Phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm trong tố tụng dân sự từ thực tiễn xét xử
Quy định về Kiểm sát viên phát biểu ý kiến tại phiên tòa dân sự hiện nay có những bất cập. Thực tiễn công tác xét xử tại Tòa án cấp sơ thẩm cho thấy không phải lúc nào ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa cũng được Hội đồng xét xử chấp nhận, nhiều khi trái ngược nhau một phần hoặc toàn bộ nội dung vụ việc đang được Tòa án giải quyết, gây tâm lý hoài nghi cho các đương sự về việc giải quyết vụ án.
1.Quy định của pháp luật
Từ ngày 01/01/2005, ngày Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (PLTTGQCVADS), Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế (PLTTGQCVAKT), Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động (PLTTGQCTCLĐ) còn hiệu lực thì việc Viện kiểm sát tham gia các giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, lao động được quy định tại Điều 28 PLTTGQCVADS, Điều 28 PLTTGQCTCLĐ, Điều 28 PLTTGQCVAKT là thủ tục bắt buộc. Trong đó quy định: Viện kiểm sát (VKS) có thể tham gia bất cứ giai đoạn tố tụng nào nếu thấy cần thiết trong tất cả các vụ án dân sự, kinh tế, lao động. Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án do Tòa án cùng cấp chuyển sang để xét xử thì Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Toà án hoặc tự mình trưng cầu giám định hoặc điều tra, xác minh những vấn đề cần làm sáng tỏ trong vụ án.
Tuy nhiên, từ khi Bộ luật tố tụng dân sự ( BLTTDS) năm 2004 và BLTTDS năm 2015 ra đời, đã có sự thay đổi về trình tự, thủ tụng tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự cũng như tại phiên tòa. Tại khoản 2 Điều 220 BLTTDS năm 2015 quy định: “2. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được gửi cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định. Trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Bộ luật này thì Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp; trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án”. Quy định nêu trên được hiểu trong các giai đoạn tố tụng giải quyết vụ việc dân sự, từ khi Tòa án nhận được đơn khởi kiện, thụ lý đến trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử của Thẩm phán thì VKS không có quyền tham gia các giai đoạn tố tụng tại Tòa án và không phải bất kỳ phiên tòa sơ thẩm nào VKSND cùng cấp cũng đều tham gia.
2.Bất cập trong quy định
Tại Điều 262 BLTTDS năm 2015 quy định: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án…”
Theo quy định nêu trên, nếu vụ án thuộc trường hợp VKSND cùng cấp tham gia phiên tòa thì sau khi Tòa án cùng cấp chuyển hồ sơ vụ án cho VKS cùng cấp nghiên cứu hồ vụ việc. Viện trưởng VKS cùng cấp sẽ phân công Kiểm sát viên nghiên cứ hồ sơ: Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đề xuất hướng giải quyết vụ án trên với Viện trưởng VKS; khi được Viện trưởng VKS thống nhất về đường lối giải quyết vụ án thì tại phiên tòa sau khi kết thúc phần tranh luận, Kiểm sát viên sẽ phát biểu ý kiến của mình, nội dung văn bản phát biểu ý kiến yêu cầu Kiểm sát viên phải phân tích nội dung vụ án, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện các chứng cứ của vụ án, đối chiếu với các quy định pháp luật có liên quan để đề xuất hướng giải quyết vụ án: Chấp nhận toàn hộ hay một phần hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự...; đồng thời phát biểu việc chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia tố tụng gồm: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và các đương sự vào quá trình giải quyết vụ án. Bài phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa được xem như một trong các căn cứ để Hội đồng xét xử thảo luận, xem xét giải quyết vụ án khi nghị án.
Theo quy định tại Điều 262 BLTTDS, về thời điểm phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên là khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án thì Kiểm sát viên“phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án”. Việc Kiểm sát viên phát biểu ý kiến nhưng không cho các đương sự có ý kiến đối đáp với phát biểu này, là không đảm bảo quyền tranh tụng của các đương sự. Bởi vì đây cũng là ý kiến liên quan đến nội dung vụ án, cùng là một trong những căn cứ để Hội đồng xét xử phán quyết về tố tụng, nội dung vụ án. Vì vậy, nội dung điều luật quy định trên là không phù hợp với nguyên tắc cơ bản của BLTTDS, tại: “ Điều 21. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự
1. Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật.»
Nên Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết nội dung vụ án là vượt quá phạm vi các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nêu trên.
Thực tiễn công tác xét xử tại Tòa án cấp sơ thẩm cho thấy không phải lúc nào ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa cũng được Hội đồng xét xử chấp nhận, nhiều khi trái ngược nhau một phần hoặc toàn bộ nội dung vụ việc đang được Tòa án giải quyết, gây tâm lý hoài nghi cho các đương sự về việc giải quyết vụ án cũng là các cơ quan đại diện nền tư pháp nhưng có nhiều cách hiểu, quan điểm khác nhau về một vụ việc cụ thể. Từ đó, dẫn đến trách nhiệm của mỗi cơ quan tiến hành tố tụng như thế nào. Trong trường hợp nếu quan điểm của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong việc phát biểu quan điểm về đường lối giải quyết vụ án không đúng dẫn đến Tòa án không chấp nhận đề xuất hoặc đề xuất hướng giải quyết vụ, việc bị sửa, hủy….
Theo quy định tại Quyết định số 120/QĐ-TANDTC, ngày 19/ 6/ 2017 của Chánh án TANDTC “Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân” thì khi Thẩm phán được phân công giải quyết vụ, việc nhưng ra bản án hoặc quyết định bị sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan vượt quá quy định nhưng chưa đến mức bị xử lý kỷ luật thì bị xử lý trách nhiệm theo Quy định này; cụ thể: Bị kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị; tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao; bố trí làm công việc khác; chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại hoặc không xem xét đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán… Đây là khoảng trống của VKS cùng cấp trong quá trình tham gia tố tụng tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm cũng như trách nhiệm của VKS, Kiểm sát viên trong thực thi công vụ, nhiệm vụ.
3.Nguyên nhân và kiến nghị
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đề xuất của VKS, Kiểm sát viên không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ, việc tranh chấp tại các phiên tòa, phiên họp, có thể nêu lên một vài ý kiến như:
Một là: Nhiều vụ, việc dân sự do tính chất phức tạp của nó, nên chỉ trong thời gian ngắn 15 ngày Kiểm sát viên, kiểm tra viên là người giúp việc cho Kiểm sát viên chưa kịp nghiên cứu hồ sơ vụ án, nên đề xuất, phát biểu ý kiến khác so với Hội đồng xét xử.
Hai là: Các tài liệu do Kiểm sát viên, kiểm tra Viên của VKS nghiên cứu trong hồ sơ so với diễn biến tại phiên tòa có khác nhau, do tranh tụng, xuất trình các chứng cứ của các đương sự, Luật sư.
Ba là: Do đây là vụ việc dân sự nên luôn tôn trọng quyền tự quyết và quyền tự định đoạt của các đương sự, đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu của mình và có quyền rút một phần hoặc toàn bộ đơn khởi kiện. Nên khi xét xử các vụ việc Hội đồng xét xử dựa trên yêu cầu, đề nghị của đương sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái với pháp luật và đạo đức xã hội.
Bốn là: Thực tiễn xét xử cũng cho thấy, có nhiều vụ việc dân sự do tính chất phức tạp, có nhiều nội dung, yêu cầu, đề nghị, vụ việc có nhiều đương sự tham gia tố tụng… nên Kiểm tra viên được Viện trưởng phân công tham gia đề xuất quan điểm, tham gia phiên vì do mới được bổ nhiệm nên lúng túng trong đề xuất hướng giải quyết vụ việc với Viện trưởng. Vì vậy, họ thường liên hệ với Thẩm phán, Thư ký được phân công giải quyết vụ án để trao đổi trước về đường lối giải quyết vụ án, trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ có hồ sơ vụ việc mà không trên cơ sở diễn biến tranh tụng tại phiên tòa. Vì vậy, Kiểm sát viên đề xuất hướng giải quyết vụ việc với Viện trưởng: Chấp nhận toàn bộ hay một phần hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự… Điều đó, mang tính hình thức và chủ quan sẽ làm ảnh hưởng đến Hội đồng xét xử cân nhắc, đánh giá tính khách quan của vụ việc và ra phán quyết của Hội đồng xét xử, cũng như hậu quả pháp lý của việc Kiểm sát viên đề xuất đường lối giải quyết vụ việc không đúng với bản chất, nội dung vụ án.
Do đó, theo quan điểm của cá nhân tôi nên sửa đổi Điều 262 BLTTDS năm 2015 theo hướng giữ nguyên Điều 234 của BLTTDS năm 2004. Cụ thể: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án”. Bỏ cụm từ “và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án”. Được hiểu VKS cùng cấp không cần phát biểu quan điểm về đường lối giải quyết vụ án mà thay vào đó, chỉ phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và những người tham gia tố tụng: Các đương sự, Luật sư… trong quá trình giải quyết các vụ việc tại Tòa án. Trong trường hợp bản án sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm không đánh giá đúng tính khách quan về vụ việc và ra các bản án, quyết định thiếu tính chính xác, vi phạm nghiêm trọng các thủ tố tụng thì VKS cùng cấp hoặc cấp trên có quyền kiến nghị rút kinh nghiệm trong công tác xét xử hoặc kháng nghị một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm để yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử lại theo trình tự, thủ tục phúc thẩm.
Ngoài ra, tại Điều 262 BLTTDS năm 2015 còn quy định: “ Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án”. Vậy, ngay sau kết thúc phiên tòa thời gian bao lâu thì Kiểm sát viên gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án, trước hoặc sau khi Tòa án phát hành bản án, quyết định, đây cũng là vấn đề cần được hướng dẫn cụ thể hơn. Thực tiễn, xét xử do vụ án mang tính chất phức tạp có nhiều văn bản phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát cùng cấp gửi cho Tòa án cùng cấp còn chậm, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc ban hành các bản án, quyết định của Tòa án, đương sự kiến nghị, khiếu nại… làm ảnh hưởng đến công tác xét xử của Tòa án.
Tòa án tỉnh Hà Giang xét xử vụ án “Chia di sản thừa kế và yêu cầu trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” - Ảnh: Phương Anh
Bài liên quan
-
Một số vấn đề về thu thập, cung cấp chứng cứ của đương sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và đề xuất, kiến nghị
-
Một số đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết của Đảng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
3 Bình luận
Phong Vu
15:03 12/01.2025Trả lời
1 phản hồi
Trợ giúp viên pháp ly
15:03 12/01.2025Trả lời
Luật sư Phạm Văn Khang
15:03 12/01.2025Trả lời