT”, làm cho nhiều người ngộ nhận đó là tài liệu mật. Ví dụ: Đề án, phương án, kế hoạch, ý kiến chỉ đạo, thông báo ý kiến chỉ đạo, kết luận của các đồng chí lãnh đạo bộ, ban, ngành trung ương; hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có nội dung đánh giá về thực trạng hoạt động của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có hoạt động gây ảnh hưởng đến chính trị, an ninh quốc gia; về xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ cấp chiến lược khi chưa công bố thì đó là bí mật nhà nước, nhưng khi đã công bố thì không còn là bí mật nhà nước nữa[2].

Người phạm tội chiếm đoạt là chiếm đoạt thông tin bí mật trong tài liệu bí mật nhà nước, chứ không phải bản thân tài liệu, vì vậy có trường hợp tài liệu không bị mất nhưng thông tin bí mật trong tài liệu đó đã bị người phạm tội chiếm đoạt thì người phạm tội vẫn bị coi là đã chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.

Tuy nhiên, muốn chiếm đoạt được thông tin bí mật nhà nước thì trước hết người phạm tội phải chiếm đoạt tài liệu có thông tin bí mật nhà nước. Trong điều kiện công nghệ thông tin hiện nay, rất ít trường hợp người phạm tội chiếm đoạt tài liệu mà chỉ chụp, sao chép nội dung của tài liệu bí mật nhà nước, mà không chiếm đoạt tài liệu có nội dung bí mật nhà nước.

Trường hợp người phạm tội không chiếm đoạt tài liệu hoặc cũng không sao chép tài liệu có nội dung bí mật nhà nước, mà chỉ cố ý hoặc vô ý “kể lại cho người khác” nghe về thông tin bí mật nhà nước thì cũng không thuộc đối tượng điều chỉnh của tội phạm tội này, mà tùy trường hợp người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước.

Nếu các tài liệu bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực công tác quân sự đã được quy định riêng thành các tội phạm thuộc Chương XXV- Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu thì không phải là đối tượng của tội phạm này nữa.

Các tài liệu bí mật nhà nước là đối tượng điều chỉnh của tội “gián điệp” cũng không phải là đối tượng của tội phạm này.

Các tài liệu bí mật khác, như bí mật công tác, bí mật đời sống riêng tư, bí mật gia đình… không phải là đối tượng của tội chiếm đoạt bí mật nhà nước.

Hành vi khách quan: Ở tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, người phạm tội chỉ thực hiện một hành vi khách quan, đó là “chiếm đoạt” nhưng với nhiều thủ đoạn khác nhau như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực uy hiếp thể chất hoặc tinh thần đối với người quản lý tài liệu bí mật nhà nước, hoặc dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo người giữ tài liệu bí mật nhà nước; lạm dụng tín nhiệm hoặc lén lút chiếm đoạt các tài liệu bí mật nhà nước, hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp quản lý tài liệu bí mật nhà nước để chiếm đoạt các tài liệu đó.

Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước cũng tương tự như hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm cao hơn, cũng như đối với một số trường hợp chiếm đoạt khác như: chiếm đoạt vũ khí quân dụng, chiếm đoạt ma túy…, nên nhà làm luật quy định thành một tội độc lập.

Nếu người phạm tội chiếm đoạt tài sản, nhưng trong tài sản có tài liệu bí mật nhà nước mà người phạm tội không có mục đích chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước thì họ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt tài sản.

Nếu người phạm tội không có mục đích rõ ràng, miễn là chiếm đoạt tài sản còn tài sản đó là cái gì thì không quan tâm và trong tài sản đã chiếm đoạt có tài liệu bí mật nhà nước nhưng vẫn cất giữ hoặc tiêu hủy thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: chiếm đoạt tài sản và chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.

Hậu quả của tội phạm này không phải là yếu tố định tội. Tuy nhiên, việc xác định hậu quả của hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là rất cần thiết vì nó là dấu hiệu định khung hình phạt.

Nếu người phạm tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước mà bí mật đó thuộc loại tối mật thì người phạm tội bị áp dụng điểm a khoản 2; nếu gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa thì bị áp dụng điểm c khoản 2 của điều luật; nếu người phạm tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước mà bí mật đó thuộc loại tuyệt mật thì người phạm tội bị áp dụng điểm b khoản 3 của điều luật; nếu gây tổn hại về chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thì bị áp dụng điểm đ khoản 3 của điều luật.

Ngoài ra, khi xác định hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về bí mật nhà nước như: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14 ngày 15/11/2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và đặc biệt là các quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục bí mật nhà nước của từng cơ quan là tài liệu không thể thiếu khi xác định hành vi phạm tội…

Người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là do cố ý, tức là khi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra, vì bản chất của hành vi chiếm đoạt đã chứa đựng sự cố ý phạm tội.

Người phạm tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước có thể với nhiều động cơ khác nhau nhưng chủ yếu là vì động cơ cá nhân. Tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm nhưng việc xác định động cơ đối với người phạm tội là rất quan trọng. Nếu vì động cơ vụ lợi, sau khi chiếm đoạt được đã đem bán lấy tiền hoặc lợi ích vật chất, thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội mua bán tài liệu bí mật nhà nước; nếu chiếm đoạt rồi tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước mà mình đã chiếm đoạt thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu hủytài liệu bí mật nhà nước; nếu chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước rồi cung cấp cho các cá nhân, tổ chức để chống lại Nhà nước Việt Nam thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gián điệp quy định tại Điều 110 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp này thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gián điệp, còn hành vi chiếm đoạt tài liệu chỉ là hành vi thực hiện tội gián điệp.

Tuy nhiên, nếu trước và trong khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, người phạm tội chưa có ý định cung cấp cho cá nhân, tổ chức để chống lại Nhà nước Việt Nam, nhưng sau khi đã chiếm đoạt được tài liệu bí mật nhà nước mới cung cấp cho cá nhân, tổ chức để chống lại Nhà nước Việt Nam, thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” và tội gián điệp.

Theo lsvn.vn

Ảnh minh họa của Báo Nghệ An

 

[1]Theo Điều 21 Bộ luật Hình sự, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
[2] Xem Quyết định số 960/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định Danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực nội vụ.

Ths ĐINH VĂN QUẾ ( Nguyên Chánh tòa Hình sự TANDTC)