Những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì mới đề xuất quy định trong luật

Ngày 22/8, UBTVQH tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Thông qua 6 luật, 8 nghị quyết

Trình bày Báo cáo của UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngay sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án Định hướng và ban hành Kết luận số 19-KL/TW, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ lập pháp; đồng thời, ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức triển khai thực hiện với 137 nhiệm vụ lập pháp.

Sau 9 tháng triển khai Kết luận số 81, với sự chỉ đạo sát sao của UBTVQH, Chính phủ và sự nỗ lực, quyết tâm của các bộ, cơ quan được giao trực tiếp thực hiện, đến nay đã hoàn thành 49,6% tổng số nhiệm vụ lập pháp đề ra. Trong số các nhiệm vụ đã hoàn thành, được đề xuất, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết và đã được thông qua hoặc đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh có nhiều văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID – 19, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của nhân dân, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn và bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID – 19. Theo Kế hoạch còn 69/137 nhiệm vụ lập pháp cần tiếp tục thực hiện.

 

Toàn cảnh Hội nghị

Từ đầu năm 2022 đến nay, Quốc hội đã thông qua 6 luật, 8 nghị quyết, UBTVQH đã thông qua 2 pháp lệnh, 2 nghị quyết; tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến 6 dự án luật. Đối với các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến, ngay sau kỳ họp Quốc hội, các cơ quan đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý. Đến nay, đã có 5/6 dự án được UBTVQH xem xét, cho ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, , Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp được đề ra tại Kết luận của Bộ Chính trị, Đề án Định hướng và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15; tăng cường năng lực cho các chủ thể và đổi mới quy trình lập pháp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động lập pháp; tổ chức hiệu quả hơn công tác lấy ý kiến nhân dân, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật; củng cố, tăng cường, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế và pháp luật, đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý, thành tựu khoa học và công nghệ, hiện đại hóa phương thức, phương tiện phục vụ thực hiện nhiệm vụ lập pháp...

 UBTVQH dành nhiều thời gian hơn, tập trung xem xét, cho ý kiến kỹ đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết và có kết luận cụ thể về từng dự án làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức tiếp thu, chỉnh lý. Việc điều chỉnh, bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được UBTVQH xem xét kỹ lưỡng, coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục, rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH như: một số cơ quan, tổ chức chưa kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, chậm gửi báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ nội dung theo yêu cầu về kết quả, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được giao; chưa quan tâm thỏa đáng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới công tác xây dựng pháp luật được đề ra trong Kế hoạch; chất lượng của công tác nghiên cứu, rà soát đối với các nhiệm vụ lập pháp còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Thường xuyên rà soát điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ lập pháp để đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu cấp thiết của đời sống xã hội

Để bảo đảm hoàn thành thắng lợi Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2022 và năm 2023, UBTVQH đề nghị Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục quán triệt, xác định việc triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Đề án Định hướng, Kế hoạch số 81 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của 4 tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Các cơ quan, tổ chức phải quyết liệt chỉ đạo, có giải pháp cụ thể và tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Đối với 32 nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết, đề nghị các cơ quan khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật theo quy định để trình Quốc hội, UBTVQH xem xét theo tiến độ, trong đó cần chú trọng bảo đảm chất lượng, tránh phải chuẩn bị lại vì chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đối với 44 nhiệm vụ lập pháp có tiến độ hoàn thành trước ngày 31/12/2022, UBTVQH đề nghị các cơ quan tiếp tục chủ động triển khai thực hiện, bám sát các yêu cầu; trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo, xin ý kiến UBTVQH để có phương án giải quyết.

Các cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo, chủ trì thẩm tra, chỉnh lý dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết các hoạt động và tiến độ thực hiện cho từng dự án; bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì mới đề xuất quy định trong luật, những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết nhưng là vấn đề mới, chưa có sự đồng thuận cao thì tiếp tục nghiên cứu thận trọng, thấu đáo, nếu cần thiết có thể đề xuất thực hiện thí điểm.

Các cơ quan của Quốc hội, trong quá trình thẩm tra, giúp UBTVQH tiếp thu chỉnh lý các dự án cần thể hiện quan điểm đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết có đáp ứng đủ yêu cầu để đưa vào Chương trình; dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết có đáp ứng đủ điều kiện để trình ra Quốc hội hay không. Tiếp tục triển khai các giải pháp đổi mới đã được thực tiễn kiểm nghiệm, có hiệu quả nhằm đẩy nhanh tiến độ xem xét, cho ý kiến và thông qua luật, nghị quyết tại kỳ họp Quốc hội, tạo cơ sở để rút ngắn thời gian tiến hành kỳ họp nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả và nâng cao chất lượng của công tác lập pháp; nghiên cứu đưa vào Nội quy kỳ họp Quốc hội, hướng dẫn thực hiện các khâu của quy trình xây dựng pháp luật hợp lý để thực hiện đồng bộ, thống nhất.

Cơ quan của Quốc hội được phân công theo dõi, đôn đốc các nhiệm vụ lập pháp, được phân công thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết cần tích cực, chủ động theo dõi, nắm bắt tiến độ của các dự án, thường xuyên phối hợp chặt chẽ, đôn đốc cơ quan chủ trì soạn thảo để bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe trình bày báo cáo của Chính phủ, tham luận của một số bộ và cơ quan hữu quan về tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và yêu cầu, nội dung triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2022, năm 2023; Báo cáo tham luận của các cơ quan của Quốc hội về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và về công tác phối hợp nghiên cứu, chuẩn bị thẩm tra, giúp UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý các dự án trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Các đại biểu thảo luận, thống nhất về yêu cầu, nội dung triển khai công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra các tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

 

MINH KHÔI