Phải áp dụng tình tiết tăng nặng định khung hình phạt “Tái phạm nguy hiểm” đối với Đào Xuân S

Qua nghiên cứu bài viết “Đào Xuân S có bị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “tái phạm nguy hiểm” hay không?” của tác giả Lê Đình Nghĩa, tôi đồng ý với quan điểm thứ 1 khi cho rằng phải áp dụng tình tiết tăng nặng định khung hình phạt “Tái phạm nguy hiểm” đối với Đào Xuân S.

Đào Xuân S đã 5 lần thực hiện hành vi phạm tội như sau:

- Hành vi 1: Ngày 03/4/2007, bị TAND huyện M, tỉnh G xử phạt 06 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản theo Bản án số 4/2007/HSST do có hành vi trộm cắp số tiền 682.000 đồng.

- Hành vi 2: Ngày 07/8/2009, bị TAND huyện M, tỉnh G xử phạt 12 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản theo Bản án số 25/2009/HSST do có hành vi trộm cắp số tiền 4.500.000 đồng.

- Hành vi 3: Ngày 08/11/2011, bị TAND huyện M, tỉnh G xử phạt 36 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích theo Bản án số 41/2011/HSST do có hành vi gây thương tích cho anh A với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 12%. S còn bị áp dụng tình tiết “Tái phạm nguy hiểm”.

- Hành vi 4: Ngày 06/4/2012, bị TAND thành phố Q, tỉnh N xử phạt 24 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản theo Bản án số 44/2012/HSST do có hành vi trợm cắp tài sản có trị giá là 5.780.000 đồng. S còn bị áp dụng tình tiết “Tái phạm nguy hiểm” và đến ngày 23/7/2016 thì chấp hành xong hình phạt tù.

- Hành vi 5: Ngày 20/9/2017, bị TAND huyện M, tỉnh G xử phạt 36 tháng tù về tội Cướp tài sản theo Bản án số 20/2017/HSST. S còn bị áp dụng tình tiết “Tái phạm nguy hiểm” và đến ngày 05/01/2020 thì chấp hành xong hình phạt tù.

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 64 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích là 3 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 3 năm. Đồng thời, khoản 2 Điều 67 BLHS 1999 cũng quy định: “Nếu chưa được xoá án tích mà phạm tội mới, thì thời hạn để xoá án tích cũ tính từ ngày chấp hành xong bản án mới”. Như vậy, chúng ta thấy từ năm 2007 đến năm 2012, S đã 4 lần liên tiếp bị kết án bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và liên tục bị áp dụng các tình tiết “Tái phạm”, “Tái phạm nguy hiểm” nên đến khi chấp hành xong hình phạt của hành vi 4 (ngày 23/7/2016) thì các hành vi 1, 2, 3 mới bắt đầu được tính thời hạn để xóa án tích.

Đồng thời, điểm b khoản 2 Điều 70 BLHS năm 2015 quy định thời hạn đương nhiên được xóa án tích là 2 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 5 năm, tức có lợi cho người phạm tội nên căn cứ khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 thì cần phải áp dụng cho S. Điều đó có nghĩa là, khi chấp hành xong hình phạt của hành vi 4 thì các hành vi 1, 2, 3, 4 mới bắt đầu được tính thời hạn đương nhiên được xóa án tích và thời hạn đương nhiên được xóa án tích là 2 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính của hành vi 4 (khoản 2 Điều 73 BLHS năm 2015). Sau đó, ngày 20/9/2017, S bị xử phạt tù về hành vi 5. Khi này các hành vi 1, 2, 3 và 4 vẫn chưa được xóa án tích nên căn cứ khoản 2 Điều 73 BLHS năm 2015 thì đến ngày 05/01/2020, S mới bắt đầu được tính thời hạn đương nhiên được xóa án tích đối với các hành vi 1, 2, 3, 4 và 5.

Ngày 18/5/2020, S lại tiếp tục thực hiện hành vi 6, cụ thể: S đã đột nhập vào một đơn vị quân đội và trộm cắp 1 điện thoại di động SAMSUNG có trị giá 1.800.000 đồng (dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự). Tại thời điểm thực hiện hành vi này, các hành vi 1, 2, 3, 4 và 5 mà S đã thực hiện trước đó vẫn chưa được xóa án tích. Trong các hành vi này, có hành vi 1, 2, 4 và 5 là những hành vi về tội Cướp tài sản và tội Trộm cắp tài sản nên căn cứ điểm b khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015, S đã phạm vào tội Trộm cắp tài sản.

Theo điểm a khoản 7.3 mục 7 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phám TANDTC thì:

   “Trường hợp các tiền án của bị cáo đã được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì các tiền án đó không được tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo.

Ví dụ: D là người đã có hai tiền án đều về tội chiếm đoạt tài sản (có thể đều cùng về tội trộm cắp tài sản, có thể về tội trộm cắp tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Sau khi ra tù, chưa được xóa án tích D lại trộm cắp tài sản có giá trị dưới năm trăm ngàn đồng, thì trong trường hợp này hai tiền án về tội chiếm đoạt tài sản được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về tội chiếm đoạt, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” để truy cứu trách nhiệm hình sự D theo khoản 1 Điều 138 của BLHS mà không được tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với D”.

Như vậy, các tiền án 1, 2, 4 và 5 của S đều đã được dùng để xác định dấu hiệu định tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 173 nên không được dùng để xác định “Tái phạm”, “Tái phạm nguy hiểm”. Tuy nhiên, S có hành vi 3 chưa được xóa án tích nhưng về tội Cố ý gây thương tích và không thuộc trường hợp được dùng để xác định dấu hiệu định tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 173 nên không bị điều chỉnh bởi quy định tại điểm a khoản 7.3 mục 7 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP nêu trên, tức vẫn được dùng để xác định “Tái phạm”, “Tái phạm nguy hiểm”.

Từ đó, chúng ta thấy, khi bị kết án đối với hành vi 3, S đã bị áp dụng tình tiết “Tái phạm nguy hiểm” nên căn cứ điểm b khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015, Đào Xuân S phải bị áp dụng tình tiết “Tái phạm nguy hiểm” đối với hành vi 6, tức S phạm vào tội Trộm cắp tài sản quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015. Điều này là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật và bảo đảm tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống nêu trên, rất mong nhận được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của  bạn đọc.

TAND huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam  xét xử  vụ án Trộm cắp tài sản - Ảnh: Đặng Phùng Thành 

PHẠM VĂN MINH (Công an TP. Long Khánh, Đồng Nai)