Pháp nhân thương mại là chủ thể thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự
Sau khi đọc bài viết “Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự đối với pháp nhân thương mại?” của tác giả Đinh Thị Ngọc Bích, tôi cho rằng việc tác giả khẳng định Tòa án quân sự không có thẩm quyền xét xử vụ án mà pháp nhân thương mại (PNTM) phạm tội là không phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).
Pháp nhân thương mại
Bộ luật hình sự (BLHS) quy định chủ thể của tội phạm gồm cá nhân và PNTM. Đối với cá nhân phạm tội thì cá nhân đó phải là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự. Nhưng đối với PNTM là chủ thể của tội phạm thì vấn đề quan trọng là phải xác định rõ các pháp nhân được thành lập có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 75 BLHS hay không? Cụ thể phải thỏa mãn các điều kiện: Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của BLHS.
Khi một pháp nhân được xác định là chủ thể của tội phạm thì phải xác định xem hành vi phạm tội của PNTM đó có thỏa mãn các tội phạm được quy định tại Điều 76 BLHS hay không? Đó là các tội: Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (tội trốn thuế); Điều 203 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ); Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng); Điều 234 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã); Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản); Điều 243 (tội huỷ hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại); Điều 300 (tội tài trợ khủng bố); Điều 324 (tội rửa tiền).
Về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự
Căn cứ quy định tại Điều 272 BLTTHS năm 2015, thì Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử:
+ Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân.
+ Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định như trên, nhưng liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.
Như vậy, theo quy định này thì Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử “bị cáo” là quân nhân tại ngũ, công nhân, công chức… hoặc “bị cáo” là người phạm tội không phải là là quân nhân tại ngũ, công nhân, công chức… nhưng liên quan đến bí mật quân sự, gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín… của Quân đội thì vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
Bị cáo được xác định theo quy định của BLTTHS, tại Điều 61 quy định là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Từ quy định này có thể khẳng định Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử vụ án đối với PNTM thực hiện hành vi phạm tội, khi hành vi đó thỏa mãn một trong các tội phạm quy định tại Điều 76 BLHS./.
Phiên tòa hình sự tại TAQS Quân khu 7 – Ảnh: TTXVN
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận