Khánh Hòa: Làm giả hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ bằng chữ ký của người chết

Dù ông Lê Công Trung đã chết từ năm 2003, nhưng đến năm 2015 tên ông này bỗng nhiên có trong biên bản cuộc họp để xác định nguồn gốc đất kèm chữ ký tên. Từ “cuộc họp” động trời này, đôi vợ chồng cụ Lê Công Chánh và cụ Hà Thị Lớn phải vác đơn đi kiện để đòi đất, đòi cây trồng trên đất bao năm nay.

Theo hồ sơ địa chính do Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Ninh Hòa cung cấp, ngày 9/2/2015, tại thôn Vạn Khê, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến khu dân cư do ông Trịnh Bỉ - Trưởng thôn Vạn Khê chủ trì.

Theo đó, mục đích lấy ý kiến khu dân cư để xác định nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất của ông Lê Văn Trí và bà Phan Thị Mộng Thu. Những người tham gia cuộc họp được xác định là những người sử dụng đất giáp ranh với thửa đất số 152, tờ bản đồ số 02.

Tuy nhiên, theo xác minh của PV Tạp chí TAND, ông Nguyễn Sinh Trường khẳng định ông chỉ học lớp 1 và không hề tham gia cuộc họp nào cũng như không hề ký tên vào phiếu lấy ý kiến nào. Vợ ông Trường nhìn chữ ký chỗ tên chồng thì khẳng định: Chữ ổng cong cong vẹo vẹo sao lại ký đẹp như vậy được!

Người thứ 2 trong phiếu lấy ý kiến là ông Lê Công Chánh. Ông Chánh khẳng định chữ ký đó không phải của ông và ông không hề bán đất cho vợ chồng ông Trí, bà Thu. Người thứ 3 là ông Huỳnh Hạo, người này không giáp ranh với thửa đất nói trên.

Bi hài nhất là người thứ 4 ký vào phiếu lấy ý kiến dân cư tên Lê Công Trung. Theo xác minh của PV, ông Trung đã chết từ năm 2003 và được chính quyền địa phương xác nhận – có giấy chứng tử. Như vậy, không hiểu vì lý do gì mà mãi 12 năm sau (năm 2015) ông Trung bỗng dưng tham gia cuộc họp và ký tên?

 Ông Lê Công Trung chết từ năm 2003 nhưng năm 2015  có tên trong phiếu lấy ý kiến dân cư và ký tên

PV Tạp chí TAND đã liên hệ với người chủ trì cuộc họp là ông trưởng thôn Vạn Khê Trịnh Bỉ. Ông Bỉ khẳng định không hề có cuộc họp nào như thế và ông cũng không hiểu vì sao chữ ký của mình lại nằm ở chỗ “chủ trì cuộc họp”. Ông Bỉ cho rằng phiếu lấy ý kiến này do cán bộ địa chính Bùi Ngọc Sa làm ra chứ ông không thể làm trái lương tâm, đạo đức, cũng như pháp luật như vậy được.

Ngoài phiếu lấy ý kiến khu dân cư, trong hồ sơ địa chính còn có thêm một tờ giấy viết tay thể hiện việc vợ chồng cụ Hà Thị Lớn - Lê Công Chánh bán đất cho vợ chồng bà Phan Thị Mộng Thu – Lê Văn Trí. Theo cụ Chánh, cụ Lớn, vợ chồng cụ không hề bán đất cho hai người này và tờ giấy viết tay đó là giả mạo chữ ký của hai cụ.

Sau khi đất của vợ chồng cụ Chánh – Lớn bị tướt đoạt bằng giấy tờ giả nói trên, ông Lê Văn Trí đã phá hoại toàn bộ cây cối có trên đất. Hiện tại còn sót lại duy nhất một cây xoài ước chừng hơn 20 năm tuổi.

Ai đã giả mạo hồ sơ để chiếm đoạt tài sản của vợ chồng cụ Chánh – Lớn? Ai đã tiếp tay cho việc làm vi phạm pháp luật hình sự nói trên? Hành vi hủy hoại tài sản là cây cối của đôi vợ chồng già liệu có bị xử lý? Những câu hỏi này, chúng tôi xin kính gửi đến cơ quan chức năng thị xã Ninh Hòa và ơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa, .

Những bất cập khác tại thị xã Ninh Hòa, cần Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa quan tâm, chỉ đạo xử lý

Ngày 4/1/2021, PV Tạp chí TAND đã liên hệ UBND tỉnh Khánh Hòa để tìm hiểu thông tin liên quan đến các sai phạm và những vấn đề có dấu hiệu sai phạm. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn không có thông tin phản hồi. Ngày 29/3/2021, PV tiếp tục liên hệ UBND tỉnh Khánh Hòa để hỏi thông tin thì được biết giấy giới thiệu PV để lại thì còn nhưng nội dung tìm hiểu đã “lạc mất”. Gần đây, Tạp chí TAND đã nhận được văn bản số 2527/UBND-KGVX của UBND tỉnh Khánh Hòa gửi các cơ quan đơn vị để nghị việc chủ động nghiên cứu và cung cấp thông tin.

Theo văn bản, PV đã liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng đại diện Sở này vẫn không biết nội dung phóng viên cần tìm hiểu là gì?

Để thông tin được thông suốt, bằng bài viết này, Tạp chí TAND nêu lại những vấn đề về đất đai đã và đang tồn tại tại thị xã Ninh Hòa, để Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa có những chỉ đạo sát sao hơn.

1.UBND phường Ninh Hiệp chiếm đường đi vào đất của dân để xây tổ dân phố 2.

Trước Tết nguyên đán năm 2021, UBND thị xã Ninh Hòa đã cử đoàn xác định ranh giới đường đi theo sơ đồ địa chính và xác định con đường đã bị UBND P.Ninh Hiệp xây dựng Tổ dân phố 2 chiếm mất. Điều đó khiến dân có đất nhưng không có đường để vào và không thể sử dụng trong hơn 6 năm qua.

Và mặc dù đã xác định rõ chính cơ quan chức năng cấp phường thực hiện hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nhưng đến hiện tại con đường vẫn không được trả lại. Trả lời PV Tạp chí, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa bà Nguyễn Thị Hồng Hải vẫn không xác định một thời gian cụ thể để trả lại hiện trạng ban đầu.

 

 Hàng rào chặn mất con đường vào đất của dân, cột điện được trồng trên đường đi, vị trí cục gạch do cơ quan chức năng xác định là mốc đường

2.Thu hồi đất của dân không theo bất cứ quy định nào của luật đất đai và thu của người này nhưng cấp lại cho người khác.

Đất hiện tại đã xây dựng Tổ dân phố 2, thuộc P.Ninh Hiệp được ông Trần Chan chuyển nhượng lại cho bà Nguyễn Thị Trị. Tuy nhiên sau khi con đường được mở thì khu đất này bị UBND thị xã Ninh Hòa thu hồi.

Lý do được ghi trong quyết định do Bí thư Thị ủy ông Tống Trân ký (thời điểm ký ông Tống Trân là Phó Chủ tịch UBND thị xã) là theo đơn đề nghị thu hồi của bà Nguyễn Thị Trị. Tuy nhiên cho đến hiện tại UBND thị xã Ninh Hòa vẫn không thể cung cấp được “đơn đề nghị thu hồi” như trong quyết định đã nêu.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng thị xã Ninh Hòa dẫn ra một lý do khác là đã cấp lại một khu đất khác có diện tích tương đương với khu đất đã thu hồi. Tuy nhiên, theo xác minh của PV thì việc cấp lại khu đất khác là cấp cho ông Trần Chan chứ không phải bà Nguyễn Thị Trị.

Việc thu hồi đất tại Tổ dân phố 2 không thuộc bất cứ trường hợp nhà nước thu hồi đất nào được quy định theo Luật Đất đai năm 2013.

Ở một diễn biến khác, ngay phía sau tổ dân phố 2 là khu đất ở thuộc quyền sử dụng của gia đình bà Nguyễn Thị Trị thì không lý do gì người dân lại đi đổi một khu đất ở nơi khác để biến đất của mình từ mặt tiền đường thành đất ở trong hẻm.

3.Hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất của dân đúng pháp luật nhưng “chưa chuyển được” bởi sự quản lý yếu kém của Cơ quan chức năng.

Trên bản đồ địa chính phường Ninh Hiệp có thể hiện con đường đi vào khu đất của bà Nguyễn Thị Hiệp. Tuy nhiên, khi bà Hiệp nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất thì con đường này đã bị người khác chiếm giữ.

Trong thông báo số 61/TB-UBND ngày 10/3/2021 của UBND thị xã Ninh Hòa do bà Nguyễn Thị Hồng Hải – Phó Chủ tịch UBND thị xã chỉ đạo cũng thể hiện rõ có lối đi vào đất bà Nguyễn Thị Hiệp nhưng đã bị chiếm dụng.

Bà Hải đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành địa phương phối hợp xử lý vấn đề nhưng không có thời gian cụ thể là bao giờ xử lý xong. Và việc “tạm thời chưa xem xét giải quyết cho chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Hiệp” chẳng biết đến bao giờ mới có thể triển khai?

4.Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn bị tranh chấp bởi người không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cơ quan chức năng xử lý ì ạch.

Vụ việc xảy ra tại phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa khi một người tên Lưu Đức Tặng xây dựng trái phép tường rào trên đất của một người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cơ quan chức năng cũng đã xác định rõ hành vi của ông Lưu Đức Tặng là xây dựng trái phép và lấn chiếm đất của người khác. Và mặc dù vụ việc đã tồn tại rất lâu nhưng UBND P.Ninh Hải vẫn không có biện pháp xử lý, vẫn để cho việc “tranh chấp” trái pháp luật hiện hữu.

PV đã đề nghị UBND P.Ninh Hải cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Lưu Đức Tặng để xác định tính hợp pháp của việc tranh chấp nhưng Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND phường này không cung cấp được. Và Phó Chủ tịch UBND P.Ninh Hải cũng không thể chứng minh được người có tên Lưu Đức Tặng có quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm gì trong việc tranh chấp này.

Có hay không việc dựng lên một nhân vật để “tranh chấp” khiến người dân không thể chuyển nhượng cho người khác theo quy định của pháp luật? Câu hỏi này rất cần Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa quan tâm, chỉ đạo điều tra, xử lý.

 

Dù cơ quan chức năng đã đo đạc và xác định vị trí hàng rào xây dựng trái phép bao chiếm đất của người dân được cấp giấy chứng nhận nhưng hàng rào vẫn tồn tại cho đến hiện tại. Chẳng những xây dựng lấn chiếm đất của người dân để tạo tranh chấp, người xưng tên Lưu Đức Tặng còn xây dựng tường rào lấn chiếm trái phép đất lộ giới do nhà nước quản lý.

5. Người được chuyển nhượng lại 1 phần đất thì được đền bù khi nhà nước thu hồi, còn người chuyển nhượng (còn rất nhiều đất) thì không nhận được dù chỉ 1 đồng.

Vụ việc xảy ra tại dự án xây dựng Khu Công nghiệp Ninh Thủy (thuộc P.Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa). Theo đó, bà Nguyễn Thị Trị chuyển nhượng bằng giấy tay cho em gái là bà Nguyễn Thị Hiệp với diện tích đất 10.180m2 và một người phụ nữ tên Dung 1.820m2. Tổng diện tích đất nói trên thuộc thửa 74, tờ bản đồ số 21 (P.Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa).

Sau khi công ty Hoàn Cầu thực hiện dự án thì bà Dung đã được đền bù phần đất 1.820m2, nhưng bà Trị và cả bà Hiệp lại không được nhận tiền đền bù, hỗ trợ đối với diện tích hơn 1ha còn lại.

Theo văn bản xác nhận của UBND P.Ninh Thủy thì tiền đền bù đã được chi trả. Vụ việc được bà Hiệp làm đơn tố cáo gửi Công an thị xã Ninh Hòa từ tháng 8/2019. Tuy nhiên sau hơn 1 năm điều tra (ngày 17/12/2020) Công an thị xã Ninh Hòa mới có thông báo gửi công dân dân về việc “không khởi tố vụ án hình sự”. Lý do được công an thị xã Ninh Hòa đưa ra chỉ vỏn vẹn: “Không có sự việc phạm tội”.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là ai đã nhận tiền đền bù thay gia đình bà Hiệp?

 

 Giấy xác nhận của cơ quan chức năng thể hiện việc đền bù đã được thực hiện, tuy nhiên người dân lại không được nhận.

Bên cạnh những nội dung trên, Tạp chí TAND cũng đã đăng tải bài viết: “UBND thị xã Ninh Hòa: Trên bảo dưới bất Tuân!”. Cho đến hiện tại việc nhận tiền đền bù đối với dự án kè sông Lốp, dự án kè sông Dinh, dự án Trường Trung cấp nghề vẫn đang chờ cơ quan chức năng giải đáp.

Trên đây là các vấn đề đã và đang xảy ra trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, PV Tạp chí TAND đang đề nghị buổi làm việc để PV Tạp chí cung cấp đầy đủ bằng chứng cho lãnh đạo địa phương.

Mặt khác, như đã thông tin, việc những thông tin PV Tạp chí TAND đến tìm hiểu chắc chắn đã không đến được tay của lãnh đạo UBND tỉnh. Điều đó đồng nghĩa với việc những vấn đề, bức xúc của dân đã bị chặn ở một khâu nào đó. Câu hỏi có hay không việc chặn thông tin, không để lãnh đạo tỉnh tiếp cận thông tin cũng là một nội dung đáng được quan tâm!

THẾ MỸ - VƯƠNG PHƯƠNG