Phải áp dụng tình tiết định khung tăng nặng đối với T

Sau khi nghiên cứu bài viết “Có áp dụng tình tiết định khung tăng nặng đối với Nguyễn Văn T?” của tác giả Dương Văn Hưng , tôi không đồng ý với quan điểm của tác giả cũng như những quan điểm khác đã được nêu trong tình huống.

Trước hết, chúng ta cần phải phân biệt tình tiết “Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng” được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 123 BLHS với tình tiết “Để thực hiện tội phạm khác” được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 123 BLHS:

- “Để thực hiện tội phạm khác” trong tội Giết người được hiểu là người phạm tội vì mong muốn thực hiện một tội phạm khác ngoài tội Giết người nên đã thực hiện hành vi giết người. Hành vi giết người này phải là tiền đề, điều kiện để người phạm tội thực hiện tội phạm khác đó. Chẳng hạn giết người để cướp tài sản, giết người để trốn khỏi nơi giam, giữ… Khi này, người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người và tội phạm khác mà mình đã thực hiện.

- “Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng” được hiểu là người phạm tội thực hiện hành vi giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội ấy là từ trên 7 năm tù đến 15 năm tù. Người phạm tội thực hiện hành vi giết người không phải nhằm tạo tiền đề, điều kiện để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng đó, đồng thời tội phạm rất nghiêm trọng này với hành vi giết người gần như không có mối quan hệ gì với nhau, tồn tại độc lập và tách rời nhau. Đây là điểm mấu chốt để phân biệt tình tiết này với tình tiết “Để thực hiện tội phạm khác” vì nếu người phạm tội thực hiện hành vi giết người nhằm tạo tiền đề, điều kiện để thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng thì không áp dụng tình tiết định khung hình phạt “Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng” mà phải áp dụng tình tiết định khung hình phạt “Để thực hiện tội phạm khác” đối với họ.

Việc nhà làm luật quy định tình tiết định khung hình phạt này là nhằm đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi giết người trong trường hợp liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng đã tăng lên đáng kể, cao hơn so với các trường hợp giết người thông thường khác khi người phạm tội tuy đã thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng nhưng không biết ăn năn, hối cải, nhận thức rõ lỗi lầm của mình mà lại tiếp tục thực hiện hành vi giết người hoặc người phạm tội tuy đã thực hiện hành vi giết người, tước đoạt đi quyền được sống của con người nhưng không biết ân hận, day dứt mà còn tiếp tục thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng khác. Trong trường hợp này, người phạm tội cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người và tội phạm rất nghiêm trọng mà mình đã thực hiện.

Quay trở lại tình huống, chúng ta thấy: Do mong muốn chiếm đoạt tài sản của chị Trần Văn H nên Nguyễn Văn T đã chuẩn bị sẵn dao rồi hẹn chị H đi chơi nhằm lợi dụng sơ hở giết chết chị H rồi chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, khi hẹn được chị H đến địa điểm thuận lợi, T đã dùng tay bóp cổ, dùng dao uy hiếp, đe dọa buộc chị H phải đưa dây chuyền, hoa tai, nhẫn, sau đó lại dùng dao đâm nhiều nhát vào bụng để tước đoạt quyền được sống của chị H rồi chiếm đoạt xe máy và tẩu thoát. Căn cứ ý thức chủ quan và diễn biến hành vi của T, có thể thấy T mong muốn thực hiện hành vi giết người nhằm tạo tiền đề, điều kiện để thực hiện đến cùng hành vi chiếm đoạt những tài sản đang thuộc quyền sở hữu, quản lý của chị H, đồng thời hành vi chiếm đoạt tài sản này của T đã phạm vào tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 BLHS nên cần thiết phải áp dụng tình tiết định khung hình phạt “Để thực hiện tội phạm khác” theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 123 BLHS mà không áp dụng tình tiết định khung hình phạt “Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng” theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 123 BLHS đối với T.

Mặt khác, chúng ta cũng thấy T dùng dao làm công cụ, phương tiện để vừa thực hiện hành vi cướp tài sản, vừa thực hiện hành vi giết người. Theo tinh thần của Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì dao là phương tiện nguy hiểm. Mặc dù T thực hiện hành vi giết người nhằm tạo tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi cướp tài sản và cả 02 hành vi này đều được thực hiện bằng dao nhưng trong tội Giết người, việc dùng dao để thực hiện hành vi phạm tội không phải là tình tiết định tội hay định khung hình phạt mà nó chỉ có ý nghĩa là một trong những cách thức thực hiện hành vi khách quan của tội Giết người, còn trong tội Cướp tài sản, việc dùng dao để thực hiện hành vi phạm tội là tình tiết định khung hình phạt theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 BLHS, phản ánh tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi chiếm đoạt tài sản đã tăng lên đáng kể.

Đồng thời, như đã phân tích ở trên, người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về cả 2 tội là tội Giết người và tội Cướp tài sản nên cần phải có sự phân hóa độc lập về tình tiết định tội và định khung hình phạt giữa các tội nhằm đánh giá đúng, đầy đủ tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, bảo đảm sự công bằng của pháp luật và phù hợp với nguyên tắc định tội danh: “Một tình tiết có thể được sử dụng nhiều lần đối với nhiều tội khác nhau nhưng không thể được sử dụng nhiều lần đối với cùng một tội”, tức việc dùng dao để thực hiện hành vi giết người và việc dùng dao để thực hiện hành vi cướp tài sản không loại trừ được lẫn nhau và người phạm tội phải chịu trách nhiệm độc lập về việc dùng dao để thực hiện hành vi phạm tội đối với từng tội.

Do đó, cần thiết phải áp dụng tình tiết định khung hình phạt “Sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm khác” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 BLHS đối với T. Chúng ta cũng thấy rõ nếu không áp dụng tình tiết định khung hình phạt này trong tội Cướp tài sản thì việc dùng dao để giết người, cướp tài sản cũng có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội tương tự với việc dùng tay để giết người, cướp tài sản dẫn đến không có tính phân hóa trách nhiệm hình sự cũng như không bảo đảm tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung của pháp luật.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống trên, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc.

 

TAND tỉnh Phú Yên xét xử vụ án giết người và tội cướp tài sản - Ảnh: Hồng Minh

                        

PHẠM VĂN MINH (Công an TP. Long Khánh, Đồng Nai)