Phạm Văn V phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Sau khi nghiên cứu bài viết “Vay tiền rồi bán đất cho người thân để không thi hành án có phạm tội hay không?” của tác giả Trần Tú Anh - Huỳnh Minh Khánh đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 04/7/2025. Tôi đồng tình với quan điểm của tác giả.

Bản án sơ thẩm số 312/2023/DS-ST đã có hiệu lực pháp luật vào ngày 23/8/2023; ngày 08/12/2023, Chi cục THADS huyện C có Quyết định thi hành án; ngày 24/4/2024, Chi cục THADS huyện C xác minh ông V chỉ có tài sản duy nhất do ông đứng tên là thửa đất số 12, tờ bản đồ số 1, diện tích 1.312m2, loại đất trồng cây lâu năm, được UBND huyện C cấp giấy chứng nhận ngày 18/6/2014. Tuy nhiên, quá trình xác minh này cũng cho thấy toàn bộ thửa đất trên đã được ông V lập hợp đồng chuyển nhượng cho em ruột là ông Phạm Văn H vào ngày 17/8/2023 (được thực hiện chỉ trong 06 ngày trước khi TAND huyện C xét xử vụ án và ban hành Bản án sơ thẩm). Đến ngày 24/8/2023 đã hoàn tất thủ tục đăng ký biến động sang tên cho ông H.

Tại thời điểm xét xử, bản thân ông V hiểu rõ mình sắp phải thi hành nghĩa vụ tài chính, nhưng thay vì giữ tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với Bản án dân sự đã có hiệu lực và Quyết định thi hành án của Chi cục THADS, ông lại cố tình chuyển nhượng tài sản duy nhất là quyền sử dụng đất cho ông H với giá chuyển nhượng là 400.000.000 đồng, thấp hơn nhiều so với giá trị thị trường gần 1.000.000.000 đồng.

Điều này cho thấy, hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông V không xuất phát từ động cơ giao dịch dân sự thông thường mà có mục đích che giấu, tẩu tán tài sản, gây khó khăn trong việc thi hành án và không thực hiện nghĩa vụ khi Bản án dân sự sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật ràng buộc trách nhiệm với bà V. Chính vì vậy, căn cứ vào thời điểm thực hiện giao dịch chuyển nhượng, người được nhận chuyển nhượng, giá chuyển nhượng quá thấp so với giá chuyển nhượng trên thực tế và hệ quả làm mất khả năng thi hành án thì đủ cơ sở để nhận định hành vi của ông V có mang tính chất thủ đoạn gian dối nhằm né tránh việc thực hiện nghĩa vụ theo Bản án dân sự sơ thẩm, thể hiện rõ ý đồ chiếm đoạt tài sản mà lẽ ra ông phải hoàn trả cho bà V.

Theo điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS 2015 quy định như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả…”.

Về cấu thành tội phạm cơ bản được nêu trong quy định trên cho thấy, phải có hành vi nhận được tài sản từ người khác thông qua hình thức vay, mượn, thuê hoặc hình thức khác bằng hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác và giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng. Trong vụ việc được nhắc đến, ông V có được tài sản từ quan hệ vay mượn của bà V, nhưng sau đó ông lại không thực hiện nghĩa vụ của mình kể cả trong quá trình giải quyết vụ án và Bản án sơ thẩm đã có hiệu lực mà trước đó ông đã dùng thủ đoạn gian dối (như trên đã phân tích) của mình là chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người em ruột, bất chấp là trong quá trình giải quyết vụ án và chấp nhận chuyển nhượng giá thấp hơn để nhằm mục đích trốn tránh thực hiện trả nợ cho bà V mà Bản án dân sự sơ thẩm số 312/2023/DS-ST đã thể hiện.

Như vậy, đối chiếu với quy định được đề cập và những phân tích trên, hành vi của ông V đã hội tụ đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, không chỉ cần được xem xét ở góc độ dân sự mà còn phải được xử lý bằng chế tài hình sự nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và quyền lợi chính đáng của người bị hại.

NGUYỄN TRẦN ANH TÚ (PHÂN HIỆU HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH VÀ QUẢN TRỊ CÔNG TẠI TP. HCM)

TAND huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - Ảnh: Anh Tuấn.