Phạm Trung Đ phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Sau khi nghiên cứu bài viết “Phạm Trung Đ phạm tội gì?” của tác giả Mai Trọng Thao, đăng ngày 19 tháng 8 năm 2021, tôi cho rằng hành vi của Phạm Trung Đ đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định Điều 174 BLHS.

Xét về mặt khách quan: Khi gặp L để giao dịch mua điện thoại, Phạm Trung Đ đã dùng thủ đoạn gian dối bằng cách giả vờ xin L số tài khoản để chuyển khoản số tiền mua điện thoại nhưng Đ không chuyển khoản thật số tiền 17.100.000đ mà Đ đã tự cắt ghép, chỉnh sửa, làm giả hóa đơn điện tử rằng mình đã chuyển tiền để anh L tin là thật. Tuy nhiên do anh L không tin việc Đ đã chuyển khoản, Đ lại tiếp tục dùng hành vi gian dối bằng cách yêu cầu anh L chở đi xung quanh để lấy tiền mặt trả, quá trình đi Đ tiếp tục yêu cầu anh L cho xem điện thoại để kiểm tra, làm cho L tin tưởng giao điện thoại Iphone 11 Promax của mình cho L; khi đến ngõ vắng Đ đã gian dối bằng cách bảo L dừng lại để Đ xuống xe đi vay tiền sau đó rồi bỏ chạy.

Ở đây có mối quan hệ nhân quả giữa việc dùng thủ đoạn gian dối với việc chiếm đoạt được chiếc điện thoại Iphone 11promax của anh L. Ý thức chiếm đoạt tài sản của Đ ngay từ ban đầu khi yêu cầu anh L cung cấp số tài khoản sau đó Đ tự cắt ghép, chỉnh sửa hóa đơn điện tử để anh L tin là thật và giao tài sản.

Từ những phân tích trên tôi cho rằng quan điểm thứ ba, khi cho rằng Phạm Trung Đ đã phạm vào tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 BLHS là có cơ sở, đúng pháp luật.

Chính vì vậy, đối với các quan điểm như quan điểm 1 (đây cũng là quan điểm của tác giả) cho rằng Đ phạm tội “Cướp giật tài sản” hay quan điểm thứ hai cho rằng Đ phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” là không có cơ sở. Bởi, đối với tội “Cướp giật tài sản”, hành vi chiếm đoạt được thực hiện một cách nhanh chóng, dứt khoát, người phạm tội lợi dụng sơ hở của chủ sở hữu để giật lấy tài sản và tẩu thoát; còn đối với tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”, hành vi chiếm đoạt cũng được thực hiện một cách công khai nhưng hành vi chiếm đoạt xảy ra bình thường, không nhanh chóng như đối tới tội cướp giật tài sản và người phạm tội không cần che giấu hành vi đó. Với các tình tiết mà tác giả đưa ra thì hành vi của Đ không cấu thành 2 tội trên; việc chiếm đoạt được tài sản của Đ do dùng thủ đoạn gian dối, làm cho anh L mất cảnh giác, tin tưởng Đ nên giao tài sản cho Đ.

Trên đây là một số ý kiến quan điểm cá nhân xin được trao đổi cùng tác giả và các bạn đọc./.

 

TAND tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Hoàng Phúc

Th.s NGUYỄN THỊ MAI (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)