Tịch thu hay không tịch thu sung vào ngân sách nhà nước khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội?

Trường hợp chủ thể của tội phạm chiếm đoạt được tài sản của chủ thể khác và bán lấy tiền tiêu xài nhưng bị hại không yêu cầu bồi thường thiệt hại thì có tịch thu tài sản không.

Nguyễn Văn A (là đối tượng nghiện hút, không có nghề nghiệp ổn định) đã có hành vi trộm cắp tài sản có giá trị 5 triệu đồng của Công ty X nên bị khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS. Quá trình điều tra xác định, sau khi trộm cắp tài sản, A đã bán tài sản đó cho Phạm Văn B với giá 1 triệu đồng (B không biết tài sản đó là do phạm tội mà có), số tiền này A đã sử dụng chi tiêu cá nhân hết, không sử dụng vào mục đích bất hợp pháp nào khác. Tài sản A trộm cắp đã được Cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ và trả lại cho Công ty X, Công ty X đã nhận lại đủ tài sản, không bị thiệt hại gì khác và không yêu cầu A phải bồi thường. Phạm Văn B do số tiền bỏ ra không lớn nên không yêu cầu A phải bồi hoàn số tiền trên. Tại phiên tòa, Công ty X và Phạm Văn B không yêu cầu A bồi thường hay bồi hoàn gì; có hai quan điểm giữa tịch thu và không tịch thu số tiền 1 triệu đồng trên.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Không tịch thu vào ngân sách nhà nước đối với số tiền 1 triệu động mà bị cáo có được do bán tài sản trộm cắp. Bởi vì trong vụ án, bị hại và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không yêu cầu A bồi thường hay bồi hoàn gì, thì không đặt vấn đề giải quyết số tiền 1 triệu đồng trên vì đây là nghĩa vụ dân sự do các bên đã thỏa thuận. Đây là quyền tự định đoạt về tài sản của anh B nên Tòa không áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, mà chỉ ghi nhận anh B không yêu cầu bị cáo trả lại số tiền 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, bị cáo là đối tượng nghiện hút, không có nghề nghiệp ổn định, tài sản không có vì vậy tuyên tịch thu số tiền 1 triệu đồng mà A có được do bán tài sản trộm cắp để sung vào ngân sách nhà nước thì cũng không khả thi.

Và cũng theo hướng dẫn tại Mục 3 Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 Về việc xử lý tài sản bị chiếm đoạt trong trường hợp tại phiên tòa dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, yêu cầu bồi thường nhưng bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo trả lại tài sản đó và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường: Theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 47 BLHS thì vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không thuộc trường hợp tịch thu sung vào ngân sách nhà nước mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Đồng thời, theo quy định tại Điều 194 của Bộ luật Dân sự thì: “Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản”. Như vậy, trong trường hợp tại phiên tòa dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, yêu cầu bồi thường nhưng bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo phải trả lại tài sản đó và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thì Tòa án không tuyên tịch thu tài sản đó mà ghi nhận ý kiến của bị hại trong bản án.

Quan điểm thứ hai cũng quan điểm của tác giả cho rằng: Tịch thu sung vào ngân sách nhà nước đối với số tiền 1 triệu đồng mà bị cáo có được do bán tài sản trộm cắp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS. Bởi vì, số tiền 1 triệu đồng trên là do A bán tài sản đã trộm cắp được, như vậy đó là số tiền do phạm tội mà có. Trong vụ án, A đã sử dụng số tiền trên để chi tiêu cá nhân hết, B cũng không yêu cầu A phải bồi hoàn, như vậy chỉ tuyên hình phạt đối với A mà không tuyên tịch thu số tiền này thì A đương nhiên được chiếm hữu số tiền trên, dẫn tới giải quyết chưa triệt để vụ án, chưa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy, cần thiết phải áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu số tiền 1 triệu đồng để sung vào ngân sách nhà nước.

Trên đây là nội dung và quan điểm về tình huống trên, rất mong nhận được sự trao đổi từ các bạn đọc.

 

TAND huyện Chiêm Hóa, Tuyên Qang xét xử vụ án đánh bạc- Ảnh: Việt Hà

VŨ VĂN HOÀNG (Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân)