.jpg)
Sửa chữa, bổ sung bản án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 - Thực tiễn áp dụng và một số bất cập, đề xuất hoàn thiện
Bài viết nghiên cứu quy định về sửa chữa, bổ sung bản án theo Điều 268 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đánh giá việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn, trình bày những bất cập và đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật.
Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp[1] và ra bản án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ Nghĩa Việt Nam[2]. Bản án có hiệu lực pháp luật có giá trị pháp lý bắt buộc đối với các chủ thể có liên quan. Do đó, việc Tòa án ban hành bản án cần phải hết sức thận trọng, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật cả về nội dung lẫn hình thức. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn khách quan, pháp luật tố tụng hình sự, dân sự và hành chính hiện hành có quy định trường hợp Tòa án được sửa chữa, bổ sung bản án[3]. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu quy định về sửa chữa, bổ sung bản án trong lĩnh vực dân sự. Từ đó, trình bày quan điểm về những bất cập khi áp dụng pháp luật vào thực tiễn, nêu lên giải pháp khắc phục, góp phần trong công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
1. Quy định của pháp luật
Việc sửa chữa, bổ sung bản án dân sự được quy định tại Điều 268 BLTTDS năm 2015 như sau:
“1. Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai.
2. Trường hợp cần sửa chữa, bổ sung bản án theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Thẩm phán phối hợp với các Hội thẩm nhân dân là thành viên Hội đồng xét xử đã tuyên bản án đó phải ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án và gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự nếu bản án đã được gửi cho cơ quan thi hành án dân sự.
Trường hợp Thẩm phán đã xét xử vụ án đó không còn đảm nhiệm chức vụ Thẩm phán tại Tòa án đã ra bản án đó thì Chánh án Tòa án thực hiện việc sửa chữa, bổ sung bản án”.
Theo quy định trên, có hai trường hợp được ban hành quyết định sửa chữa, bổ sung bản án:
Thứ nhất, khi phát hiện có lỗi rõ ràng về chính tả như: lỗi do viết không đúng từ ngữ, dấu, chữ viết hoa, viết thường, phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, bỏ sót không ghi tên đệm trọng họ, tên của đương sự,…
Thứ hai, lỗi về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai (kể cả án phí) như: cộng, trừ, nhân, chia sai,… mà phải sửa lại cho đúng[4].
Như vậy, về thẩm quyền sửa chữa, bổ sung bản án là Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân đã tuyên bản án hoặc Chánh án.
2. Bất cập trong việc áp dụng pháp luật
Trong thực tiễn, sau khi xét xử có nhiều bản án, quyết định dân sự sơ thẩm và phúc thẩm được sửa chữa, bổ sung theo quy định tại Điều 268 BLTTDS 2015. Qua quá trình nghiên cứu, tác giả nhận thấy một số bất cập trong việc áp dụng quy định tại Điều 268 như sau:
Thứ nhất, về văn bản tố tụng được quyền sửa chữa, bổ sung: Chỉ bao gồm bản án dân sự sơ thẩm bởi việc sửa chữa, bổ sung được thực hiện bởi Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. Theo Danh mục 93 biểu mẫu trong tố tụng dân sự (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/ 2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao), quyết định sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm được hướng dẫn tại mẫu số 53 và quyết định sửa chữa, bổ sung bản án phúc thẩm được hướng dẫn tại mẫu số 76. Cả hai quyết định đều căn cứ vào quy định tại Điều 268 BLTTDS 2015. Quy định này còn thiếu sót bởi kết quả giải quyết vụ việc dân sự được thể hiện dưới ba hình thức là bản án, quyết định công nhận sự thỏa thuận và quyết định đình chỉ. Cả ba văn bản tố tụng trên đều có hiệu lực thi hành theo quy định của pháp luật nhưng theo quy định tại Điều 268 thì hiểu là chỉ được sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm. Trong trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai trong quyết định đình chỉ, quyết định công nhận sự thỏa thuận thì Hội đồng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm có quyền căn cứ vào Điều 268 để sửa chữa, bổ sung quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và quyết định công nhận sự thỏa thuận hay không.
Tại Mục 19 Phần IV Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ đã hướng dẫn: “Điều 268 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định việc sửa chữa, bổ sung bản án mà không quy định sửa chữa, bổ sung các quyết định như: quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm. Tuy nhiên, Điều 486 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án; không phân biệt bản án hay quyết định; không phân biệt bản án, quyết định do Thẩm phán hay do Hội đồng xét xử ban hành. Do vậy, trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai thì Thẩm phán ký ban hành quyết định hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa/phiên họp ra quyết định sửa chữa, bổ sung quyết định”.
Tuy nhiên, giải đáp của Tòa án nhân dân tối cao không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên chỉ được xem là định hướng trong công tác xét xử, không có hiệu lực thi hành.
Mặt khác, việc sửa chữa, bổ sung bản án phúc thẩm căn cứ vào Điều 268 là không đúng. Bởi vì, Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán (trừ trường hợp xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn)[5] nhưng khoản 2 Điều 268 BLTTDS 2015 quy định: “Trường hợp cần sửa chữa, bổ sung bản án … thì Thẩm phán phối hợp với các Hội thẩm nhân dân là thành viên Hội đồng xét xử đã tuyên bản án đó phải ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án”. Như vậy, khi Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ Điều 268 về sửa chữa, bổ sung bản án thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có phối hợp với Thẩm phán thành viên Hội đồng xét xử hay không?
Xét về bản chất của việc sửa chữa, bổ sung bản án dân sự là nhằm khắc phục những sai sót do có lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai nên việc sửa chữa, bổ sung bản án không làm thay đổi bản chất vụ án. Do đó, chủ tọa phiên tòa không cần thiết phải phối hợp với Hội thẩm nhân dân hoặc Thẩm phán thành viên Hội đồng xét xử phúc thẩm để thực hiện việc sửa chữa, bổ sung bản án.
Thứ hai, về phạm vi sửa chữa, bổ sung bản án dân sự: Điều 268 đã quy định rõ phạm vi Tòa án được sửa chữa, bổ sung bản án là do “phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai” nhưng thực tiễn xét xử thời gian qua có nhiều trường hợp Tòa án ban hành quyết định sửa chữa, bổ sung bản án làm thay đổi bản chất vụ án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Nếu là bản án sơ thẩm thì đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo, Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị[6]. Thế nhưng nếu quyết sửa chữa, bổ sung bản án phúc thẩm thì quyết định sửa chữa bổ sung sẽ có hiệu lực theo hiệu lực của bản án phúc thẩm, tức là có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án[7]. Khi đó, vụ án chỉ có thể được giải quyết lại theo trình tự, thủ tục giám đốc thẩm, thời gian giải quyết vụ án lại kéo dài và có thể phát sinh nhiều vấn đề dẫn đến quan hệ tranh chấp càng thêm phức tạp.
Thứ ba, chưa quy định về thời hạn được sửa chữa, bổ sung bản án:
BLTTDS 2015 không quy định về thời hạn được sửa chữa, bổ sung bản án. Theo quan điểm tác giả, việc không quy định thời hạn được sửa chữa, bổ sung bản án là chưa phù hợp với thực tiễn. Tác giả xin dẫn chứng hai trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất: Ngày 13/9/2024, TAND thành phố C ban hành Bản án dân sự sơ thẩm số 312/2024/DS-ST giải quyết vụ án “Tranh chấp hợp đồng ủy quyền, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất” giữa ông Lê Cao T và bà Nguyễn Thị L cùng một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Đến ngày 07/10/2024 Tòa án nhân dân thành phố C ban hành quyết định sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm số 170/2024/QĐ-SCBSBA theo đó bổ sung nội dung sau: Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Nguyễn Thị L về việc buộc ông Lê Cao T di dời nhà, giao trả cho bà phần đất diện tích 3.600m2.
Theo quy định tại Điều 268 BLTTD 2015 thì việc TAND thành phố C ban hành quyết định sửa chữa, bổ sung bản án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm thay đổi bản chất vụ án nhưng các đương sự có mặt tại phiên tòa đã mất quyền kháng cáo do đã qua thời hạn 15 ngày. Vụ án chỉ có thể được xét xử phúc thẩm khi Viện kiểm sát tỉnh kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hoặc thực hiện thông qua thủ tục giám đốc thẩm.
Trường hợp thứ hai: Ngày 22/7/2024, TAND thành phố C giải quyết vụ án “Tranh chấp hợp đồng thi công” giữa ông Nguyễn Trí N với ông Nguyễn Sơn C tại Bản án dân sự sơ thẩm số 187/2024/DS-ST. Ngày 08/10/2024, TAND tỉnh C thụ lý vụ án phúc thẩm do có kháng cáo của ông Nguyễn Sơn C. Đến ngày 11/11/2024, TAND thành phố C ban hành quyết định sửa chữa, bổ sung Bản án số 195/2024/QĐ-SCBSBA do có nhầm lẫn. Trong trường hợp này, vụ án đã được TAND tỉnh C thụ lý và đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. TAND thành phố C có được ban hành quyết định sửa chữa, bổ sung bản án trong giai đoạn này hay không.
Theo quan điểm tác giả, BLTTDS cần quy định thời hạn sửa chữa, bổ sung bản án là kể từ khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Bởi vì, trong trường hợp bản án, quyết định có lỗi về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai (kể cả án phí) nhưng đương sự đã có kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị về nội dung này thì Tòa án không được quyền sửa chữa, bổ sung bản án mà cần được Tòa án cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ án theo quy định.
3. Đề xuất hoàn thiện pháp luật
Từ những bất cập đã phân tích nêu trên, tác giả kiến nghị sửa chữa, bổ sung Điều 268 BLTTDS 2015 cho phù hợp với thực tiễn khách quan, cụ thể:
Điều 268. Sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định dân sự của Tòa án
“1. Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai.
2. Trường hợp cần sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra bản án, quyết định có trách nhiệm sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp Thẩm phán đã xét xử vụ án đó không còn đảm nhiệm chức vụ Thẩm phán tại Tòa án đã ra bản án đó thì Chánh án Tòa án thực hiện việc sửa chữa, bổ sung bản án.
3. Thời hạn sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định kể từ khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật”.
Tài liệu tham khảo
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
3. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
4. Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
5. Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/02/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự.
6. Bản án dân sự sơ thẩm số 312/2024/DS-ST ngày 13/9/2024 của TAND thành phố C.
7. Bản án dân sự sơ thẩm số 187/2024/DS-ST ngày 22/7/2024 của TAND thành phố C.
8. Quyết định sửa chữa, bổ sung Bản án dân sự sơ thẩm số 170/2024/QĐ-SCBSBA ngày 07/10/2024 của TAND thành phố C.
9. Quyết định sửa chữa, bổ sung Bản án dân sự sơ thẩm số 195/2024/QĐ-SCBSBA ngày 11/11/2024 của TAND thành phố C.
[1] Khoản 1 Điều 102 Hiến Pháp 2013.
[2] Điều 266 BLTTDS 2015.
[3] Điều 261 BLTTHS 2015; Điều 268 BLTTDS 2015 và Điều 197 Luật Tố tụng hành chính 2015.
[4] Khoản 1 Điều 38 Nghị quyết số: 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/02/2012.
[5] Điều 64 BLTDS 2015.
[6] Điều 271 và 278 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[7] Khoản 6 Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
TAND huyện Kbang, tỉnh Gia Lai tổ chức phiên tòa xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp về quyền sử dụng đất” - Ảnh: Ngọc Thảo.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chức năng của Tòa án và một số nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
Trao đổi thêm về giá trị của Bộ luật Gia Long
-
TANDCC tại Hà Nội quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3
-
Khởi tố Phó Chủ tịch và Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Kiến Xương, Thái Bình
Bình luận