Nữ doanh nhân Nguyễn Bính: Dốc lòng vì sợi bún sạch
Những ngày giáp Tết Nguyên Đán 2024, xưởng bún Nguyễn Bính ở quận Tân Bình, TP.HCM bỗng tấp nập hơn thường lệ. Không chỉ vì khách đặt hàng nhiều hơn, bộ phận kĩ thuật cũng tất tả đi lại để lắp đặt thêm dây chuyền mới. Ngoài mục tiêu tăng chất lượng sản phẩm, bà Nguyễn Bính – Giám đốc xưởng bún Nguyễn Bính cho biết, nâng cấp nhà máy còn là bước chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu bún tươi sang Mỹ.
Cả đời dốc lòng vì sợi bún sạch
2023 là một năm khá khó khăn với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Xưởng bún tươi Nguyễn Bính cũng không ngoại lệ bởi gánh rất nhiều áp lực. Không chỉ vì nhu cầu tiêu dùng giảm, doanh nghiệp này còn bị lấn át khá nhiều bởi các đơn vị sản xuất “bún bẩn”.
Bún tươi, bánh phở hay bánh canh không phải là loại thực phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, cứ nhìn hàng quán dày đặc khắp các con đường ở Sài Gòn mới thấy, nhu cầu với các loại thực phẩm này rất cao. “Người ta không ăn bún thì ăn phở, chán phở thì dùng bánh canh; mỗi ngày, Sài Gòn tiêu thụ hơn ngàn tấn bún”, Giám đốc xưởng bún Nguyễn Bính nhận xét.
Hệ thống lọc nước RO để sản xuất bún của Nguyễn Bính
Tuy nhiên, trong cả năm 2023, xưởng bún của bà Bính chưa khi nào ra sản phẩm bằng thời điểm trước dịch Covid-19. Từ năm 2019 về trước, xưởng bún hơn 300 m2 này xuất hàng mỗi ngày cũng trên dưới chục tấn các loại. Nhưng nay, con số này cao lắm cũng chỉ đạt khoảng 50% thành quả trước đây. Bà Nguyễn Bính lý giải, các bếp ăn công nghiệp cho hàng ngàn công nhân đóng cửa là nguyên nhân chính khiến xưởng bún của bà bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các chuỗi nhà hàng thu hẹp điểm bán, các trường học chọn mua sản phẩm giá rẻ… cũng là những nỗi lo khiến bà chủ sinh năm 1970 này thường xuyên mất ngủ.
Khách giảm đã đành, việc buôn bán cũng không còn thuận lợi như trước. Các cơ sở làm bún tự phát cứ mọc lên như nấm sau mưa và bán giá rẻ bèo, khiến các nhà máy đầu tư bài bản cạnh tranh vất vả. Bà Bính ước tính, Sài Gòn hiện có trên 1.000 cơ sở sản xuất bún tươi nhưng chỉ có khoảng 30-40% cơ sở được cấp phép. Chỉ cần một máy ép sợi bún đặt trong nhà là thành “xưởng bún”. Sợi bún bị gãy thì họ thêm chất kết dính, bún sạch phải ngâm 7 ngày thì họ cho thêm hóa chất để một ngày là ra bún, hoặc cho thêm hóa chất tẩy trắng để bắt mắt hơn… Một sợi bún chứa khoảng 9 loại hóa chất khiến họ không cần quan tâm đến chất lượng. Đây cũng là nguyên nhân khiến doanh thu bún Nguyễn Bính giảm đáng kể.
Nhờ hóa chất mà các cơ sở “bún bẩn” bán sản phẩm với giá rất thấp. Theo bà Bính, với dây chuyền tự động hoàn toàn, mỗi kg gạo chỉ sản xuất được chưa tới 2kg bún tươi. Còn cơ sở bẩn làm ra khoảng 4kg bún tươi. Bên cạnh đó, giá thành của họ chỉ khoảng 6.000 đồng/kg, còn nhà máy phải ghi nhận khoảng 16.000 – 20.000 đồng/kg. “Giá gạo nguyên liệu đã tăng hơn 100% trong năm 2023, trong khi đó tôi chỉ dám tăng giá bán thêm 25%. Chẳng lời lãi được bao nhiêu mà còn bị “bún bẩn” giành khách. Cạnh tranh bằng chất lượng thì khó lời nhiều được”, bà Bính giãi bày.
Bà Bính dự kiến sẽ đưa bún tươi vào thị trường Mỹ vào đầu năm 2024
Phải đối mặt với nhiều trắc trở nhưng bà Bính vẫn quyết tâm chọn con đường làm bún sạch. Hiện nay, tất cả 15 công đoạn làm bún đều được bà Bính sản xuất tự động hóa. Đây là thành quả mà bà tự mày mò nghiên cứu rồi thuê thợ thi công trong nhiều năm qua. Bà Bính là truyền nhân đời thứ 7 của nhà làm bún tươi gia truyền ở làng bún Kẻ Bặt (Hà Nội). Hơn 20 năm theo nghề, bà vẫn canh cánh lời dặn của người cha về cái tâm với nghề, với người. Dù biết dùng hóa chất để nhanh ra bún và sợi bún đẹp hơn sẽ lời nhiều, nhưng bà xem đó là việc tiếp tay với cái ác.
Bên cạnh quyết tâm không dùng hóa chất, bà Bính cũng đang nâng cấp nhà máy để nâng cao chất lượng sợi bún. Bà Bính cho biết đã thay nước sản xuất bún từ nước máy thành hệ thống nước lọc RO. Ngoài ra, dây chuyền sản xuất nui tươi cũng được lắp mới... Những nâng cấp này cũng là bước chuẩn bị cần thiết cho kế hoạch xuất khẩu sản phẩm vào Mỹ của Nguyễn Bính vào đầu năm 2024.
Sẽ đưa bún sạch sang Mỹ
Thật ra, việc nâng cấp nhà máy đã được bà Bính tính toán và triển khai từ tháng 10/2023. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023 thì mọi việc mới được đẩy nhanh.
Bà Bính cho biết, ban đầu, việc nâng cấp nhà máy chỉ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cũ và thêm dây chuyền cho sản phẩm mới là nui tươi. Sau đó, bà gặp được đối tác kết nối với nhà phân phối bên Mỹ. Cuộc gặp gỡ tình cờ này mở ra cơ hội giúp bà Bính hiện thực hóa giấc mơ nhiều năm qua, đó là xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Mỹ. “Mọi việc đến với tôi rất bất ngờ. Dường như tôi được ông trời đền đáp bởi luôn giữ cái tâm với nghề, với người tiêu dùng hàng chục năm qua khi kiên quyết làm bún sạch, không sử dụng hóa chất”, bà Bính bồi hồi nói.
Dây chuyền sản xuất bún tươi tự động do bà Bính tự thiết kế và thuê thợ thi công
Hiện tại, bà Bính đang gấp rút hoàn thiện nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng và quy cách đóng gói để đưa được hàng vào Mỹ. Quá trình này dự kiến mất khoảng vài tháng và cũng tốn không ít chi phí. Thời gian đầu, bà dự kiến sẽ xuất mặt hàng bún tươi, bánh phở và nui tươi trước. Bún tươi hiện là sản phẩm chủ lực chiếm khoảng 70% tổng doanh thu hằng năm, bánh phở chiếm 10%, còn lại là các sản phẩm khác (nui tươi, bánh canh, mì quảng…). Tất cả sản phẩm đều được cấp đông trước khi xuất khẩu.
Qua trao đổi với đối tác tại Mỹ, bà Bính được biết nhu cầu sử dụng các sản phẩm bún hoặc bánh phở tươi rất cao. Điều này cũng phù hợp với thông tin bà quan sát được nhiều năm qua. Theo đó, lối sống tiện lợi của người Việt tại Mỹ (người Hoa và cả người Mỹ bản xứ) khiến nơi đây trở thành vùng đất lý tưởng của các loại bún tươi. Sản phẩm này chỉ cần rã đông là dùng ngay, trữ được lâu dài và dễ chế biến.
Dù tiềm năng rất cao nhưng giá trị mặt hàng bún hoặc bánh phở không cao như nhiều mặt hàng thực phẩm khác. Do đó, bà Bính ước tính giá trị lô hàng đầu tiên xuất đi cũng không quá lớn. Tuy nhiên, nếu được thị trường chấp nhận, đó sẽ là con số không nhỏ nhờ nguồn lực phân phối qua hàng trăm siêu thị và chợ tại Mỹ của đối tác. “Nếu mọi việc thuận lợi, doanh thu xuất khẩu một năm ít nhất cũng bằng 3-5 năm bán ở Việt Nam”, bà chủ này kỳ vọng.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận