Nồng độ cồn chưa vượt quá mức quy định thì không phải trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS
Về bài viết “Xác định nồng độ cồn đối với tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” của tác giả Nguyễn Minh Hoàng, tôi xin có ý kiến trao đổi.
Tình huống tác giả đưa ra như sau: T điều khiển xe ô tô lưu thông trên đường chuyển hướng xe không đảm bảo an toàn, vi phạm khoản 2 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ, nên gây tai nạn giao thông. Tuy nhiên, trong kết quả xét nghiệm thì nồng độ cồn trong máu của T là 9.312 mmol/1. Đồng thời, T khai không sử dụng rượu, bia và chứng cứ tại hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện trước và trong khi gây ra tai nạn Phạm Văn T có sử dụng rượu, bia.
Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng Luật giao thông đường bộ và Luật phòng chống tác hại của rượu bia thì không cho phép người điều khiển phương tiện ô tô tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn được hiểu là nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bằng 0. Và theo quan điểm đó đối với quy định trên thì khi có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn thì đều phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS. Tôi cho rằng, quan điểm trên là không có căn cứ bởi lẽ:
Thứ nhất, theo khoản 2 Điều 260 BLHS thì phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà “trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định... thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm”. Như vậy, điều luật đã quy định rõ ràng rằng người phạm tội vi phạm về quy định giao thông đường bộ tại khoản 2 Điều 260 BLHS là người trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định. Tức là, người phạm tội đã sử dụng rượu bia là điều kiện cần và trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định là điều kiện đủ mới có thể kết luận người đó vi phạm khoản 2 Điều 260 BLHS. Tuy nhiên, trong trường hợp tác giả đưa ra, T không sử dụng rượu bia, nhưng trong máu có nồng độ cồn và nồng độ cồn này chưa vượt quá mức quy định. Vì vậy, việc kết luận T phạm tội tại khoản 2 Điều 260 BLHS là không có căn cứ.
Thứ hai, tham khảo tinh thần Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQPBTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 về Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của BLHS về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông có hướng dẫn rằng: Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản.
Như vậy, trong tình huống tác giả đưa ra, nguyên nhân trực tiếp gây hậu quả tai nạn giao thông là do T điều khiển xe ô tô lưu thông trên đường chuyển hướng xe không đảm bảo an toàn gây tai nạn giao thông với xe đạp điện do bà Nguyễn Thị Hồng T điều khiển đang lưu thông cùng chiều nên dẫn đên hậu quả là bà T tử vong, xe đạp điện bị hư hỏng. T đã vi phạm khoản 2 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ về chuyển hướng xe. Vì vậy, T phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 260 BLHS là có căn cứ.
Trên thực tế, các văn bản luật đặt ra quy định về nồng độ cồn là để hạn chế hoặc ngăn ngừa người dân không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Vì vậy, khi áp dụng luật cũng cần phải xem xét các chứng cứ để xác định xem người vi phạm đã sử dụng rượu, bia chưa để xử lý cho hợp tình, hợp lý.
Trên đây là ý kiến của tác giả mong độc giả đóng góp thêm.
Xử lý hiện trường một vụ tai nạn giao thông- Ảnh: CTV
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận