Những sắc lệnh quan trọng Bác Hồ đã ký trong tháng 9/1945 lịch sử
Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đã làm lễ ra mắt quốc dân tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh để điều hành nước cộng hòa non trẻ, trong đó có sắc lệnh thành lập Tòa án đầu tiên.
Những sắc lệnh đầu tiên
Sắc lệnh là hình thức pháp luật chủ yếu của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, các sắc lệnh vừa thể hiện cao tính hiệu lực pháp lý, vừa có thể được xây dựng và ban hành một cách nhanh chóng, đáp ứng kịp thời những yêu cầu cụ thể và cấp bách của pháp luật.
Là hình thức pháp luật thành văn, mang tính mệnh lệnh và do chủ thể đặc biệt là nguyên thủ quốc gia (người đứng đầu cơ quan hành pháp) ban hành nên sắc lệnh được áp dụng phổ biến trong những hoàn cảnh đặc biệt (như: chiến tranh, thảm họa thiên tai, tình trạng khẩn cấp…) nhằm đáp ứng yêu cầu kịp thời điều chỉnh các quan hệ pháp luật. Trong những tình thế nóng bỏng, chính quyền giữ vận mệnh đất nước không thể chờ đợi tiến trình lập pháp phải trải qua những khâu trong quy trình thủ tục phức tạp và thời gian. Việc ban hành sắc lệnh được xem là quyền lập pháp trong tình huống khẩn cấp của chính phủ mà chỉ có người đứng đầu chính phủ (hoặc người được ủy quyền của người đứng đầu) mới có thẩm quyền ký ban hành.
Hệ thống sắc lệnh trong những năm 1945 – 1946 đã góp phần giải quyết khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp, trực tiếp và cấp bách mà lịch sử đang đặt ra, đồng thời đặt nền móng cho pháp luật Việt Nam trên hầu hết các lĩnh vực và cho công cuộc kháng chiến, xây dựng và phát triển đất nước mai sau.
Ngay sau Lễ tuyên bố độc lập, ngày 3/9/1945, Chính phủ lâm thời đã họp phiên đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa. Chính phủ đã thảo luận và tán thành 6 vấn đề cấp bách do Chủ tịch nêu ra là: Phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo; Mở chiến dịch chống nạn mù chữ; Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ; Mở chiến dịch giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ thói hư tật xấu của chế độ thực dân để lại; Bỏ ngay thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; Ra tuyên bố tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương giáo.
Ngay sau đó, một loạt Sắc lệnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành, nhằm thực hiện các vấn đề Chính phủ lâm thời đề ra.
Ngày 4/9/1945, Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam và Sắc lệnh tổ chức Quỹ Độc lập và phát động “Tuần lễ vàng” (17 đến 24/9/1945). Tuần lễ vàng đã quyên góp được 370 kg vàng và 20 triệu đồng cho ngân quỹ quốc gia.
Ngày 7/9/1945, Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân.
Ngày 8/9/1945, Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để phụ trách việc chống nạn mù chữ trong cả nước và Sắc lệnh mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội).
Ngày 10/9/1945, Sắc lệnh số 23-SL cử ông Vĩnh Thụy (Bảo Đại) làm Cố vấn Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà…
Ngày 20/9/945, Sắc lệnh số 34-SL thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (gồm 7 người).
Ngày 22/9/1945, Sắc lệnh bãi bỏ thuế cho các môn bài có mức dưới 50 đồng, bãi bỏ thuế chợ, thuế xe đạp, thuế thổ trạch ở nông thôn.
Ngày 26/9/1945, Sắc lệnh số 39-SL lập Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử (gồm 9 người). Sau đó, ngày 17/10/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 51-SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử, ấn định ngày 23/12/1945 sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử trong toàn quốc.
Sắc lệnh về thành lập Tòa án
Trong những Sắc lệnh của những ngày tháng 9/1945 lịch sử đó có ba Sắc lệnh riêng về Tòa án. Điều đó cho thấy vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng của Tòa án trong bộ máy nhà nước, dù còn sơ khai.
Ngày 13/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 33-C về thành lập cơ quan Tòa án đầu tiên. Nội dung Sắc lệnh như sau:
“Điều I: Sẽ lập một toà án quân sự ở Bắc bộ: tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình; ở Trung bộ: tại Vinh, Huế, Quảng Ngãi; ở Nam bộ: tại Sài Gòn, Mỹ Tho.
Uỷ ban nhân dân Trung bộ và Nam bộ, trong địa hạt hai bộ ấy, có thể đạo đạt lên Chính phủ xin mở thêm Toà án Quân sự ở những nơi trọng yếu khác.
Điều II: Toà án quân sự sẽ xử tất cả các người nào vi phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Trừ khi phạm nhân là binh sĩ thì thuộc về nhà binh tự xử lấy theo quân luật.
Điều III: Những quyết nghị của Toà quân sự sẽ đem thi hành ngay, không có quyền chống án, trừ trường hợp sau này:
Nếu bản án tuyên xử tử, thì tội nhân có quyền đệ đơn lên Chủ tịch Chính phủ xin ân giảm. Bản án sẽ thi hoãn thi hành chờ quyết nghị của ông Chủ tịch Chính phủ.
Mỗi khi Toà án Quân sự kết án xử tử, ông Chánh án bắt buộc phải báo cho tội nhân biết rằng có quyền xin Chủ tịch Chính phủ ân giảm và hỏi hắn có muốn đệ đơn xin không.
Câu trả lời của tội nhân phải ghi vào bản án; nếu không, bản án thành vô giá trị.
Điều IV: Án từ có thể tuyên:
1- Tha bổng.
2- Tịch thu một phần hay tất cả tài sản.
3- Phạt tù từ một năm đến mười năm.
4- Xử tử.
Nếu có những lý do chính đáng khoan hồng vì ít tuổi, vì biết hối quá, vì lầm lẫn, v.v…, thì toà án có thể cho tội nhân được hưởng án treo. Nghĩa là bản án làm tội tuyên lên, nhưng không thi hành; nếu trong năm năm bắt đầu từ ngày tuyên án, tội nhân không bị Toà án quân sự làm tội một lần nữa về việc mới thì bản án đã tuyên sẽ huỷ đi, coi như là không có; nếu trong hạn năm năm ấy, tội nhân bị kết án một lần nữa trước Toà án quân sự thì bản án treo sẽ đem thi hành.
Điều V: Toà án quân sự lập thành như sau này:
Ngồi xử có Chánh án và hai hội thẩm. Ghế Chánh án và ghế hội thẩm sẽ do một uỷ viên Quân sự và một uỷ viên Chính trị ngồi. Còn ghế hội thẩm thừ nhì sẽ thuộc về ông thẩm phán chuyên môn của tư pháp.
Uỷ viên Quân sự và uỷ viên Chính trị sẽ do quân đội và Uỷ ban nhân dân ở địa phương cử ra, còn viên thẩm phán chuyên môn của Tư pháp sẽ do ông Chưởng lý Toà Thượng thẩm cử ra.
Đứng buộc tội là một uỷ viên Quân sự hay một uỷ viên của ban Trinh sát.
Bị cáo có thể tự bào chữa hay nhờ một người khác bênh vực cho.
Một viên lục sự ngồi ghế chép các điều tranh luận và bản án tuyên ra.
Điều VI: Việc sẽ xử trước công chúng. Nếu có duyên cớ đặc biệt, Toà có thể quyết định xử kín được.
Nhưng dù vào trường hợp nào, Toà án cũng thẩm nghị trong phòng kín và tuyên bố bản án trước công chúng.
Điều VII: Ở những nơi xa các toà án Quân sự đã lập rồi, Chính phủ, trong những trường hợp đặc biệt, có thể cho Uỷ ban nhân dân địa phương thành lập một toà án quân sự có quyền xử trong một thời kỳ và theo đúng những nguyên tắc định trong sắc lệnh này”.
Sắc lệnh 33-C là cơ sở pháp lí cho việc tổ chức các Toà án quân sự của chính quyền dân chủ nhân dân. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ ta nhằm kiên quyết đấu tranh giữ vững nền độc lập dân tộc, giữ vững an ninh, trật tự cho nhân dân trong giai đoạn cấp bách lúc ấy. Ở thời điểm đó, Toà án quân sự là cơ quan xét xử duy nhất, trừng trị những phần tử phản cách mạng ngoan cố chống lại chính quyền của nhân dân, đồng thời giáo dục răn đe những người có hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm cho chủ trương, quy định của Chính phủ đã ban hành phải được thực hiện nghiêm chỉnh.
Tiếp đó, do nhu cầu thực tiễn, ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 37 về việc ấn định địa phương thẩm quyền của các tòa án quân sự. Cụ thể, địa phương thẩm quyền của các Toà án quân sự thiết lập do Sắc lệnh ngày 13/9/1945 nói trên, ấn định như sau:
Toà án quân sự Hà Nội: Thành phố Hà Nội và các tỉnh Hoà Bình, Phú Thọ, Sơn Tây, Hà Đông, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hưng Yên, Bắc Ninh và Bắc Giang.
Toà án quân sự Hải Phòng: Thành phố Hải Phòng và các tỉnh Hải Dương, Kiến An, Quảng Yên và Hải Ninh.
Toà án quân sự Thái Nguyên: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Báy, Lào Cay, Lai Châu và Sơn La.
Toà án quân sự Ninh Bình: Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam và Thái Bình.
Toà án quân sự Vinh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Toà án quân sự Huế: Quảng Trị, Thừa Thiên và Quảng Nam (kể cả Đà Nẵng)
Toà án quân sự Quảng Ngãi: Các tỉnh Trung bộ ở phía Nam tỉnh Quảng Nam.
Toà án quân sự Sài Gòn: Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn và các tỉnh: Gia Định, Tân Bình, Tây Ninh, Biên Hoà, Bà Rịa, Ô Cấp (Cap Saint Jacques) Gò Công, Tân An và Côn Đảo.
Toà án quân sự Mỹ Tho: Các tỉnh khác thuộc Nam bộ.
Ba ngày sau, ngày 29/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 40 về việc đặt thêm một Toà án quân sự ở Nha Trang tổ chức theo đúng quy tắc ấn định trong Sắc lệnh ngày 13/9/1945. Địa phương thẩm quyền của Toà án quân sự Nha Trang gồm có các tỉnh Khánh Hoà, Đắc Lắc, Haut-Donnai, Phan Rang, Phan Thiết.
Địa phương thẩm quyền của các Toà án quân sự ấn định trong Sắc lệnh ngày 26/9/1945 được sửa đổi cho phù hợp.
Ý nghĩa lịch sử lớn lao
Từ những sắc lệnh được ban hành tháng 9/1945 lịch sử có thể thấy, các thiết chế của bộ máy nhà nước được ban hành dần đủ và đặc biệt nhất, những chủ trương, chính sách lo cho dân đã được chú trọng. Từ việc chống nạn đói, chống mù chữ, bãi bỏ những thói hư tật xấu, bác bỏ sưu cao thuế nặng… thể hiện rõ nét bản chất “vì dân, vì nước” của nhà nước ta.
Trong bộ máy Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ có đó có Toà án nhân dân, khai sinh ra hệ thống Tòa án nhân dân vững mạnh ngày nay. Toà án khi đó mới được tổ chức một cấp, quyết định của Toà án được thi hành ngay sau khi tuyên án, bị cáo không có quyền chống án, trừ người bị Toà án Quân sự kết án tử hình thì có quyền làm đơn lên Chủ tịch Chính phủ xin ân giảm. Trong trường hợp người bị kết án tử hình có làm đơn xin ân giảm án tử hình, thì bản án chưa được thi hành mà phải chờ quyết định của Chủ tịch Chính phủ (Điều 3 Sắc lệnh ngày 13/9/1945).
Đối với Nam bộ thì sau đó bằng Sắc lệnh số 77B ngày 24/12/1945 Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã uỷ quyền cho Ban thường vụ của Uỷ ban nhân dân Nam bộ quyền ân giảm án tử hình này, có nghĩa là kể từ ngày 24/12/1945 nếu người nào bị một trong các Toà án quân sự ở Nam bộ kết án tử hình, thì có quyền làm đơn lên Uỷ ban nhân dân Nam bộ xin ân giảm án tử hình. Quyết nghị của Ban thường vụ Uỷ ban nhân dân Nam bộ cho hay không cho ân giảm án tử hình được coi là quyết nghị của Chủ tịch Chính phủ.
Kể từ ngày 13/9/1945 lịch sử, 75 năm đã trôi qua, ngành Tòa án nhân dân ngày nay đã có bề dày truyền thống vẻ vang, có bộ máy hoàn chỉnh, đang thực thi quyền tư pháp với tinh thần cải cách tư pháp mạnh mẽ, đem lại công lý, công bằng cho xã hội và củng cố niềm tin cho nhân dân.
Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chánh án TANDTC tại Hội nghị Trung ương 12 tháng 5/2020. Ảnh: TTXVN.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
1 Bình luận
vũ an
21:16 21/12.2024Trả lời