Petrovietnam khởi động năm 2024 với nhiều kết quả tích cực
Trong tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực. Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng tốt so với tháng 12/2023 và cùng kỳ, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Ngày 19/2, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì giao ban với lãnh đạo các đơn vị thành viên, trực thuộc về tình hình SXKD tháng 1 và quý I/2024.
Tháng 1/2024, tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều khởi sắc. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn cầu đã đạt 50 điểm, chấm dứt chuỗi 16 tháng hoạt động kinh tế thu hẹp dưới mức trung bình; PMI của các nền kinh tế lớn cũng có những chuyển biến tích cực, cho thấy sản xuất có dấu hiệu phục hồi, có thể ảnh hưởng đến cung cầu năng lượng và nguyên liệu. Tuy nhiên, các dự báo đều cho thấy tình hình thế giới khó khăn hơn về cung cầu năng lượng. Giá dầu trung bình tháng 1/2024, giảm 0,3 USD/thùng so với giá dầu tháng 12/2023 và giảm 8% so với cùng kỳ tháng 1/2023. Đặc biệt, việc huy động khí, điện thấp đang gây ra những khó khăn lớn cho hoạt động của Petrovietnam.
Toàn cảnh buổi giao ban
Theo Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong, giai đoạn trước Tết dư cung nguồn khí dao động khoảng 2 – 3 triệu m3/ngày. Giai đoạn Tết Nguyên đán, sản lượng tiêu thụ khí chỉ đạt khoảng 50% công suất sản xuất. 2 tháng đầu năm, huy động khí của PV GAS chỉ đạt khoảng 84% so với kế hoạch, chủ yếu giảm do tình hình huy động khí cho điện tiếp tục giảm, với tình hình này khả năng khó hoàn thành kế hoạch được giao. Còn Tổng Giám đốc PV Power Lê Như Linh cho biết, tháng 1 các nhà máy điện của PV Power vận hành an toàn, độ khả dụng cao, tuy nhiên, tình hình huy động rất thấp, sản lượng điện tháng 1 của PV Power đạt khoảng 1,2 tỷ kWh, dịp Tết huy động chỉ đạt khoảng 15% công suất các nhà máy. Trong khi đó, các nhà máy này phải thực hiện nghĩa vụ bao tiêu khí, phải trả tiền mua khí trước, ảnh hưởng đến hiệu quả SXKD.
Chủ tịch nước tặng quà cho người lao động trên công trường PTSC
Trong bối cảnh đó, Tập đoàn xác định năm 2024 là năm then chốt, cần thiết phải tăng tốc và bứt phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025; đồng thời ứng phó với các biến động/tác động khó dự báo đối với hoạt động SXKD. Ngay trong những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, toàn Tập đoàn đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm cùng với các giải pháp cụ thể nhằm hoàn thành cao nhất mục tiêu kế hoạch đề ra cũng như mục tiêu tăng trưởng. Với nỗ lực quản trị điều hành, Petrovietnam đảm bảo hoạt động SXKD an toàn, đồng bộ, liên tục, ở nhịp độ cao, quản trị rủi ro, kiểm soát thực hiện kế hoạch.
Đồng chí Lê Xuân Huyên, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Petrovietnam đánh giá, tháng 1 và đầu tháng 2, hầu hết các chỉ tiêu của Tập đoàn hoành thành kế hoạch được giao, vượt so với tháng 12/2023, tăng trưởng so với cùng kỳ. Đặc biệt, Tập đoàn đã thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành về đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, cũng như các sản phẩm năng lượng khác trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Trong Tết, các công trình, nhà máy của Tập đoàn được đảm bảo hoạt động xuyên suốt, an toàn, ở công suất cao, từ 110-120% công suất tối ưu, đảm bảo cung ứng đủ nguyên liệu, xăng dầu, điện, đạm để phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Về sản xuất, tháng 1/2024, ngoài 2 chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch (KH) là khai thác khí và sản xuất điện đạt 98% KH do huy động khí và điện ở mức thấp, các chỉ tiêu sản xuất chủ yếu còn lại của Petrovietnam đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức KH tháng từ 2,8% – 80,5%, trong đó 08/09 chỉ tiêu sản xuất tăng trưởng so với cùng kỳ 2023.
NMLD Dung Quất chuẩn bị các nguồn lực cho bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5
Có thể kể đến như, sản lượng dầu thô đạt 865 nghìn tấn, vượt 2,8% KH tháng, tăng 1,5% so với thực hiện tháng 12/2023; sản lượng khí đạt 552 triệu m3, tăng 8,7% so với tháng 12/2023, tăng 1,4% so với cùng kỳ tháng 1/2023; sản lượng điện đạt 2,23 tỷ kWh, tăng 18,4% so với thực hiện tháng 12/2023, tăng 35% so với cùng kỳ 2023; sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) đạt 640,2 nghìn tấn, vượt 43,1% KH tháng 1/2024, tăng 2,9% so với tháng 12/2023, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023; sản xuất đạm đạt 160,9 nghìn tấn, vượt 5,1% so với KH tháng 1/2024, tăng 1,9% so với thực hiện tháng 12/2023, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023;…
Cùng với kết quả sản xuất tích cực, các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đều hành thành vượt mức KH tháng 1/2024 từ 14% – 2,1 lần. Trong đó, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 68,9 nghìn tỷ đồng, vượt 17% KH tháng, tăng 14% so với cùng kỳ 2023; nộp NSNN toàn Tập đoàn đạt 9,9 nghìn tỷ đồng, vượt 19% so với KH tháng, tăng 13% so với cùng kỳ.
Trong suốt đợt nghỉ Tết Nguyên đán, nguồn cung ứng xăng dầu cho phát triển kinh tế xã hội luôn được Petrovietnam đảm bảo
Kết luận, chỉ đạo, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định, tháng 1 và nửa đầu tháng 2 vừa qua, toàn Tập đoàn đã đảm bảo các hoạt động sản xuất an toàn, liên tục, không có sự cố. Kết quả sản SXKD tích cực, nhiều chỉ tiêu tốt so với kỳ vọng và tăng trưởng so với cùng kỳ và tháng 12/2023, đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đất nước.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng lưu ý, đây mới là kết quả của tháng đầu, quý đầu, năm 2024 được dự báo còn rất nhiều khó khăn phía trước. Chính vì vậy, lãnh đạo Tập đoàn quán triệt tinh thần đồng bộ, đồng hành, toàn diện, liên tục, hướng đích từ Đảng ủy, HĐTV, Ban điều hành đến các đoàn thể và người đại diện vốn Tập đoàn tại các đơn vị để triển khai thực hiện mục tiêu của kế hoạch quản trị của Tập đoàn. Đồng chí Lê Mạnh Hùng cũng đề nghị phát động thi đua rộng rãi trong toàn ngành, trên các công trình, nhà máy, dự án nhằm tạo khí thế thi đua trong năm mới, hướng đến hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao trong năm 2024.
Các điểm cầu trực tuyến
Đối với công tác quản trị, điều hành, Petrovietnam sẽ liên tục cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô, tập trung phân tích, đánh giá, tìm ra cách thức “làm mới động lực cũ, bổ sung động lực mới” cho sự phát triển của Tập đoàn. Cùng với các nhiệm vụ cụ thể đã chỉ đạo trong buổi giao ban, trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, cần tập trung bảo đảm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí song song với việc đẩy mạnh công tác đầu tư, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để tạo động lực mới về thể chế. Bên cạnh đó, Tập đoàn và các đơn vị phải duy trì bảo đảm hoạt động các nhà máy ổn định, an toàn, tập trung công tác bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất, chuẩn bị sẵn sàng hệ thống cung ứng xăng dầu, quản lý chặt chẽ hàng tồn kho đối với xăng dầu, đạm. Trong lĩnh vực khí – điện, lãnh đạo Tập đoàn lưu ý tập trung tháo gỡ cơ chế chính sách, tiếp tục có các giải pháp nâng cao sản lượng khai thác, tiêu thụ khí, nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong khối.
Cụm khí điện đạm Cà Mau
Đồng chí Lê Mạnh Hùng cũng chỉ đạo, tiếp tục cập nhật hệ thống pháp luật thay đổi ảnh hưởng với hoạt động SXKD của Tập đoàn, từ đó bổ sung, cập nhật, tạo động lực về cơ chế, thể chế; đánh giá mô hình, có giải pháp căn cơ để thúc đẩy hoạt động đầu tư; xây dựng cơ sở dữ liệu, quản trị mục tiêu, chỉ tiêu hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, đồng thời quản trị rủi ro để điều phối, chỉ đạo triển khai thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đặt ra; tăng cường củng cố hệ thống kiểm tra, giám sát, quản trị công việc được thực hiện đúng theo các thời hạn, cũng như đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước, các quy định của pháp luật.
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận