Những điểm mới, đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay

Đại hội XIII của Đảng đề ra phương châm: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, quán triệt, triển khai phương châm đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính chiến lược, vừa có trọng tâm, trọng điểm, ngày càng đi vào xử lý về bản chất, gốc rễ của vấn đề tham nhũng, tiêu cực. Bài viết nêu một số điểm mới, đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay.

Với nhận thức, tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, Đảng ta xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) là một việc làm cần thết, tất yếu, hợp lòng dân và xu thế phát triển của nhân loại. Vì vậy, tiếp nối hành trình đấu tranh PCTNTC từ những nhiệm kỳ trước, Đại hội XIII của Đảng đề ra phương châm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”(1). Quán triệt, triển khai phương châm đó, Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo trung ương về PCTNTC (Ban Chỉ đạo) đã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính chiến lược, vừa có trọng tâm, trọng điểm, ngày càng đi vào xử lý về bản chất, gốc rễ của vấn đề thamnhũng, tiêu cực. Đây chính là nhân tố thúc đẩy, tạo đột phá mới trong đấu tranh PCTNTC từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, như đồng chí tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã đánh giá: “Chưa bao giờ công tác đấu tranh PCTNTC ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây”(2).

Thứ nhất, gắn đấu tranh PCTN với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị. Bởi, nguyên nhân trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây là câu trả lời thuyết phục nhất cho câu hỏi vì sao thời gian qua chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm nhưng vẫn tiếp tục xảy ra một số vụ tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp. Nếu như trong nhiệm kỳ Đại hội XII, chúng ta tập trung xử lý các sai phạm xảy ra từ những năm trước, thì gần đây có nhiều vụ, việc mới xảy ra, cho thấy vẫn có một số cán bộ, đảng viên “chưa biết sợ”. Đồng chí tổng Bí thư đã nhiều lần chỉ rõ: Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Vì vậy, phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức mới có thể phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình trạng tham nhũng.

Dấu mốc của bước chuyển này là việc Bộ Chính trị quyết định bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN để chỉ đạo cả công tác phòng, chống tiêu cực. từ đây, cuộc đấu tranh PCTNTC bước sang giai đoạn mới, đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ hơn giữa “xây” và “chống”, giữa PCTNTC với xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo đã quyết định đưa một số vụ việc tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo(3), qua đó, các cơ quan chức năng đã làm rõ, xử lý nghiêm hành vi tiêu cực của nhiều cán bộ, đảng viên. Điển hình như liên quan đến các vụ án “Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Đánh bạc; tổ chức đánh bạc” xảy ra tại tỉnh An Giang, đã xử lý kỷ luật 12 đảng viên và liên quan đến việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với Phan Sào Nam đã xử lý kỷ luật 09 tổ chức đảng, 19 đảng viên. 

Thứ hai, công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, nhưng có điểm mới so với trước đây là, các cơ quan chức năng đã quán triệt phương châm “truy tố một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”, chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; xảy ra trên diện rộng, trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, vi phạm có tính hệ thống, có tổ chức, cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, thậm chí diễn ra trong điều kiện đất nước đứng trước khó khăn, thử thách của dịch bệnh Covid-19; gây thiệt hại đặc biệt lớn đến tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển vững mạnh của nền kinh tế và tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Đó là các vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngoại giao, trái phiếu doanh nghiệp, kiểm định phương tiện giao thông…

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra trên 7.800 vụ án/hơn 15.200 bị can về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Riêng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á đến nay đã khởi tố 30 vụ án, 109 bị can (trong đó 25 địa phương đã khởi tố 28 vụ án, 71 bị can), thiệt hại ước tính trên 1.000 tỷ đồng; vụ án xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm đã khởi tố 80 vụ án, 613 bị can tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 98 trung tâm và Chi cục đăng kiểm; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã khởi tố 54 bị can; vụ án liên quan đến Ngân hàng SCB, tập đoàn Vạn thịnh Phát thiệt hại ước tính trên 9.000 tỷ đồng… Điều này giúp chúng ta càng nhận thức rõ hơn, đầy đủ, sâu sắc hơn quan điểm chỉ đạo của Đảng và đồng chí tổng Bí thư: Chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, không được chủ quan, thỏa mãn, mà phải kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng.

Thứ ba, qua xử lý các sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực đã xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách theo đúng nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. trên cơ sở đó, khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, từ chức, “rút lui trong danh dự”, kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp. Đến nay, Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương đã bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Đảng về việc “có vào, có ra; có lên, có xuống”. 

Đây là việc làm chưa có tiền lệ, thể hiện tinh thần kiên quyết, nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe hiệu quả. Cán bộ, đảng viên, nhân dân cảm nhận thấy ngày càng rõ hơn Đảng ta đã “nói đi đôi với làm”, chống tham nhũng, tiêu cực đã “tắm từ trên đầu xuống”, không phải chỉ “tắm từ vai xuống” như trước đây có nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng.

Thứ tư, trước đây, trong một số vụ án tham nhũng, tiêu cực, việc điều tra, xử lý gặp khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ, do có bị can đầu vụ và một số đối tượng liên quan bỏ trốn, việc truy nã chưa có kết quả, phải tạm đình chỉ vụ án đối với bị can đó, như trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường (có 07 bị can bỏ trốn, trong đó có bị can đầu vụ Bùi Quang Huy); vụ án xảy ra tại dự án 2-4-6 Hai Bà trưng (bị can Hồ thị Kim thoa, nguyên thứ trưởng Bộ Công thương), vụ án xảy ra tại Công ty tNHH MtV Phát triển công nghiệp tân thuận (bị can Phạm Nhật Vinh)… Điều này khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng đến hiệu quả răn đe, trừng trị của pháp luật.

Tuy nhiên, với sự kiên quyết, quyết tâm, vừa qua các cơ quan chức năng đã điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt cả những đối tượng bỏ trốn, như trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC), tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử vắng mặt đối với 08 bị cáo, trong đó có đối tượng chủ mưu Nguyễn thị thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng Giám đốc Công ty AIC bị tuyên phạt 30 năm tù giam. 

Kết quả xử lý vụ án này sẽ mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở một số vụ án khác; là cơ sở để dẫn độ tội phạm đã được tòa án kết tội; là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật; là cơ sở để nghiên cứu, ban hành án lệ, áp dụng thống nhất trên cả nước. 

Thứ năm, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực đã chuyển biến theo hướng đi vào chiều sâu, thể hiện rõ tính phòng ngừa “từ sớm, từ xa”. Đó là việc quan tâm phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay từ khâu tham mưu, ban hành chính sách. Pháp luật do con người làm ra, sẽ vô cùng nguy hiểm nếu con người cố tình tạo ra những kẽ hở để lợi dụng trục lợi, tham nhũng, tiêu cực; khi đó, số cán bộ thoái hóa, tham nhũng, tiêu cực sẽ được bảo vệ bởi một chiếc “thuẫn” rất chắc chắn, an toàn, đó là pháp luật. Vì vậy, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”.

Tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo tháng 11/2022, đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận chỉ đạo tiến hành giám sát, làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tài sản công, định giá, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, theo kế hoạch, trong năm 2023 Ban Chỉ đạo sẽ tiến hành kiểm tra việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật. 

Thứ sáu, vừa chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời những trường hợp tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng PCTNTC. Đây là những cơ quan được giao nhiều quyền lực, nên luôn tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực; hơn nữa, với vai trò là lực lượng nòng cốt, chủ công, tiên phong trong PCtNtC, nếu vướng vào tham nhũng, tiêu cực thì không thể thực thi nhiệm vụ PCTNTC, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Đảng, Nhà nước, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. thực hiện chỉ đạo của đồng chí tổng Bí thư, phải PCtNtC, thực hành liêm chính ngay trong các cơ quan PCTNTC, không để tình trạng “Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động của các cơ quan này.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật trên 300 cán bộ, công chức trong các cơ quan PCTNTC có sai  phạm; nhiều trường hợp trong số đó bị xử lý hình sự; Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố, điều tra trên 40 vụ án tham nhũng, chức vụ, tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp(4). Nhất là, đã xử lý kỷ  luật đối với 03 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; riêng từ đầu năm 2023 đến nay, đã khởi tố, điều tra 02 thiếu tướng Công an, 15 cán bộ thanh tra, giám sát của các cơ quan: thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Chánh thanh tra tỉnh...

Thứ bảy, việc thành lập và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh thể hiện bước phát triển về tổ chức bộ máy, cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác PCTNTC ở địa phương; đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, sự gương mẫu, quyết liệt và tinh thần chủ động của các địa phương, tạo sự đồng bộ từ trung ương đến địa phương trong đấu tranh PCTNTC. Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh không phải là “cây đũa thần”, “liều thuốc vạn năng” để có thể giải quyết ngay lập tức tình trạng tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Tuy nhiên, qua sơ kết 01 năm thành lập, hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã khẳng định, sự ra đời của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chính là nhân tố mới giúp công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở có sự chuyển biến tích cực, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trước đây, cho thấy, đây là chủ trương đúng đắn, việc làm cần thiết, kịp thời, được dư luận, cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và đặt kỳ vọng rất lớn. Triển khai thực hiện những điểm mới nêu trên, chắc chắn công tác PCTNTC từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến mới, tạo cơ sở quan trọng để đạt được bốn không: “Không dám”, “không thể”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực, từ đó “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi” tham nhũng, tiêu cực như mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đã đặt ra.

Theo Noichinh.vn

Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận chỉ đạo Cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo tháng 11/2022 - Ảnh: BNC

 

 (1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CtQGSt, H.2021, t.2.
    (2) Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII.
    (3) Như: Vụ việc tiêu cực của cán bộ, đảng viên liên quan đến các vụ án “Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hànghóa, tiền tệ qua biên giới; Đánh bạc; tổ chức đánh bạc” xảy ra tại An Giang; Việc tiêu cực của cán bộ, đảng viên liên quan trong vụ án thi tuyển công chức tại Phú Yên; Việc tiêu cực của cán bộ, đảng viên trong việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với Phan Sào Nam.
    (4) Điển hình như: Vụ án “Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc” xảy ra tại Công an quận Đồ Sơn, Hải Phòng; vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công an thị trấn Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội; vụ án “tham ô tài sản” xảy ra tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La; vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại tòa án nhân dân tP. Kon tum, tỉnh Kon tum; vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

LÊ VĂN HẠNH (Ban Nội chính TƯ)