“Phán quyết trọng tài nước ngoài” và “Phán quyết của trọng tài nước ngoài”: Kinh nghiệm của Đức và gợi mở nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam.
Phán quyết trọng tài, phán quyết trọng tài nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài, công nhận và cho thi hành, Công ước New York, Bộ luật tố tụng dân sự Đức, Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam
Dẫn nhập
Công ước New York[1] là Điều ước quốc tế (ĐWQT) đa phương quan trọng nhất không chỉ trong lĩnh vực trọng tài thương mại mà còn trong thương mại quốc tế nói chung[2]. Công ước này thiết lập một khung pháp lý vững chắc nhằm đảm bảo cho việc công nhận và cho thi hành (CNCTH) hiệu quả các phán quyết trọng tài nước ngoài. Sau hơn 20 năm chính thức gia nhập Công ước New York (vào ngày 28/7/1995), việc CNCTH phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam trải qua nhiều thực tiễn sinh động. Đa phần các phán quyết trọng tài nước ngoài được đảm bảo công nhận và cho thi hành đúng theo quy định Công ước New York, các Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp luật Việt Nam. Gần đây, với việc ban hành Bộ luật Tố tụng dân sự 2015[3] (Bộ luật TTDS 2015), pháp luật về CNCTH phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam đã được kiện toàn và hoàn thiện tương đối triệt để. Tuy nhiên, khái niệm “phán quyết trọng tài nước ngoài” (foreign arbitral award) được hiểu không chính xác thành “phán quyết của trọng tài nước ngoài” (award of foreign arbitration) vẫn được duy trì hơn 20 năm nay, dù rằng khái niệm này mang nhiều bất cập và xa rời tinh thần của Công ước New York. Bài viết trình bày quan niệm của pháp luật cũng như thực tiễn xét xử của Đức về khái niệm phán quyết trọng tài nước ngoài. Trên cơ sở đó tiến hành phân tích và luận giải những bất cập của quy định pháp luật Việt Nam, đồng thời đề xuất một số kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật trọng tài Việt Nam nói chung cũng như pháp luật về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam nói riêng.
1. Phán quyết trọng tài nước ngoài theo quan niệm của pháp luật Đức
1.1.Sơ lược về trọng tài ở Đức
Sau khi ban hành Luật Trọng tài mới vào năm 1998[4], Đức thực sự trở thành một nền pháp chế mạnh về trọng tài thương mại và là quốc gia có nhiều địa điểm trọng tài hấp dẫn trên thế giới. Pháp luật dân sự và thương mại của Đức được nhiều tổ chức, cá nhân lựa chọn để làm luật áp dụng cho nội dung vụ tranh chấp, trong khi luật trọng tài của Đức cũng thường được viện dẫn như là luật áp dụng cho quy trình tố tụng trọng tài. Các thành phố lớn của Đức như Hamburg, Frankfurt, Munich, Berlin… thường xuyên được chọn làm địa điểm tiến hành quy trình tố tụng trọng tài (địa điểm trọng tài).
Điều khiến các thành phố lớn này được chọn là địa điểm trọng tài là do: (i) phương tiện giao thông công cộng tốt, cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm phục vụ cho quy trình tố tụng trọng tài hiện đại; (ii) các thành phố này là nơi đặt trụ sở của nhiều hãng luật danh tiếng của Đức và các nước khác, nên việc các luật sư tham gia vào tố tụng với tư cách là trọng tài viên và đại diện cho các bên đều thuận tiện; (iii) các thành phố lớn vừa nêu đều là nơi mà các Tòa Thượng thẩm khu vực (Oberlandesgericht – OLG) của Đức tọa lạc, thực tiễn phong phú và kinh nghiệm nhiều năm giải quyết các vụ việc liên quan đến trọng tài, mà điển hình là hỗ trợ trọng tài thu thập chứng cứ và áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, của đội ngũ thẩm phán tại các OLG đảm bảo cho quá trình giải quyết được diễn ra thuận lợi, an toàn và mang lại nhiều niềm tin cho các bên tranh chấp.
Bên cạnh đó, lý do khiến các bên trong hợp đồng thường chọn luật Đức làm luật áp dụng cho quy trình giải quyết tranh chấp là do pháp luật trọng tài của Đức được xây dựng trên cơ sở tiếp thu trọn vẹn tinh thần của Luật mẫu UNCITRAL[5]. Bằng chứng là các điều khoản của BLTTDS nếu đem ra so sánh kỹ lưỡng với Luật Mẫu UNCITRAL thì sự khác biệt là rất nhỏ và hoàn toàn không đáng kể[6].
Riêng đối với vấn đề CNCTH phán quyết trọng tài nước ngoài, pháp luật Đức còn tiến một bước xa hơn, khi nước này không nội luật hóa các điều khoản của Công ước New York thành luật quốc gia[7], mà lại chọn con đường dẫn chiếu một cách trực tiếp Công ước New York. Điều 1061(1) BLTTDS Đức khẳng định rằng việc CNCTH phán quyết trọng tài nước ngoài sẽ hoàn toàn tuân theo các quy định của Công ước New York và các điều khoản liên quan đến việc CNCTH các phán quyết trọng tài nước ngoài nằm trong những ĐƯQT khác mà Đức là thành viên sẽ không có hiệu lực. Quy định này thực sự có nhiều ý nghĩa vì đã thượng tôn toàn vẹn hiệu lực và tinh thần của Công ước New York[8], đồng thời thể hiện sự ủng hộ của các tòa án Đức đối với việc CNCTH các phán quyết trọng tài nước ngoài, miễn là các phán quyết này đáp ứng được các điều kiện tối thiểu mà Công ước New York thiết lập.
1.2. Quan niệm của pháp luật Đức về phán quyết trọng tài nước ngoài
Công ước New York nêu ra hai cách thức mà một phán quyết trọng tài có thể được xem là phán quyết trọng tài nước ngoài: (i) phán quyết được ban hành ngoài lãnh thổ của nước CNCTH và (ii) phán quyết được ban hành trong lãnh thổ nước CNCTH nhưng không được xem là phán quyết trọng tài trong nước[9]. Cả hai cách thức này đều căn cứ vào cách tiếp cận mang tính lãnh thổ (territorial approach), tức là nơi mà phán quyết trọng tài được ban hành, chứ hoàn toàn không nhấn mạnh về việc trọng tài ban hành ra phán quyết được điều chỉnh bởi luật của nước nào.
Trong bối cảnh của Đức, do chọn cách dẫn chiếu trực tiếp Công ước New York nên BLTTDS Đức không có bất kỳ điều khoản nào nêu bật khái niệm phán quyết trọng tài nước ngoài. Điều 1025(1) nói rằng nếu quy trình trọng tài được tiến hành trên lãnh thổ của Đức thì quy trình trọng tài đó sẽ chịu sự điều chỉnh của luật Đức. Thực tiễn trọng tài thương mại của Đức chứng minh rằng, bất kể trọng tài giải quyết tranh chấp là trọng tài trong nước hay nước ngoài, cũng như bất kể luật áp dụng cho quy trình trọng tài là có phải là luật Đức hay không[10], thì phán quyết khi được tuyên trong lãnh thổ Đức sẽ là phán quyết trọng tài trong nước[11]. Tương tự, nếu như một quán quyết trọng tài được tuyên ngoài lãnh thổ của Đức, không cần biết là có phải do trọng tài nước ngoài tuyên hay không, cũng không cần biết luật áp dụng cho quy trình tố tụng trọng tài là luật của Đức hay luật của nước khác, phán quyết trọng tài đó sẽ được xem là phán quyết trọng tài nước ngoài[12]. Từ quan niệm của luật Đức, có thể rút ra kết luận rằng chỉ cần căn cứ vào nơi tuyên phán quyết thì có thể dễ dàng xác định rằng một phán quyết có phải là phán quyết trọng tài nước ngoài hay không[13]. Vì áp dụng triệt để nguyên tắc lãnh thổ[14] nên khái niệm “phán quyết của trọng tài nước ngoài” (award of foreign arbitration) là không có ý nghĩa và do đó không tồn tại trong pháp luật Đức.
Về mặt nội dung của phán quyết trọng tài nước ngoài, một phán quyết muốn được CNCTH tại Đức phải mang tính ràng buộc và chứa đựng những phán xét về nội dung của vụ tranh chấp. Các phán quyết giải quyết toàn bộ vụ tranh chấp (phán quyết toàn phần), một phần nội dung vụ tranh chấp (phán quyết từng phần) là những trường hợp phổ biến nhất và thường xuyên được yêu cầu CNCTH tại các tòa án Đức. Cũng không hiếm trường hợp các tòa án Đức đối mặt với các yêu cầu CNCTH các phán quyết đồng thuận, vốn dĩ hình thành trên sự thỏa thuận với nhau về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ nhằm giải quyết nội dung tranh chấp và được trọng tài ghi nhận trong một phán quyết. Ngoài ra, các phán quyết về phí, chi phí liên quan đến tố tụng trọng tài mà các bên phải chi trả cũng có thể được tòa án Đức CNCTH[15].
2. Quy định của pháp luật Việt Nam về phán quyết trọng tài nước ngoài và những bất cập
2.1. Pháp lệnh Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài
Ngay khi trở thành thành viên chính thức của Công ước New York, Việt Nam đã gấp rút chuyển hóa các điều khoản của Công ước này vào trong nền pháp chế của mình. Bằng chứng là Pháp lệnh Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài (Pháp lệnh 1995) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 14/9/1995. Ngay từ Điều 1 của Pháp lệnh 1995, khái niệm phán quyết của trọng tài nước ngoài, chứ không phải phán quyết trọng tài nước ngoài, đã được đề cập một cách cụ thể, theo đó phán quyết của trọng tài nước ngoài sẽ rơi vào một trong hai trường hợp[16]: (i) phán quyết được tuyên ngoài lãnh thổ Việt Nam do các bên thỏa thuận để giải quyết các tranh chấp thương mại, và (ii) phán quyết tuyên trong lãnh thổ Việt Nam nhưng không do trọng tài Việt Nam tuyên.
Nhìn vào quy định trên thì có thể khẳng định rằng Pháp lệnh 1995 đã nội luật hóa quan điểm của Công ước New York về hai cách thức nhằm xác định khái niệm phán quyết trọng tài nước ngoài. Thế nhưng, nếu như đoạn 1 Điều 1 Pháp lệnh 1995 là sự chuyển hóa chính xác tinh thành của công ước New York khi nêu bật vai trò tiên quyết của yếu tố lãnh thổ mà không quan tâm đến trọng tài là trong nước hay nước ngoài, thì đoạn 2 lại hiểu không chính xác quan điểm của Công ước New York khi ghi nhận rằng phán quyết của trọng tài nước ngoài là phán quyết tuyên trong lãnh thổ Việt Nam nhưng không do trọng tài Việt Nam tuyên. Lẽ ra, đoạn 2 phải ghi là phán quyết của trọng tài nước ngoài là phán quyết tuyên trong lãnh thổ Việt Nam nhưng không phải là phán quyết trọng tài trong nước. Có lẽ là do thực tiễn trọng tài tại thời điểm hơn 20 năm trước vẫn còn nhiều hạn chế, và căn cứ vào cách hiểu phổ biến là hễ cứ phán quyết không do trọng tài Việt Nam tuyên là không phải là phán quyết trong nước nên đã dẫn đến cách hiểu không chính xác về khái niệm phán quyết trọng tài nước ngoài.
Một kết luận có thể rút ra từ khái niệm phán quyết của trọng tài nước ngoài theo Pháp lệnh 1995 là dù vẫn chủ trương áp dụng tinh thần của Công ước New York tại đoạn 1 Điều 1, nhưng do cách diễn giải không chính xác tại đoạn 2 nên yếu tố chính yếu là yếu tố lãnh thổ chỉ được diễn giải đúng một phần. Do vậy, có thể nêu ra tính chất nước ngoài hay trong nước của phán quyết trọng tài theo tinh thần Pháp lệnh 1995 trong bốn trường hợp sau:
(i) Phán quyết do trọng tài nước ngoài lập ngoài lãnh thổ Việt Nam là phán quyết nước ngoài.
(ii) Phán quyết do trọng tài Việt Nam lập ngoài lãnh thổ Việt Nam là phán quyết nước ngoài.
(iii) Phán quyết do trọng tài nước ngoài lập tại Việt Nam là phán quyết nước ngoài.
(iv) Phán quyết do trọng tài Việt Nam lập ở Việt Nam là phán quyết trong nước.
Cho dù cách diễn dịch không hoàn toàn chính xác Công ước New York đã dẫn đến việc đồng nhất hai khái niệm phán quyết trọng tài nước ngoài và phán quyết của trọng tài nước ngoài, nhưng quan niệm của Pháp lệnh 1995 cũng tương đối phù hợp và có ý nghĩa nhất định trong việc đảm bảo tinh thần của Công ước New York. Đáng tiếc là cách diễn dịch này đã không được duy trì trong BLTTDS 2004.
2.2. Bộ luật tố tụng dân sự 2004
BLTTDS 2004[17] được xem là bộ luật hình thức chuyên điều chỉnh các quan hệ tố tụng dân sự và thương mại đầu tiên ở nước ta. Bộ luật này là kết tinh của một quá trình pháp điển hóa mạnh mẽ về pháp luật tố tụng dân sự và bản thân bộ luật là sự tập hợp một cách có hệ thống hầu như tất cả các văn bản về pháp luật tố tụng dân sự trước đó[18]. Các điều khoản của Pháp lệnh 1995, với tư cách là đạo luật chuyên điều chỉnh về vấn đề CNCTH các phán quyết trọng tài nước ngoài, được nhập vào BLTTDS 2004 và được thiết kế trong Phần thứ sáu về Thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, quyết định dân sự của trọng tài nước ngoài và một số điều khoản khác có liên quan.
Theo quan niệm của Điều 342(2) BLTTDS 2004 thì phán quyết của quyết trọng tài nước ngoài là phán quyết được tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam của trọng tài nước ngoài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp phát sinh từ các quan hệ pháp luật kinh doanh, thương mại và lao động. Quan niệm về việc sử dụng khái niệm phán quyết của trọng tài nước ngoài thay vì khái niệm phán quyết trọng tài nước ngoài từ Pháp lệnh 1995 vẫn được giữ nguyên khi ban hành BLTTDS 2004.
Có thể thấy rằng khái niệm phán quyết trọng tài nước ngoài của BLTTDS 2004 vừa rộng hơn nhưng lại cũng vừa hẹp hơn nếu so với Pháp lệnh 1995. Khái niệm phán quyết trọng tài nước ngoài trong khuôn khổ của BLTTDS 2004 bao hàm luôn các các phán quyết nhằm giải quyết các tranh chấp lao động, trong khi Pháp lệnh 1995 chỉ điều chỉnh các phán quyết về thương mại. Ngược lại, BLTTDS 2004 chỉ điều chỉnh hai trường hợp là (i) và (iii) trong bốn trường hợp được Pháp lệnh 1995 dự liệu (bao gồm phán quyết do trọng tài nước ngoài lập ngoài lãnh thổ Việt Nam và phán quyết do trọng tài nước ngoài lập trong lãnh thổ Việt Nam).
Xuất phát từ quy định của BLTTDS 2004, không khó để khẳng định rằng tính nước ngoài hay trong nước của một phán quyết trọng tài chỉ được xác định dựa vào tính nước ngoài hay trong nước của chính trọng tài, bất kể nơi tuyên phán quyết cũng như bất kể luật áp dụng cho quy trình giải quyết tranh chấp là luật Việt Nam hay luật nước ngoài. Quan niệm này của BLTTDS 2004 đã phủ định tinh thần chính yếu của Công ước New York là nguyên tắc lãnh thổ. Vì vậy, nếu một phán quyết do trọng tài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ban hành ngoài lãnh thổ Việt Nam thì có được xem là phán quyết trọng tài nước ngoài hay không? Câu trả lời không được BLTTDS 2004 giải đáp thích đáng.
Hơn nữa, có lẽ do chỉ căn cứ vào tính nước ngoài hay trong nước của trọng tài để xác định phán quyết có phải là phán quyết trọng tài nước ngoài hay không nên BLTTDS 2004 vẫn dùng khái niệm phán quyết của trọng tài nước ngoài thay cho khái niệm chuẩn xác hơn là phán quyết trọng tài nước ngoài. Thế nhưng, bản thân khái niệm trọng tài nước ngoài lại không được định nghĩa trong chính bản thân BLTTDS 2004, cũng như các đạo luật có liên quan là Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003[19] và Nghị quyết 05/2003/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003[20]. Phải đến khi Luật Trọng tài thương mại 2010 được ban hành thì khái niệm trọng tài nước ngoài mới chính thức được xuất hiện.
2.3. Luật Trọng tài thương mại 2010
Luật trọng tài thương mại 2010[21] (Luật TTTM) được ban hành có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền pháp luật Việt Nam, bởi vì bằng đạo luật này, trọng tài thương mại đã chính thức được điểu chỉnh ở cấp độ là luật. Điều này thể hiện sự quan tâm nghiêm túc và ủng hộ đúng đắn của nhà nước đối với các biện pháp giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, mà trọng tài là điển hình.
Để khắc phục thiếu sót của Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003, Luật TTTM đã quy định chi tiết khái niệm trọng tài nước ngoài, theo đó trọng tài nước ngoài được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn để tiến hành giải quyết tranh chấp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam[22]. Theo quy định này, yếu tố lãnh thổ đã không được xem xét đến, vì tính nước ngoài của trọng tài được xác định dựa vào luật điều chỉnh sự thành lập của trọng tài. Trên cơ sở khái niệm trọng tài nước ngoài, Luật TTTM đã khẳng định rằng về khái niệm phán quyết của trọng tài nước ngoài là phán quyết do trọng tài nước ngoài tuyên bất kể trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam để giải quyết tranh chấp do các bên lựa chọn. Hai khái niệm về phán quyết của trọng tài nước ngoài theo Luật TTTM và BLTTDS 2004 là hoàn toàn tương đồng với nhau, và cũng không nêu bật hết được sự chính xác của khái niệm phán quyết trọng tài nước ngoài.
Xâu chuỗi hai khái niệm trọng tài nước ngoài và phán quyết của trọng tài nước ngoài theo tinh thần Luật TTTM, có thể dẫn đến kết luận rằng bất kể nơi tuyên phán quyết là trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam, chỉ cần trọng tài do các bên chọn được thành lập theo pháp luật nước ngoài thì các phán quyết do trọng tài này ban hành ra đều là phán quyết trọng tài nước ngoài. Câu hỏi về vấn đề một phán quyết do trọng tài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ban hành ngoài lãnh thổ Việt Nam thì có được xem là phán trọng tài nước ngoài hay không cũng không được Luật TTTM giải đáp một cách tường tận.
3. Một số đề xuất mang tính gợi mở
Do không áp dụng nguyên tắc lãnh thổ, lại diễn dịch không chính xác khái niệm phán quyết trọng tài nước ngoài (foreign arbitral award) của Công ước New York thành phán quyết của trọng tài nước ngoài (award of foreign arbitration) nên đã dẫn đến nhiều bất cập khi Tòa án Việt Nam xem xét một phán quyết trọng tài có phải là phán quyết trọng tài nước ngoài hay không. Bên cạnh đó, Luật TTTM thiếu hẳn quy định về trọng tài trong nước nên câu hỏi mà BLTTDS 2004, Luật TTTM và cả BLTTDS 2015[23] phải đối mặt về việc liệu một phán quyết do trọng tài Việt Nam tuyên ngoài lãnh thổ Việt Nam có phải là phán quyết trọng tài nước ngoài hay không vẫn không được trả lời rõ ràng. Để khắc phục sự khiếm khuyết này, cũng như góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam về phán quyết trọng tài nước ngoài, chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau:
(i) Khái niệm “phán quyết của trọng tài nước ngoài” là sự diễn dịch không chính xác Công ước New York nên phải được thay thế bằng khái niệm chính xác hơn là “phán quyết trọng tài nước ngoài”. Sự thay thế này phải được diễn ra đồng bộ và toàn diện ở cả Luật TTTM và BLTTDS 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
(ii) Về khái niệm phán quyết trọng tài nước ngoài, chúng tôi nêu ra hai giải pháp:
Giải pháp 1: Nếu luật Việt Nam đi theo kinh nghiệm của Đức về khái niệm phán quyết trọng tài, tức là thượng tôn một cách tuyệt đối vai trò của yếu tố lãnh thổ, thì có thể sửa đổi Điều 3(12) Luật TTTM thành Phán quyết trọng tài nước ngoài là phán quyết được tuyên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Do đã tuân theo nguyên tắc lãnh thổ thì Điều 3(11) Luật TTTM là không còn cần thiết nữa, nên cần phải bị bãi bỏ. Tuy nhiên, nếu áp dụng nguyên tắc lãnh thổ một cách triệt để như Đức thì sẽ dẫn đến một phản ứng phụ là các phán quyết trọng tài do trọng tài nước ngoài ban hành trong lãnh thổ Việt Nam sẽ bị xem là phán quyết trong nước. Mà đã là phán quyết trong nước thì khả năng bị hủy bởi Tòa án cấp tỉnh nơi ban hành phán quyết trọng tài là hiện hữu. Vì vậy, giải pháp này chỉ nên được tiến hành nếu tình trạng hủy phán quyết trọng tài không có căn cứ phù hợp được cải thiện, cũng như hệ thống pháp luật và thực tiễn trọng tài Việt Nam trở nên mạnh và có sức cạnh tranh hơn trong thị trường dịch vụ trọng tài ở khu vực và trên thế giới.
Giải pháp 2: Nếu không muốn áp dụng giải pháp mạnh như giải pháp một, vốn có thể là chưa phù hợp với điều kiện thực tế của trọng tài Việt Nam hiện nay, cả về khung pháp lý và thực tiễn áp dụng, thì có thể áp dụng một giải pháp có phần mềm mỏng và phù hợp hơn. Theo đó, Điều 3(11) và Điều 3(12) Luật TTTM sẽ được giữ nguyên, chỉ sửa khái niệm phán quyết của trọng tài nước ngoài thành phán quyết trọng tài nước ngoài. Đồng thời bổ sung thêm Điều 3(13) Luật TTTM với nội dung là phán quyết do trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam tuyên ngoài lãnh thổ Việt Nam được xem là phán quyết trọng tài nước ngoài.
[1] Công ước về Công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài được Liên Hiệp Quốc thông qua tại New York ngày 10/6/1958, có hiệu lực từ ngày 7/6/1958. Tính đến mùa đông 2017, Công ước New York đã thu hút được sự gia nhập của 157 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
[2] Thậm chí, có tác giả còn xưng tụng Công ước New York như là điều ước quốc tế hữu hiệu nhất trong suốt chiều dài lịch sử của thương mại quốc tế, xem: Marike Paulsson, The 1958 New York Convention in Action, Nxb. Kluwer Law International, 2016, tr. Xxi.
[3] Luật số 92/2015/QH13 được Quốc hội Khóa 13 ban hành ngày 25/11/2015.
[4] Đạo luật được Hạ Viện Đức ban hành ngày 22/12/1997. Luật trọng tài 1998 được thiết kế thành Chương X Bộ luật TTDS của Đức.
[5] Luật Mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật thương mại quốc tế.
[6] Chính vì thế mà Đức được xem là một quốc gia đi đầu trong việc nội luật hóa một cách trọn vẹn và hạn chế tối đa tính địa phương hóa các điều khoản của Luật Mẫu.
[7] Ví dụ như Việt Nam.
[8] Hans-Joachim Musielak, Kommentar zur Zivilprozessordnung (tái bản lần thứ 6), Nxb. Franz Vahlen, 2008, tr. 2565.
[9] Các chuyên gia về trọng tài thương mại nhận định rằng đây là trường hợp phán quyết được ban hành khi các bên tham gia vào một quy trình trọng tài có luật áp dụng cho tố tụng trọng tài khác với luật của nơi ban hành phán quyết. Có một số quốc gia trên thế giới, như Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn xem các phán quyết này là phán quyết nước ngoài, nhưng đây không phải là khuynh hướng phổ biến, xem: Esin/Yesilirmak, Arbitration in Turkey, Kluwer Law International, 2015, tr. 213.
[10] Một ví dụ điển hình cho vấn đề này là phán quyết BGH 22.02.2001 III ZB 71/99 của Tòa Tư pháp liên bang khi Tòa này nhận định rằng một phán quyết trọng tài được tuyên tại Zurich (Thụy Sỹ) giữa hai doanh nghiệp Đức và luật áp dụng cho tố tụng trọng tài là luật Đức thì vẫn được xem là phán quyết trọng tài nước ngoài.
[11] Richard Zöller (chủ biên), Zivilprozessordnung (tái bản lần thứ 28), Nxb. Dr. Otto Schmidt, 2010, tr. 2320.
[12] Böckstiegel/Kröll/Nacimiento (chủ biên), Arbitration in Germany: The Model in Practice, Nxb. Wolters Kluwer, 2015, tr. 448.
[13] Denis Solomon, Interpretation and Application of the New York Convention in Germany, in trong George A. Bermann (chủ biên), Recognition and Enforcement of Foreign Arbitral Awards: The Interpretetion and Application of the New York Convention by National Courts, Nxb. Springer, 2017, tr. 333.
[14] Böckstiegel/Kröll/Nacimiento (chủ biên), tlđd, tr. 449.
[15] Xem các bản án OLG 25.10.2006 – 34 Sch 24/06; BGH 02.11.2000 BGHZ 145, 376 (381).
[16] Dù Pháp lệnh 1995 sử dụng khái niệm “quyết định trọng tài” nhưng về nội hàm thì khái niệm này và khái niệm phán quyết trọng tài hiện nay vốn không có nhiều điểm khác biệt.
[17] Luật số 24/2004/QH11 được Quốc hội Khóa 11 thông qua ngày 15/6/2004.
[18] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Tố tụng dân sự, Nxb. Tư pháp, 2007, tr. 24.
[19] Pháp lệnh số 08/2003/PL-UBTVQH11 do Ủy ban thường vụ Quốc hội Khóa 11 ban hành ngày 25/2/2003.
[20] Nghị quyết số 05/2003/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 31/7/2003.
[21] Luật số 54/2010/QH12 do Quốc hội Khóa 12 ban hành ngày 17/6/2010.
[22] Điều 3(1) Luật TTTM.
[23] Điều 424(3) Bộ luật TTDS 2015 dẫn chiếu đến khái niệm phán quyết của trọng tài nước ngoài theo Luật TTTM.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận