Những điểm mới về xoá án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
Xóa án tích là chế định thể hiện tính nhân đạo trong pháp luật hình sự của nước ta, tạo điều kiện để người đã từng phạm tội làm lại lại cuộc đời, tái hòa nhập cộng đồng, có ích cho xã hội.
So với quy định về xóa án tích của Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009 (BLHS năm 1999), thì Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 (BLHS năm 2015) có nhiều quy định mới có lợi hơn cho người đã chấp hành xong bản án và người bị kết án do lỗi vô ý, cụ thể:
Khái niệm về xoá án tích: Khoản 1 Điều 69 BLHS năm 2015 đã quy định về xóa án tích: “Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án”.
Tại khoản 2 Điều 69 BLHS năm 2015 quy định “Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.”Đây là quy định mới, khi người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, lỗi vô ý về tội phạm nghiêm trọng có thể chịu hình phạt, nhưng không bị coi là có án tích hoặc người bị kết án về mọi loại tội nếu được miễn hình phạt thì cũng được coi là không có án tích. Do đó những người này nếu phạm tội mới thì không được lấy bản án trước để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. Tuy nhiên người bị kết án trong trường hợp này vẫn phải tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm tội mới mà họ chưa chấp hành bản án trước đó.
Đương nhiên được xóa án tích: Điều 70 Bộ luật hình sự 2015 thì đương nhiên được xóa án tích được quy định như sau:
Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.
So với BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 đã rút ngắn thời gian để xoá án tích đối với hình phạt tù đi rất nhiều, chỉ còn 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án. Thời điểm để tính xoá án tích cũng thay đổi, theo BLHS năm 1999 thì thời điểm để xoá án tích là kể từ khi chấp hành xong bản án còn theo BLHS năm 2015 thì thời điểm xoá án tích kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, cụ thể:
Trước đây theo Khoản 2 Điều 64 BLHS năm 1999 quy định “Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn…”. Từ khi chấp hành xong bản án là chấp hành xong tất cả hình phạt chính, hình phạt bổ sung, trách nhiệm dân sự, án phí và các quyết định khác của bản án.
Tuy nhiên, quy định này đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 70 BLHS năm 2015, theo đó thời điểm để tính đương nhiên được xóa án tích là kể từ khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án; Khoản 2 Điều 70 BLHS năm 2015 cũng quy định: “Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn …” Tức người bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu từ ngày chấp hành xong hình phạt chính mà họ không phạm tội trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều 70 BLHS năm 2015, còn các hình phạt bổ sung, trách nhiệm dân sự, án phí và các quyết định khác của bản án họ có thể thực hiện bất kỳ lúc nào, chỉ cần trước ngày phạm tội mới.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 70 BLHS 2015 thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
Theo khoản 4 Điều 70 BLHS 2015 thì Toà án sẽ không cấp giấy chứng nhận xoá án tích trong trường hợp đương nhiên được xoá án tích mà cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích cho người này.
Xoá án tích đối với người dưới 18 tuổi
Theo khoản 1 Điều 91 BLHS 2015 thì nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là để bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Do đó việc xoá án tích đối với người dưới 18 tuổi cũng ngắn hơn các trường hợp khác, cụ thể tại Điều 107 quy định như sau:
Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi;
b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;
c) Người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương này.
Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 06 tháng trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 01 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 02 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm.
Theo đó, mọi trường hợp người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị kết án; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người dưới 18 tuổi bị áp dụng biện pháp tư pháp thì được coi là không có án tích.
Thời hạn đương nhiên được xoá án tích đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng cũng ngắn hơn người trên 18 tuổi phạm tội, chỉ còn 06 tháng trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo; 01 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; 02 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 03 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
4 Bình luận
Ducmanh1999
19:43 25/11.2024Trả lời
1 phản hồi
Nguyen Hao
19:43 25/11.2024Trả lời
quochuynh1994
19:43 25/11.2024Trả lời
1 phản hồi
Trần Văn Tuấn
19:43 25/11.2024Trả lời