Phải tịch thu sung vào ngân sách nhà nước khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội
Sau khi nghiên cứu bài viết “Tịch thu hay không tịch thu sung vào ngân sách nhà nước khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội?” của tác giả Vũ Văn Hoàng đăng ngày 18/4/2023, tác giả nhất trí với quan điểm thứ hai, cần phải tịch thu sung vào ngân sách nhà nước khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội.
Đối với số tiền 1.000.000 đồng, đây là tiền do phạm tội mà có, tức nguồn gốc của số tiền 1.000.000 đồng có được sau khi bán tài sản đã chiếm đoạt, về nguyên tắc phải bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.
Trong vụ án, Công ty X (bị hại) đã nhận lại được tài sản bị trộm cắp và không yêu cầu bồi thường; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án là anh Phạm Văn B không yêu cầu Nguyễn Văn A (bị cáo) hoàn trả 1.000.000 đồng mà B bỏ ra để mua tài sản. Xét đây là sự tự nguyện của các bên đối với phần bồi thường dân sự và quan hệ mua bán của anh B là ngay tình. Việc anh B không có yêu cầu A phải bồi hoàn số tiền 1.000.000 đồng thì phải xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vật chứng, đó là tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS và điểm b khoản 2 Điều 106 BLTTHS.
Tại Mục 3 Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 của TANDTC về việc trao đổi nghiệp vụ đã giải đáp theo hướng không tịch thu tài sản thu lợi bất chính do phạm tội mà có với lý do là theo Điều 194 BLDS năm 2015 thì:“Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản”. Như vậy, trong trường hợp tại phiên tòa dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, yêu cầu bồi thường nhưng bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo phải trả lại tài sản đó và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thì Tòa án không tuyên tịch thu tài sản đó mà ghi nhận ý kiến của bị hại trong bản án”.
Tuy nhiên, tôi rằng nội dung vụ án trên không thuộc trường hợp hướng dẫn của Công văn 233, bởi xác định đây là tiền do phạm tội mà có chứ không phải tiền, tài sản bị chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép.
Ngoài ra, tôi cho rằng, dù bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án không yêu cầu bồi thường hay bồi hoàn gì thì tiền, tài sản do phạm tội mà có từ hành vi phạm tội cũng phải bị tịch thu sung vào ngân sách của Nhà nước mới là hợp lý, thỏa đáng, mới đảm bảo tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm.
Trên đây là quan điểm của tôi đối với bài viết “Tịch thu hay không tịch thu sung vào ngân sách nhà nước khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội?”, mong nhận được sự thảo luận, trao đổi của bạn đọc, đồng nghiệp./.
TAND huyện Nông Cống, Thanh Hóa xét xử vụ trộm cắp tài sản - Ảnh: TL
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận