Nguyễn Quốc H phạm tội trộm cắp tài sản

Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Quốc H có phạm tội không, tội gì?” của tác giả Trần Thanh Bài đăng ngày 12/4/2024, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất.

Thứ nhấttôi không đồng tình với quan điểm cho rằng Nguyễn Quốc H phạm tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 176 BLHS vì những lý do sau:

Theo đó, đối tượng tác động của tội phạm là tài sản đã thoát ly khỏi sự chiếm hữu của chủ sở hữu vì những lý do khách quan như tài sản bị giao nhầm, bị bỏ quên, bị đánh rơi. Người phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản có được tài sản là do ngẫu nhiên.

Sự ngẫu nhiên này thể hiện ở việc: Người phạm tội được giao nhầm (như bị chuyển khoản nhầm, giao hàng nhầm địa chỉ…) mà việc giao hàng nhầm này không hề có lỗi của người phạm tội hoặc người phạm tội đã tìm được, bắt được tài sản bị đánh rơi, thất lạc. Khi có tài sản một cách ngẫu nhiên như vậy, người phạm tội có hành vi cố tình không trả lại tài sản hoặc tài sản là di vật, cổ vật cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp, không giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi đã có yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật.

Trở lại với vụ án, khoảng 21 giờ ngày 02/9/2023, H nhặt được chiếc ví tại quán cà phê Hưng Nguyên một cách ngẫu nhiên của người khách trước bỏ quên. Đến khoảng 06 giờ 05 phút ngày 03/9/2023, khi xuống xe ô tô lấy đồ thì H gặp cán bộ Công an hỏi về việc có nhặt được chiếc ví của khách để quên ở quán cà phê không, H nhận là nhặt được và nộp lại ví và toàn bộ tài sản trong ví cho cơ quan chức năng. Có thể thấy, H không hề có hành vi giấu diếm, cố tình không giao nộp lại chiếc ví sau khi có yêu cầu của cơ quan chức năng. Do vậy, hành vi của H không thỏa mãn cấu thành tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại Điều 176 BLHS.

Thứ hai, tôi nhất trí với quan điểm thứ nhất cho rằng Nguyễn Quốc H phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS. Bởi vì, hành vi trộm cắp tài sản là hành vi lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản một cách trái pháp luật của người khác, lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu, người quản lý tài sản, hoặc lợi dụng hoàn cảnh mà người quản lý tài sản không biết. Tội trộm cắp tài sản hoàn thành khi:

- Vật nhỏ gọn được coi là chiếm đoạt được khi người phạm tội đã giấu được tài sản vào trong người, hành lý;

- Vật cồng kềnh, kích thước lớn được coi là chiếm đoạt được khi đã mang được tài sản ra khỏi khu vực bảo quản.

Trở lại với vụ án, Nguyễn Quốc H nhặt được chiếc ví của người khác để quên trong quán cà phê, có phạm vi không gian nhỏ hẹp, có chủ quán cà phê, nhân viên phục vụ… là có người quản lý tài sản chứ không phải là tài sản vô chủ. Nguyễn Quốc H lợi dụng hoàn cảnh người quản lý tài sản không biết đã lén lút cầm chiếc ví sang bàn khác, dùng mũ và khăn quàng cổ che lên chiếc ví rồi bỏ vào túi xách. Thời điểm hoàn thành tội phạm kể từ khi H bỏ được chiếc ví vào trong túi xách. Vì vậy, hành vi của Nguyễn Quốc H đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS (tài sản trộm cắp có giá trị trên 2.000.000 đồng).

Trên đây là quan điểm của tác giả về bài viết, mong nhận được sự trao đổi của đồng nghiệp và độc giả./.

ThS PHẠM ĐỨC ANH  (Toà án quân sự khu vực Thủ đô Hà Nội)

Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước xét xử bị cáo “Trộm cắp tài sản”