Không nhất thiết phải quy định quy trình thụ lý và giải quyết khiếu nại đối với từng trường hợp khiếu nại

Sau khi đọc bài “Vướng mắc trong giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự” của nhóm tác giả Nguyễn Đình Dũng - Nguyễn Thị Hồng Ngọc đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 07/6/2023, chúng tôi cho rằng không phải trường hợp khiếu nại nào cũng cần phải quy định một quy trình thụ lý và giải quyết riêng, cụ thể.

Nhóm tác giả bài viết “Vướng mắc trong giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự” cho rằng, hiện nay việc Bộ luật Tố tụng dân sự (“BLTTDS”) năm 2015 chỉ quy định quy trình thụ lý và giải quyết khiếu nại đối với một số trường hợp[1] mà không quy định quy trình riêng đối với mỗi trường hợp khiếu nại khác đã dẫn đến nhiều khó khăn cho Tòa án trong quá trình giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, chúng tôi có nhận định pháp luật không quy định quy trình thụ lý và giải quyết khiếu nại đối với từng trường hợp cụ thể là hợp lý, xuất phát từ hai (02) lý do sau:

1. Khách thể của quyền khiếu nại trong tố tụng dân sự nói riêng và trong lĩnh vực khiếu nại nói chung là rất rộng, do đó, pháp luật không thể và cũng không cần thiết quy định quy trình thụ lý và giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể, trừ khi phải có quy định riêng.

Theo khoản 1 Điều 499 BLTTDS năm 2015[2], khách thể của quyền khiếu nại trong tố tụng dân sự bao gồm hai (02) nhóm: (i) quyết định trong tố tụng dân sự; và (ii) hành vi trong tố tụng dân sự. Khi một cơ quan, tổ chức, cá nhân có căn cứ cho rằng một quyết định/hành vi trong lĩnh vực tố tụng dân sự là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì họ hoàn toàn có thể gửi đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, mọi quyết định/hành vi trong tố tụng dân sự đều có khả năng bị khiếu nại (nếu bị cho rằng trái pháp luật). Do đó, việc quy định quy trình thụ lý và giải quyết đối với từng trường hợp khiếu nại là điều không khả thi và không cần thiết. Thay vào đó, BLTTDS năm 2015 đã dành hẳn một (01) chương gồm mười (10) điều luật để quy định các vấn đề về khiếu nại trong tố tụng dân sự. Các quy định này sẽ được áp dụng với phần lớn các khiếu nại trong tố tụng dân sự, mà không cần thêm quy định riêng nào.

Đồng thời, BLTTDS năm 2015 cũng xây dựng quy trình khiếu nại riêng cho một số trường hợp đặc thù vì đây là các trường hợp mà khách thể của việc khiếu nại cần phải được giải quyết nhanh chóng vì nếu kéo dài thời gian xem xét, giải quyết có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, thậm chí ảnh hưởng đến khả năng thi hành án. Vì vậy, thời gian xem xét, giải quyết đối với các trường hợp này được pháp luật quy định ngắn hơn thời gian giải quyết các trường hợp khiếu nại nói chung[3].

Đơn cử, Điều 141 BLTTDS năm 2015 quy định Chánh án Tòa án phải xem xét, giải quyết khiếu nại về quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại (trong khi thời hạn chung để giải quyết đơn khiếu nại là 15 ngày). Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách và chính đáng của đương sự, giúp bảo vệ bằng chứng, bảo toàn tài sản tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án. Do đó, khi quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời được ban hành mà bị khiếu nại thì quy trình thụ lý và xem xét cần phải nhanh chóng có kết luận sớm không chỉ nhằm tránh gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại mà còn nhằm để vụ án được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí của các bên đương sự và của Nhà nước.

2. BLTTDS năm 2015 không quy định quy trình thụ lý và giải quyết đối với từng trường hợp là phù hợp với xu hướng quy định của pháp luật tố tụng nói chung.

Tham khảo thêm trong lĩnh vực hành chính, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 cũng dành một (01) chương với mười (10) điều luật để quy định quy trình giải quyết chung đối với các khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng hành chính. Tương tự, trong lĩnh vực hình sự, quy trình giải quyết khiếu nại cũng được xây dựng chung cho các trường hợp và được quy định từ Điều 469 đến Điều 477 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Và các Bộ luật này cũng chỉ quy định quy trình khiếu nại đặc thù cho một số trường hợp nhất định, ví dụ: Điều 77 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định Chánh án Tòa án phải xem xét, giải quyết khiếu nại về việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Hay Điều 148 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại về quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn, Chánh án Tòa án phải ra quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định đưa vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Do đó, chúng tôi cho rằng cách thiết kế quy định quy trình xử lý, giải quyết khiếu nại như hiện nay trong BLTTDS năm 2015 là hoàn toàn phù hợp. Cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ vào đó để xác định đâu là trường hợp cần áp dụng quy trình xử lý khiếu nại nói chung, và đâu là trường hợp cần áp dụng quy trình xử lý đặc thù.

Ngoài ra, nhóm tác giả bài viết trên đề xuất kiến nghị hình thức văn bản giải quyết các trường hợp khiếu nại nói chung và giải quyết các trường hợp khiếu nại đặc thù cần phải được quy định khác nhau. Cụ thể, khi giải quyết các trường hợp khiếu nại đặc thù thì ban hành quyết định, khi giải quyết các trường hợp khiếu nại nói chung thì ban hành công văn. Theo chúng tôi, việc sửa đổi này là không cần thiết, sẽ làm phá vỡ tính thống nhất trong các văn bản hành chính. Cụ thể, Điều 506 và 507 BLTTDS năm 2015 cũng đã gián tiếp quy định rằng văn bản giải quyết khiếu nại phải có tên là quyết định[4]. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, dù là trường hợp giải quyết khiếu nại chung hay giải quyết khiếu nại đặc thù thì đều phải ban hành với tên gọi là quyết định giải quyết khiếu nại.

Tóm lại, không cần thiết phải quy định quy trình thụ lý và giải quyết khiếu nại đối với từng trường hợp cụ thể, nói cách khác, cách quy định như BLTTDS năm 2015 hiện nay là hợp lý. Bên cạnh đó, Chánh án Tòa án, Thẩm phán – những người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực tố tụng cần nhìn nhận các trường hợp khiếu nại nói chung và các trường hợp khiếu nại đặc thù về bản chất vẫn là khiếu nại trong tố tụng dân sự, và khi giải quyết cần thống nhất ban hành văn bản là quyết định.

Trên đây là một số ý kiến chúng tôi xin trao đổi cùng nhóm tác giả bài viết và độc giả./.

[1] Khiếu nại, kiến nghị đối với Quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án khác giải quyết (Điều 41); Khiếu nại, kiến nghị đối với Thông báo trả lại đơn khởi kiện (Điều 194); Khiếu nại, kiến nghị đối với Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 141); Khiếu nại, kiến nghị đối với Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn (Điều 319).

[2] Khoản 1 Điều 499 BLTTDS năm 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

[3] Điều 505 BLTTDS năm 2015 quy định: “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án, Viện kiểm sát nhận được khiếu nại. Trường hợp cần thiết, đối với vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể được kéo dài nhưng không quá 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại”.

[4] Điều 506 tên: “Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu” và Điều 507 tên: “Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai”.

TS. Đặng Thanh Hoa – Cao Ngọc Anh Thi (Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh)