Không thể coi thường tính mạng của người dân nhưng không thể đóng cửa mọi hoạt động

Chiều nay, 12/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 15 địa phương về tình hình và các biện pháp mới phòng chống dịch COVID-19. Theo Bộ Y tế, ổ dịch tại Đà Nẵng đang từng bước được kiểm soát, số trường hợp mắc mới giảm trong những ngày gần đây.
Thủ tướng cho rằng, vừa qua, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai phòng chống dịch tích cực, nhất là ngành y tế và một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng như các địa phương khác có ca dương tính đã khoanh vùng dập dịch tích cực, đặc biệt xét nghiệm nhanh trên diện rộng. Một số nơi có ổ dịch đã thực hiện giãn cách xã hội nghiêm khắc, Quảng Nam lập đội xử lý nhanh, còn Đà Nẵng phát phiếu đi chợ hay cắt giảm số lượng người làm việc tại trung tâm hành chính của thành phố…
TP. Đà Nẵng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 một cách nghiêm ngặt, còn các địa phương khác đều thực hiện mục tiêu kép, đẩy mạnh chống dịch trên địa bàn và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giữ các hoạt động bình thường. Đây được đánh giá là chủ trương cần thiết.

Theo Thủ tướng, khác với trường hợp xuất hiện ca bệnh số 17 trước đây, lần này, người dân bình tĩnh hơn, cấp ủy, chính quyền các địa phương, ngành y tế chỉ đạo bài bản hơn. Tình hình thị trường, giá cả ổn định, không có nạn đầu cơ, tích trữ, khan hiếm hàng hóa xảy ra. Tình trạng thiếu sinh phẩm, một số thiết bị y tế được khắc phục kịp thời, vừa bảo đảm phương tiện chống dịch, vừa chống tham nhũng, tiêu cực.

Lưu ý thời gian tuần này đến giữa tuần sau là thời điểm cần quan tâm, Thủ tướng đặt vấn đề, biện pháp nào cần tiếp tục để bảo đảm công cuộc chống dịch COVID-19 thành công. Từ đợt dịch vừa xuất hiện, rút ra bài học kinh nghiệm nào.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 23/7/2020 đến nay đã ghi nhận 451 trường hợp, trong đó có 46 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 405 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố.

 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC ) Đà Nẵng đã phát triển vượt bậc, phát triển từng ngày.

Nhận định tình hình, Bộ Y tế cho biết, ổ dịch tại Đà Nẵng đang từng bước được kiểm soát, đã hạn chế được việc lây lan rộng ra cộng đồng, số trường hợp mắc mới ghi nhận giảm trong những ngày gần đây. Các trường hợp mắc bệnh ghi nhận tại Đà Nẵng trong thời gian vừa qua phần lớn là các trường hợp tại các bệnh viện trong thời gian bị phong tỏa (43 trường họp) và các trường hợp tiếp xúc gần (Fl) với các trường hợp mắc bệnh đã được cách ly y tế tập trung (172 trường hợp).

Trong 17 bệnh nhân tử vong có 10 nữ và 7 nam, độ tuổi dao động từ 33-86 tuổi (11 người trên 60 tuổi). Các trường hợp tử vong đều có bệnh lý nền nặng với 82,4% có nhiều hơn 1 bệnh lý kèm theo, phổ biến nhất là suy thận mạn (12), tăng huyết áp (8), đái tháo đường (8), tim mạch (7) và ung thư (3), nên nguy cơ tử vong rất cao và có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường họp tử vong trong nhóm các bệnh nhân này trong thời gian tới.

Do phần lớn không có triệu chứng mắc bệnh (khoảng 40%) nên việc phát hiện các trường hợp này tại các cơ sở y tế là rất khó (trường hợp bệnh đầu tiên chỉ được phát hiện khi có triệu chứng tại Bệnh viện C Đà Nẵng nhưng hoàn toàn không có biểu hiện gì khi đến Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng…). Việc nâng cao năng lực cho các tuyến và thực hiện khám chữa bệnh từ xa là rất cần thiết để chủ  động sàng lọc bệnh nhân và có thể xét nghiệm ngay tại tuyến huyện, thực hiện cách ly điều trị tại tuyến tỉnh.

Theo Bộ Y tế, mặc dù đợt dịch này đã từng bước được kiểm soát và hạn chế được khả năng lây lan rộng ra cộng đồng, tuy nhiên trong thời gian tới vẫn có thể sẽ tiếp tục xuất hiện các trường hợp mắc bệnh rải rác từ các trường hợp nhiễm SARS- CoV-2 chưa được phát hiện trong cộng đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận:  Trong thời gian qua, chúng ta đã bình tĩnh, căn cơ, cương quyết với các giải pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, nên cơ bản đã xử lý có kết quả tình hình dịch bệnh vừa qua.

Những ngày qua, ngành y tế, Ban chỉ đạo quốc gia, các lực lượng chức năng, đặc biệt là các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác ở Tây Nguyên cho đến các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ đều rất cố gắng. Nhiều nhà tài trợ, nhiều địa phương giúp đỡ lẫn nhau với một tinh thần rất đáng được trân trọng.

Thủ tướng lấy ví dụ trên 300 cán bộ y tế được tăng cường Quảng Nam, hàng trăm sinh viên được tăng cường ở khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng và nhiều tỉnh khác. Nhiều bài học được rút ra, đúc kết thành các từ khóa hay công thức như: Phát hiện nhanh, cách ly nhanh, xét nghiệm rộng và nhanh, đơn cử như ở Hà Nội hay TP. Đà Nẵng xét nghiệm diện rộng trên 10.000 ca một ngày.

Các nhà máy, cơ sở sản xuất phải tự đánh giá tiêu chí an toàn. Các bệnh viện, các khu công nghiệp phải rất chặt chẽ trong việc giám sát y tế, phòng dịch.

Ngành y tế cần tăng cường đào tạo, tập huấn trực tiếp cho nhân viên y tế ở tất cả cơ sở y tế, nên có một quy trình chuẩn xử lý những ca nghi nhiễm COVID-19, “không để bệnh nhân đi lang thang hết bệnh viện này đến bệnh viện khác hoặc kéo dài ở một bệnh viện”. Các các trường hợp ho, sốt, viêm hô hấp thì phải kiểm tra ngay để xử lý.

Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đối với các đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh lý tim mạch, bệnh lý mãn tính khác…

Từ kinh nghiệm Quảng Nam, Đà Nẵng, Thủ tướng đề nghị các địa phương thành lập các tổ tuyên truyền và giám sát cộng đồng để đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà các đối tượng nghi ngờ, báo y tế kiểm tra, đặc biệt, cần triển khai mạnh ở các địa phương có ca nhiễm.

Trong thời điểm hiện nay, các bệnh viện phải xây dựng kịch bản và chuẩn bị cơ sở vật chất, con người để ứng phó tại chỗ với dịch bệnh, tránh di chuyển bệnh nhân nhiều.

Nhân dịp này, Bộ Y tế cũng nghiên cứu, đề xuất khả năng thực hiện dịch vụ xét nghiệm theo nhu cầu, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ biên giới.

“Từng địa phương nên suy nghĩ về một chiến lược chống dịch bệnh hiệu quả, cả về kinh tế và đặc biệt là y tế”, Thủ tướng nêu rõ. “Chúng ta đề cao phòng, chống dịch bệnh, điều này nhất quyết không được chủ quan, mất cảnh giác nhưng việc đóng cửa nghiêm ngặt ở quy mô quá rộng, không chỉ tê liệt mọi hoạt động kinh tế xã hội mà tác động tiêu cực đến tâm lý, tình cảm của người dân”.

“Đây là bài toán vô cùng khó trong lãnh đạo, chỉ đạo, các đồng chí phải tỉnh táo, phải biết cách làm phù hợp, không thể coi thường tính mạng của người dân nhưng không thể đóng cửa mọi hoạt động để tê liệt”, Thủ tướng bày tỏ. “Chúng tôi trong Thường trực Chính phủ và ở địa phương cũng như thế rất lo câu chuyện thất nghiệp, không có việc làm, đói kém xảy ra đối với người lao động của chúng ta”.

Đối với thiết bị, sinh phẩm nhập khẩu xét nghiệm, Thủ tướng đồng ý mời một số nhà nhập khẩu đến đàm phán, chốt giá trần, “cứ thế mà mua công khai, minh bạch, ta không tham nhũng, tiêu cực, không có gì phải ngại, không đẩy trách nhiệm lên cấp trên”.

THÁI VŨ