Phan Mạnh H phạm tội “Trộm cắp tài sản"
Nghiên cứu bài viết Phan Mạnh H có phạm tội? của tác giả Nguyễn Mạnh Cường số đăng ngày 18/5/2022, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất, Phan Mạnh H phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 173 BLHS.
Theo nội dung vụ án tác giả đưa ra, có thể giả định hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất, do diễn biến về thời gian rất nhanh, việc Trần Văn T đột nhập vào nhà người khác lấy trộm tài sản đã bị chủ sở hữu là anh Hồ Văn B phát hiện và kịp thời hô hoán mọi người đuổi theo (việc kịp thời thể hiện ngay sau đó đã đuổi bắt được cả H và T). H đi bộ ở đó chứng kiến việc T ôm đồ bỏ chạy và có tiếng người la ó đuổi theo nên biết T là kẻ trộm, đang bị truy đuổi, cọc tiền 50.000.000 đồng do T ăn trộm, không phải thuộc sở hữu của T, chủ sở hữu đang đuổi bắt ở sau. Lợi dụng khoảnh khắc T không biết mình làm rơi tiền hoặc biết tiền bị rơi nhưng đang mải bỏ chạy, không thể quay lại nhặt; những người đuổi theo chưa đuổi đến nơi; H nhanh chóng nhặt lấy cọc tiền, giấu vào người. Ý thức chủ quan của H lúc này là chớp nhoáng hành động để che giấu được cả T và những người đang truy đuổi. T đã bỏ chạy, không biết ai nhặt tiền. Đoàn người chưa đuổi đến nơi nên không hề biết về việc T làm rơi tiền và H là người nhặt tiền giấu đi. Như vậy, H sẽ thành công chiếm đoạt cọc tiền đó. Hành vi này chính là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác và người khác ở đây chính là người sở hữu tài sản.
Trường hợp thứ hai, H đi bộ, thấy T làm rơi cọc tiền, H tưởng đó là tiền của T, do T sơ hở làm rơi nên nhanh chóng nhặt, giấu đi để chiếm đoạt. Lúc này ý thức của H vẫn là chiếm đoạt cọc tiền của T. Tuy nhiên, ngay sau đó, H phát hiện có đoàn người đuổi theo, H hiểu ra, T là kẻ trộm đang bị truy bắt, số tiền này là của một trong số hoặc của những người truy đuổi, nhưng H vẫn giữ nguyên mục đích chiếm đoạt, cọc tiền vẫn được giấu trong người, H bỏ chạy nhằm tẩu thoát.
Như vậy, ở cả hai tình huống trên, trong ý thức chủ quan của H, hành vi giấu tiền vào trong áo của là hành vi lén lút, che giấu để chủ sở hữu không biết H đang chiếm hữu cọc tiền nhằm mục đích tẩu thoát, mang cọc tiền ra khỏi tầm kiểm soát của chủ sở hữu, chiếm đoạt tài sản. Do đó, H phạm tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại Điều 173 BLHS.
Hành vi của H không phải là hành vi của tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” quy định tại Điều 176 BLHS bởi vì trong tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”, đối tượng tác động của tội này là những tài sản không có chủ hoặc chưa có chủ, tài sản đó đã ở trong sự chiếm hữu của người phạm tội một cách hợp pháp trước khi họ có hành vi phạm tội. Có nghĩa là ý thức chiếm đoạt của họ phải có sau khi họ đã chiếm hữu ngay tình tài sản. Ở vụ án này, ý thức chiếm đoạt của H có trước, việc chiếm hữu tài sản của H để phục vụ cho mục đích chiếm đoạt, do đó là chiếm hữu bất hợp pháp. H muốn chiếm đoạt cọc tiền, H biết rõ đây không phải là tài sản vô chủ, biết chủ sở hữu ngay lập tức có mặt nên đã giấu cọc tiền. Hành vi của H không phải là nhặt được tiền đánh rơi trong tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” mà đây là hành vi có chủ ý, có tính toán, che giấu, lén lút để tẩu thoát nhằm chiếm đoạt tài sản trong tội “Trộm cắp tài sản”.
Trên đây là một số ý kiến của cá nhân tôi sau khi nghiên cứu vụ án, kính mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của các độc giả./.
Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án giết người và trộm cắp tài sản - Ảnh: Trần Trung
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận