Những khuyến cáo đối với cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện cam kết về phòng, chống tham nhũng

Tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đòi hỏi Việt Nam phải Chính phủ và các cơ quan khác thuộc bộ máy nhà nước cần tuân thủ, thực hiện đầy đủ, chính xác các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tham nhũng. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà – Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương đã trả lời phỏng vấn về vấn đề này một cách cụ thể.

Do Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không đề cập tới tất cả các khía cạnh, mà chỉ đề cập các cam kết của các nước liên quan tới các biện pháp nhằm loại trừ hối lộ và tham nhũng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi của Hiệp định, nên để phòng tránh trường hợp Việt Nam bị một quốc gia thành viên CPTPP khởi kiện vì vi phạm các nghĩa vụ của mình về phòng, chống tham nhũng, chuyên gia khuyến cáo điều quan trọng nhất vẫn là Chính phủ và các cơ quan khác thuộc bộ máy nhà nước cần tuân thủ, thực hiện đầy đủ, chính xác các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tham nhũng.

Xung quanh các nội dung trên, Phóng viên Tạp chí Pháp lý đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà – Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương.

Phóng viên: Thưa ông, thực hiện được yêu cầu, nghĩa vụ về phòng, chống tham nhũng trong CPTPP, chúng ta sẽ khắc phục được những tồn tại nào và đặt ra kỳ vọng gì trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng?

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà: Trong thời gian vừa qua, có thể thấy công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng và Nhà nước thực hiện rất quyết liệt và thu được nhiều kết quả tích cực. Nhìn tổng thể việc thực hiện các cam kết trong CPTPP của Việt Nam về phòng, chống tham nhũng là một quyết tâm rất cao của Việt Nam nhằm đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, hối lộ trong các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế.

Dù các quy định về phòng, chống tham nhũng của CPTPP mới chỉ gói gọn trong phạm vi các hoạt động thương mại, đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này, thì việc lần đầu tiên các quy định về phòng, chống tham nhũng được đưa vào một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có sự tham gia của Việt Nam đã giúp Việt Nam khẳng định với các đối tác và bạn bè thế giới quyết tâm chính trị và cam kết ở mức độ cao của mình trong lĩnh vực này.

Thực hiện được các yêu cầu, nghĩa vụ về phòng, chống tham nhũng trong CPTPP, Việt Nam có thể có một số lợi ích và khắc phục được một số tồn tại như: Bổ sung thêm các cam kết quốc tế mạnh mẽ về phòng chống tham nhũng; Hoàn thiện pháp luật trong nước về phòng chống tham nhũng; Mở rộng phạm vi xử lý các hành vi tham nhũng, hối lộ; và Nâng cao hiệu quả công tác xử lý các hành vi tham nhũng.

TS. Nguyễn Ngọc Hà, Giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội
TS. Nguyễn Ngọc Hà, Giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội

CPTPP quy định rõ việc nhận hối lộ không nhất thiết phải là để mang lại lợi ích cho bản thân công chức mà cho cả các trường hợp lợi ích cho một chủ thể khác miễn là để đánh đổi lại việc công chức sẽ làm hoặc không làm một việc nào đó thuộc chức trách của mình. Theo ông, quy định trên có tác dụng như thế nào trong việc phòng, chống tham nhũng? Pháp luật hình sự và pháp luật phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã luật hóa quy định này chưa?

Thực ra đây không phải là một quy định mới của CPTPP, bởi vì nó đã được đưa vào Công ước của Liên Hiệp Quốc về phòng chống tham nhũng năm 2003 mà Việt Nam tham gia từ năm 2009. Trên cơ sở đó, Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 về tội nhận hối lộ đã nội luật hóa yêu cầu này bằng quy định người nhận hối lộ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi nhận lợi ích cho bản thân mình hoặc cho người, tổ chức khác. Điều này có nghĩa là một cán bộ, công chức khi nhận lợi ích không phải cho mình, nhưng cho người khác (ví dụ như cho vợ/chồng, bố/mẹ, con cái…) để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ đều có thể bị truy tố tội nhận hối lộ. Sự bổ sung này là cần thiết và có tác dụng giúp công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn; tạo điều kiện để các cơ quan tố tụng có thể xét xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và đặc biệt giúp khắc phục tình trạng lách luật để trốn tội.

Ngoài ra, CPTPP dành Điều 26.8 để đưa ra các quy định về tăng cường tính liêm khiết của công chức. Các quy định này không tạo nên nghĩa vụ đối với các quốc gia ký kết CPTPP. Tuy nhiên, nhiều biện pháp nhằm tăng cường tính liêm khiết của công chức mà Điều 26.8.1 của CPTPP nêu lên cũng đã được thể hiện trong Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 hay Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Do đó, để đảm bảo giúp Việt Nam thực hiện tốt các cam kết của mình về phòng, chống tham nhũng trong CPTPP, đứng từ góc độ cán bộ, công chức, viên chức, họ cần phải thực hiện đúng, đầy đủ và hiệu quả các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Do đó, có thể nói quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành đã tương thích với quy định của CPTPP ở điểm này và vì vậy, Việt Nam không cần phải nội luật hóa quy định của CPTPP nữa.

CPTPP đề cao tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân và xã hội vào các hoạt động/cơ chế phòng, chống tham nhũng. Để phát huy vai trò của các khu vực trên trong việc phòng, chống tham nhũng, ông có kiến nghị gì ?

Báo cáo Tổng kết 10 năm thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Chính phủ năm 2016 đã từng chỉ ra việc tham gia của khu vực tư và xã hội vào công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế, với một số biểu hiện cụ thể như: một bộ phận doanh nghiệp, người dân chưa tham gia tích cực trong việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng; một số cơ quan truyền thông, cá nhân đã lợi dụng việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng để trục lợi, vu khống. Do đó, nội dung về trách nhiệm xã hội trong phòng chống tham nhũng của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng đã hàm chứa một số sửa đổi để làm rõ hơn nữa trách nhiệm của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ví dụ, Điều 75 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định rõ cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động phòng chống tham nhũng, trong khi đây là vấn đề được khuyến khích theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005… Điều này cho thấy khung pháp luật về trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng hoàn thiện hơn, phù hợp với CPTPP. Công việc còn lại là làm sao để các quy định này được thực thi và thực thi tốt trong thực tiễn. Do đó, một số giải pháp mà Nhà nước cần chú trọng là: nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng; tạo điều kiện để phát huy vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng; nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trước những phản ánh có liên quan của doanh nghiệp, công dân…

Từ những phân tích trên của ông cho thấy, về cơ bản các quy định pháp luật trong nước đã phù hợp với những cam kết của CPTPP về phòng, chống tham nhũng?

Đúng vậy. Có thể thấy các quy định của CPTPP về phòng, chống tham nhũng đã được nội luật hóa khá đầy đủ vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan của Việt Nam, trong đó có Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Do đó, hiện tại, Việt Nam chưa cần phải sửa đổi gì thêm hệ thống pháp luật trong nước nhằm thực thi các cam kết của mình trong CPTPP.

Để tránh gặp rắc rối trong quá trình thực hiện các cam kết về phòng, chống tham nhũng, ông có khuyến cáo gì đối với Chính phủ, các Bộ, ngành ?

Điều 28.12 của CPTPP về xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp cấp Chính phủ để giải quyết các tình huống một quốc gia thành viên CPTPP có một biện pháp không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia đó là về phòng, chống tham nhũng theo CPTPP (trừ Điều 26.9 về Áp dụng và thực thi pháp luật Chống tham nhũng). Do đó, để tránh trường hợp Việt Nam bị một quốc gia thành viên CPTPP khởi kiện vì vi phạm các nghĩa vụ của mình về phòng, chống tham nhũng, điều quan trọng nhất vẫn là Chính phủ và các cơ quan khác thuộc bộ máy nhà nước cần tuân thủ và thực hiện đầy đủ, chính xác các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng chống tham nhũng.

CPTPP có những cam kết yêu cầu xử lý hình sự rất nghiêm khắc đối với doanh nghiệp, do vậy để chủ động bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của mình trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp cần chú ý tới những vấn đề gì, thưa ông?

Lời khuyên cho doanh nghiệp Việt Nam, cũng giống như đối với cơ quan nhà nước, là cần tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật khi thực hiện các hoạt động thương mại và đầu tư. Không thực hiện các hành vi tham nhũng, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, các hành vi tham nhũng từ phía các chủ thể công là các hành động cần thiết để doanh nghiệp bảo vệ mình trước các biện pháp xử lý mạnh tay của CPTPP hay của pháp luật Việt Nam và các quốc gia khác trong CPTPP về tham nhũng.

 

Các cam kết trong CPTPP về chống tham nhũng bao gồm các nhóm sau: Các cam kết liên quan tới các Công ước quốc tế về chống tham nhũng. Các nước CPTPP cam kết gia nhập Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003 và khẳng định tuân thủ Bộ Quy tắc ứng xử của APEC dành cho Công chức năm 2007.

Ngoài ra, CPTPP yêu cầu các nước Thành viên phải xử lý hình sự đối với các hành vi hối lộ công chức, hành vi đòi hoặc nhận hối lộ của công chức, kể cả công chức nước ngoài hay công chức của tổ chức quốc tế. CPTPP cũng yêu cầu xử lý hình sự đối với các hành vi xúi giục, hỗ trợ, câu kết để thực hiện các hành vi hối lộ/nhận hối lộ này.

Bên cạnh các cam kết về các nghĩa vụ cụ thể liên quan tới hành vi hối lộ, tham nhũng, CPTPP còn bao gồm các cam kết mang tính khuyến nghị về việc hạn chế cơ hội tham nhũng (ví dụ cam kết nỗ lực nâng cao minh bạch trong tuyển dụng, đào tạo công chức, các quy tắc giúp loại trừ các trường hợp có mâu thuẫn về lợi ích, các yêu cầu báo cáo hoặc công khai tài sản…) và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân và xã hội vào các hoạt động/cơ chế phòng, chống tham nhũng.

Theo phaply.vn

NGUYỄN HÒA ( thực hiện)