Ông Trump có phải chấp hành án hình sự khi tái đắc cử Tổng thống?
Ngày 5/11 (giờ địa phương), truyền thông Mỹ chính thức gọi tên ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên với bản án hình sự 34 tội danh hình sự, nhiều người đặt câu hỏi liệu ông có phải chấp hành án khi đã trở thành Tổng thống.
34 tội danh nghiêm trọng
Ngày 30/5, ông Donald Trump bị Hội đồng xét xử Manhattan, Tòa án Tối cao New York ra phán quyết hình sự với 34 tội danh làm giả hồ sơ kinh doanh liên quan đến khoản tiền bịt miệng trả cho ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Ông Trump từng bị Tòa án Tối cao New York kết án với 34 tội danh. (Ảnh: Reuters)
Ông Trump trở thành Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ bị buộc tội hình sự song đã kháng cáo phán quyết trên.
Việc tuyên án đối với ông Trump ban đầu được lên lịch chỉ vài ngày trước Đại hội Toàn quốc của đảng Cộng hòa hồi tháng 7. Sau đó kế hoạch này được lùi sang tháng 9 rồi một lần nữa lùi đến ngày 26/11/2024.
Ngay khi ông Trump vừa tuyên bố thắng cử, nhiều nhân vật cấp cao trong chính trường Mỹ đã lên tiếng kêu gọi hủy bỏ các vụ án liên quan đến ông Donald Trump.
Trong đó cựu Tổng chưởng lý Mỹ Bill Barr, từng làm việc dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump năm 2016, tuyên bố Tổng chưởng lý Mỹ Merrick Garland và các công tố viên bang New York nên tôn trọng quyết định của nhân dân, hủy bỏ mọi vụ kiện chống lại ông Trump ngay lập tức.
3 khả năng xảy ra
Chia sẻ với hãng tin Newsweek, luật sư Barbara McQuade, chuyên gia phân tích pháp lý của truyền hình MSNBC, nêu 3 khả năng để giải quyết các vấn đề pháp lý trong vụ kiện Manhattan của ông Trump.
"Đầu tiên, thẩm phán có thể tuyên phạt ông Trump một khoản tiền. Vì hành vi của ông Trump xảy ra khi ông chưa trở thành Tổng thống nên không được hưởng quyền miễn trừ. Khoản tiền phạt cũng không ảnh hưởng đến nhiệm vụ của ông Trump với tư cách là Tổng thống", vị luật sư nói.
Ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ thứ 47. (Ảnh: Reuters)
Phương án thứ hai là thẩm phán tòa án New York Juan Merchan có thể tuyên án tù giam đối với ông Trump, nhưng việc thi hành án phải hoãn lại trong thời gian ông còn tại nhiệm vì phải thực hiện các công việc của Tổng thống.
Cuối cùng, thẩm phán Merchan có thể hoãn tuyên án cho đến khi ông Trump rời Nhà Trắng và giữ nguyên phán quyết tù giam vào năm 2029.
Một số chuyên gia pháp lý cũng khẳng định chưa có tiền lệ nào đối với việc thi hành án đối với một tổng thống đã đắc cử, đề nghị các luật sư của ông Trump làm việc để hoãn tuyên án.
Ngoài ra, với tư cách là Tổng thống, ông Trump sẽ có quyền ban lệnh ân xá theo Điều II, Chương 2 của Hiến pháp Mỹ. Tuy nhiên trong trường hợp này, ông không có quyền xóa bỏ hoàn toàn bản án của mình với tư cách là tổng thống vì đây là bản án của tòa án tiểu bang chứ không phải toàn liên bang.
Chỉ có Thống đốc bang mới có thẩm quyền ân xá bản án do tòa án của tiểu bang đưa ra.
Do đó, đầu năm 2024, một số đại diện đảng Cộng hòa ở bang New York đã yêu cầu Thống đốc New York Kathy Hochul ân xá cho ông Donald Trump. Tuy nhiên vị Thống đốc đảng Dân chủ chưa có dấu hiệu cho thấy bà sẽ quyết định ân xá.
nguồn:Báo giao thông
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tăng phụ cấp cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận