Phân biệt tội cướp tài sản với tội cưỡng đoạt tài sản
Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, tội cướp tài sản với tội cưỡng đoạt tài sản đôi khi khó phân biệt, dẫn đến nhận định, kết luận khác nhau. Dấu hiệu nào để phân biệt hai tội danh này?
Tội cướp tài sản với tội cưỡng đoạt tài sản thường chỉ nhầm lẫn trường hợp người phạm tội đe dọa dùng vũ lực. Vậy đe dọa dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản, trường hợp nào thì cấu thành tội cướp, còn trường hợp nào chỉ cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản ?
Trước hết, cần khẳng định cả hai tội này đều có giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, đối với tội cướp tài sản chỉ phạm tội chưa đạt trong trường hợp người phạm tội đã có hành vi khác làm cho người bị hại lâm vào tình trạng không thể tấn công được nhằm chiếm đoạt tài sản. Còn trường hợp dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thì không có trường hợp phạm tội chưa đạt mà mọi trường hợp đều là tội phạm đã hoàn thành.
Vậy hành vi khác trong tội cướp tài sản là hành vi nào ? Đây cũng là vấn đề do yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm này đặt ra. Trước đây về lý luận, đều khẳng định tội cướp tài sản là tội có cấu thành hình thức, tức là chỉ cần người phạm tội có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc là tội phạm đã hoàn thành, không có trường hợp phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, sau khi Bộ luật Hình sự 1999 được sửa đổi, bổ sung Điều 133 và nay Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định dấu hiệu “hoặc có hành vi khác” nên tội cướp tài sản vừa là tội cấu thành hình thức, vừa là tội có thành vật chất, tức là có trường hợp tội phạm chưa đạt.
Ví dụ: M là phụ nữ có nhan sắc, thường ra đường bắt xe đi nhờ. Một hôm anh T đi qua, thấy M ra vẫy và xin đi nhờ về thành phố Hồ Chí Minh, thấy M đẹp gái nên T đã cho M đi nhờ. Trên đường đi, T còn mời M vào quán uống sinh tố. Lợi dụng lúc T đi vệ sinh, M đã lấy thuốc mê chuẩn bị sẵn đổ vào ly sinh tố của T. Sau khi uống sinh tố, T không bị mê mà chỉ buồn ngủ, vì thuốc mê mà M mua là thuốc giả. M tưởng T đã ngấm thuốc nên đã lấy chìa khóa xe của T ra chỗ để xe chuẩn bị nổ máy chạy thì T phát hiện tri hô và M bị bắt tại chỗ. M đã thực hiện xong hành vi khác để chiếm đoạt tài sản của T nhưng do thuốc giả nên T không bị mê mà chỉ hơi buồn ngủ. M không chiếm đoạt được xe của T là ngoài ý muốn. Trường hợp này phải coi M phạm tội ở giai đoạn chưa đạt.
Tuy nhiên, trường hợp dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lức ngay tức khắc không có giai đoạn phạm tội chưa đạt nhưng vẫn có giai đoạn chuẩn bị phạm tội như: Trường hợp người phạm tội “định” dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, nhưng vì khách quan trở ngại nên không thực hiện được hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực. Ví dụ: A,B,C,D bàn bạc chuẩn bị súng, dao để ra đường chặn người đi xe máy cướp tài sản. Nhưng trước khi đi thì D sợ nên đã báo với Công an đến “bắt nóng” A,B,C. Tuy A,B,C chưa thực hiện hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nhưng A,B,C đều phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.
Đối với tội cưỡng đoạt tài sản, người phạm tội chỉ có hành vi đe dọa dùng vũ lực chứ không có ý định nếu người bị hại không giao tài sản thì dùng vũ lực. Đây là vấn đề khó xác định, vì khi đã đe dọa dùng vũ lực mà người bị hại không giao tài sản mà vụ án bị phát hiện, thì hầu hết người phạm tội đều khai là chỉ dọa cho sợ để lấy tài sản, nếu người bị hại không giao tài sản thì cũng không dùng vũ lực.
Để phân biệt trường hợp nào là đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, còn trường hợp thì chỉ dọa mà không đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, thì phải căn cứ vào không gian, thời gian xảy ra vụ án, nếu trong không gian thời gian đó mà ai cũng quá sợ phải giao tài sản cho người phạm tội thì phải định tội là cướp tài sản dù hành vi đe dọa không quyết liệt nhưng cũng làm cho người bị hại lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Ví dụ: Trong đêm tối, trên đoạn đường vắng vẻ A đã ra chặn xe của mẹ con chị H để chiếm đoạt tài sản, nhưng ngay lúc đó có tổ tuần tra đi qua nên A bị bắt. Trường hợp này dù A không dùng vũ lực cũng không de dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thì cũng phải coi hành vi của A là hành vi cướp tài sản vì trong trong đêm tối, lại ở nơi vắng vẻ, nên mẹ con chị H đã lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Tuy nhiên, nếu A lại gặp phải chị H là trinh sát chuyên bắt cướp thì lại là tội cưỡng đoạt tài sản ở giai đoạn phạm tội chưa đạt, vì chị H không bị lâm vào tình trạng không thể chống cự được.
Như vậy, dấu hiệu quan trọng nhất dể phân biệt hai tội này là người bị hại có lâm vào tình trạng không thể chống cự được không. Dấu hiệu này hoàn toàn tùy thuộc vào tình hình thực tế để đánh giá.
Tòa án nhân dân huyện Krông Bông, Đăk Lăk xét xử vụ án “Cướp giật tài sản” - Ảnh: Nguyễn Tâm
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận