Những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Điều 341 Bộ luật Hình sự
Việc áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 để xử lý hình sự đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức trong thực tế vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc nhất định...
Một số nội dung còn thiếu thống nhất
Một là, sự thiếu thống nhất trong việc áp dụng quy định của BLHS đối với hành vi cung cấp thông tin để thuê người khác làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức sau đó sử dụng những tài liệu đó để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt là khi không xác định được người trực tiếp làm giả giấy tờ thì xử lý hành vi của người này về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” hay đồng phạm về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”? Có những trường hợp đối tượng thuê người làm giả tài liệu, giấy tờ sử dụng tài liệu, giấy tờ đó vào mục đích lừa đảo để chiếm đoạt tài sản thì bị xử lý về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” hay tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay cả hai tội trên?
Hai là, thiếu thống nhất trong áp dụng đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, lừa dối để công chứng, chứng thực và hành vi lưu trữ các tài liệu giả nhưng không sử dụng hoặc sử dụng để đối phó với cơ quan chức năng (ví dụ: sử dụng giấy phép lái xe giả, đăng ký xe giả…) để lưu hành. Có quan điểm cho rằng hành vi này cần phải xử lý hình sự về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng đối với hành vi nêu trên chỉ bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực liên quan theo quy định của pháp luật, thể hiện tại Công văn số 71/TANDTC-V1 ngày 03/8/2020 của Toà án nhân dân tối cao.
Công văn số 71/TANDTC-V1 ngày 03/8/2020 của Toà án nhân dân tối cao: “Theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” thì người phạm tội này khi thực hiện hành vi khách quan là sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Các trường hợp được nêu trong Công văn được xác định đã có hành vi vi phạm là sử dụng giấy phép lái xe giả để lưu thông. Hành vi vi phạm này có dấu hiệu của tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, nhưng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, nên không cấu thành tội phạm (theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015), mà chỉ thuộc phạm vi xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ”.
Ba là, thiếu thống nhất về áp dụng tình tiết định tội “Thực hiện hành vi trái pháp luật”. Có quan điểm cho rằng hành vi trái pháp luật có thể là trái các quy định pháp luật nói chung, không chỉ là pháp luật hình sự. Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng, vì khách thể của tội phạm này là xâm phạm trật tự quản lý hành chính nên người thực hiện hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc sử dụng con dấu giả, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật mà hành vi trái pháp luật này là tội phạm thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341. Còn thực hiện hành vi sử dụng tài liệu giả mà không nhằm thực hiện tội phạm thì chỉ bị xử lý hành chính...
Điều 16 Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định “…3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả”.
Bốn là, chưa có sự thống nhất nhận định biển kiểm soát ô tô, xe máy giả có được coi là tài liệu giả của cơ quan, tổ chức hay không? Việc sử dụng biển kiểm soát giả để tham gia giao thông, tránh việc xử phạt vi phạm của cơ quan chức năng thì có bị xử lý về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức hay không?
Năm là, theo quy định hiện hành, việc giám định giấy tờ, tài liệu giả phải được thực hiện trên bản gốc của tài liệu (giám định so sánh); thực tế có một số vụ án, vật chứng là tài liệu giả không thu giữ được thì sẽ không thể tiến hành trưng cầu giám định để xác định tài liệu đó là giả hay thật. Do đó, ngoài lời khai nhận tội của đối tượng thì không có tài liệu khác chứng minh nên không đủ căn cứ để xử lý về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Sáu là, thực tiễn cho thấy, đối với các tài liệu giả về nội dung, giả về hình thức thì được xác định tài liệu giả; hay đối với tài liệu phô tô được chỉnh sửa nếu được chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền và có thể sử dụng để thực hiện hành vi phạm pháp luật thì cũng được coi là tài liệu giả. Tuy nhiên đối với dữ liệu điện tử bị chỉnh sửa (chưa in ra) là một loại tài liệu mới thì lại chưa có hướng dẫn nào cho trường hợp này.
Bảy là, hiện nay việc xác định số lượng tài liệu giả cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Trong trường hợp người thực hiện hành vi làm giả một bộ hồ sơ gồm nhiều giấy tờ (như: Biên lai nộp tiền thu phí cấp quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận nguồn gốc đất…) thì hành vi này vi phạm khoản 1 Điều 341 BLHS với số lượng là 01 tài liệu giả (tương ứng với 01 bộ hồ sơ) hay phạm tội ở khoản khác của Điều 341 BLHS do đã làm giả 02 tài liệu giả trở lên (tương ứng với số lượng giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ). Ngoài ra, trong trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội sao y 01 tài liệu thành nhiều bản sao khác nhau, thì xác định số lượng tài liệu làm giả theo bản gốc hay theo bản sao?
Bên cạnh đó tại khoản 2 Điều 341 BLHS có 02 tình tiết định khung là “Phạm tội 02 lần trở lên” (điểm b) và “Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu” (điểm c). Quy định như trên gây bất lợi cho người phạm trong một số trường hợp như một người 02 lần làm ra 02 tài liệu thì bị áp dụng 02 tình tiết định khung như trên. Tuy nhiên cũng với hành vi này, một người làm 05 tài liệu trong 01 lần giả thì lại chỉ bị áp dụng 01 tình tiết định khung.
Tám là, số tiền “thu lợi bất chính” được xác định chỉ là số tiền bị can, bị cáo thu lợi từ việc làm giả con dấu, tài liệu hay cả số tiền bị can, bị cáo có được do sử dụng con dấu, tài liệu giả để thực hiện hành vi trái pháp luật?.
Chín là, trên thực tế, một số trường hợp không thu giữ được bản gốc tài liệu, giấy tờ giả nhưng có bản photo, bản photo có công chứng, chứng thực nên gây khó khăn trong việc xử lý hành vi của đối tượng (như trường hợp đối tượng sử dụng Giấy phép lái xe giả, sau khi gây tai nạn đã đến cơ quan Công an làm đơn mất giấy tờ, chỉ thu được Giấy pháp lái xe bản photo…; Cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định, ban hành công văn yêu cầu cung cấp thông tin…, tuy nhiên một số trường hợp không nhận được Công văn trả lời trong khi thời hạn giải quyết nguồn tin không đủ, nên phải tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin).
Mười là, việc hướng dẫn áp dụng pháp luật của các cơ quan tố tụng đối với tội danh trên còn chưa thống nhất.
Công văn 1648/VKSTC-V7 ngày 27/4/2021 của VKSND tối cao trả lời thỉnh thị giải đáp vướng mắc trong giải quyết vụ án hình sự cho VKSND tỉnh Bình Phước như sau: “Trường hợp không xác định được người trực tiếp làm giả mà chỉ sử dụng thì xử lý tội: “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tuy nhiên, cũng với nội dung này, lại có những mâu thuẫn nhất định với 02 văn bản Thông báo rút kinh nghiệm của VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh gần đây.
Cụ thể, tại Thông báo rút kinh nghiệm số: 47/TB-VC3-V1 ngày 26/8/2022 về việc rút kinh nghiệm đối với vụ án: Hồ Sĩ Nam Trung phạm các tội: “Cướp tài sản”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tại mục 3.2 VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đưa ra hướng giải quyết: Bị cáo đã thuê người làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô mang tên mình và sử dụng giấy giả này đi cầm cố cho người khác số tiền 500.000.000 đồng. Hành vi của bị cáo có dấu hiệu tội: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo tội: “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” là không chính xác.
Tại Thông báo rút kinh nghiệm số 01/TB-VC3-V1 ngày 07/12/2022 về việc rút kinh nghiệm đối với vụ án Trần Hoàng Huy phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tại mục 3.2, VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh rút kinh nghiệm bỏ lọt hành vi của bị cáo trong việc sử dụng 02 Thẻ Đảng viên giả để thế chấp vay tiền có dấu hiệu của tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật
Như vậy, có thể thấy, nguyên nhân của những vướng mắc nêu trên chủ yếu là do nhận thức pháp luật của các cơ quan tố tụng chưa thống nhất và liên ngành trung ương cũng chưa hướng dẫn áp dụng pháp luật cụ thể, rõ ràng. Theo đề xuất của tác giả bài viết, trong thời gian tới cần có những giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần có sự thống nhất về nhận thức của các cơ quan tố tụng về hành vi “làm giả” hoặc “sử dụng” trong tội này.
Điều 341 BLHS quy định “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt…”. Điều đó có nghĩa là yếu tố “thực hiện hành vi trái pháp luật” chỉ được quy định gắn với hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả”. Do vậy, hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” không bắt buộc phải gắn với yếu tố “thực hiện hành vi trái pháp luật” và phải bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, ban hành hướng dẫn thống nhất nội dung thuật ngữ “làm giả” để thuận tiện áp dụng trong thực tiễn.
Theo đó, làm giả là hành vi làm giống như thật các loại con dấu, tài liệu hiện đang được phép lưu hành hoặc làm ra các loại con dấu, tài liệu mới hoàn toàn, chưa có loại tương tự trong đời sống. Nói cách khác, làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định để coi nó như thật. Vì vậy tài liệu xác định là tài liệu giả có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần (tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung…). Hành vi phạm tội này hoàn thành kể từ khi người không có thẩm quyền tạo ra được con dấu, tài liệu, các giấy tờ giả của một cơ quan Nhà nước, tổ chức nhất định (kể cả cơ quan Nhà nước hay tổ chức đó không có thật hoặc đã bị giải thể).
Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành hướng dẫn “Hành vi trái pháp luật” quy định tại khoản 1 Điều 341 được hiểu là hành vi trái pháp luật nói chung mà không nhất thiết phải là tội phạm. Trường hợp trái pháp luật hình sự, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý theo quy định tại điểm d khoản 2 (sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng) hoặc điểm b khoản 3 (sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng).
Thứ tư, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành hướng dẫn xác định hành vi có cấu thành tội phạm hay không trong một số trường hợp. Đó là:
- Hành vi cung cấp thông tin của người khác để thuê người khác làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức thì bị xử lý về tội làm giả tài liệu.
- Trường hợp cá nhân có hành vi cung cấp thông tin của chính bản thân để thuê làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, sau đó đặt mua tài liệu giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì không xử lý về tội làm giả tài liệu mà chỉ xử lý về tội sử dụng tài liệu giả. Bởi lẽ người đó không trực tiếp làm giả tài liệu, mà nhằm mục đích sử dụng tài liệu giả để phạm tội. Do đó, chỉ cấu thành tội “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức” mà không cấu thành tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.
- Hành vi lưu giữ các tài liệu giả sử dụng để đối phó với cơ quan chức năng (như: Sử dụng bằng lái xe giả, giấy đăng ký xe giả.. để lưu hành) thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ. Điều này cũng phù hợp với Công văn số 71/TANDTC-V1 ngày 03/8/2020 của Tòa án nhân dân tối cao.
Thứ năm, ban hành hướng dẫn về xác định một số đối tượng có phải tài liệu giả hay không để làm căn cứ truy cứ trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
- Dữ liệu điện tử bị chỉnh sửa (chưa in ra) cũng có thể được xác định là tài liệu giả. Bởi theo quy định của Luật lưu trữ: “Tài liệu là vật mang tin được hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tài liệu bao gồm văn bản, dự án, bản vẽ thiết kế, bản đồ, công trình nghiên cứu, sổ sách, biểu thống kê; âm bản, dương bản phim, ảnh, vi phim; băng, đĩa ghi âm, ghi hình; tài liệu điện tử; bản thảo tác phẩm văn học, nghệ thuật; sổ công tác, nhật ký, hồi ký, bút tích, tài liệu viết tay; tranh vẽ hoặc in; ấn phẩm và vật mang tin khác”.
- Tài liệu photo không được coi là tài liệu giả, bởi tài liệu photo mà không chứng thực thì không có giá trị pháp lý. Do đó việc sửa chữa tài liệu photo không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341.
Thứ sáu, ban hành hướng dẫn về định tội danh Điều 341 BLHS đối với các hành vi trên thực tế theo hướng:
- Người nào chỉ có hành vi làm giả để cung cấp cho đối tượng khác sử dụng thực hiện hành vi trái pháp luật, thì xem xét xử lý về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
- Người nào chỉ có hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả (không có hành vi làm giả) để thực hiện hành vi trái pháp luật thì xem xét xử lý về hành vi “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
- Người nào có hành vi làm giả, sau đó sử dụng giấy tờ giả này để thực hiện hành vi trái pháp luật thì xem xét xử lý về hành vi đầy đủ là “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.
- Người nào có hành vi sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi khác mà BLHS quy định là tội phạm, thì cần xem xét xử lý về hai hành vi “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “hành vi khác mà BLHS quy định là tội phạm”.
Thứ bảy, để tránh trường hợp một số loại tài liệu mà các cơ quan tiến hành tố tụng không xác định được đó có được xem là tài liệu giả của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 341 BLHS hay không, cần thiết phải ban hành hướng dẫn trong đó định nghĩa cụ thể và liệt kê một số loại tài liệu giả (xảy ra phổ biến trong thời gian qua như biển số giả, giấy phép lái xe giả, biên lai chuyển tiền giả,…) để có sự thống nhất áp dụng trong thực tiễn.
Thứ tám, liên ngành tư pháp trung ương cần hướng dẫn trường hợp không có Kết luận giám định xác định là tài liệu giả nhưng có đủ căn cứ các tài liệu, chứng cứ khác thì vẫn xử lý về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Bởi tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định giấy tờ, tài liệu giả thuộc trường hợp bắt buộc phải giám định.
Rất mong nhận được ý kiến đóng góp, phản hồi của bạn đọc và đồng nghiệp.
Theo kiemsat.vn
Tòa án nhân dân thị xã Bình Long, Bình Phước xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” - Ảnh: Mỹ Nương
Bài liên quan
-
TAQS Quân khu 9 tổ chức Hội nghị triển khai công tác Tòa án quân sự năm 2025
-
Toàn văn Nghị định Số: 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
-
Một số điểm mới cơ bản của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024
-
Hà Tĩnh tổ chức triển lãm Di sản văn hóa về Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận