Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự

Trong phạm vi bài viết này tác giả tập trung trao đổi về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự theo quy định tại Điều 262 Bộ luật TTDS năm 2015.

Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm là một thủ tục bắt buộc. Trước đây, theo quy định tại Điều 234 BLTTDS năm 2004 quy định: “Trong trường hợp Kiểm sát viên tham gia phiên tòa thì sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, chủ toạ phiên toà đề nghị Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án”.

Theo đó, Kiểm sát viên phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã được xem xét, kiểm tra tại phiên tòa và diễn biến phiên tòa để phát biểu ý kiến. Ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên phải phân tích nội dung vụ án, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện các chứng cứ của vụ án, đối chiếu với các quy định pháp luật có liên quan để đề xuất hướng giải quyết vụ án (chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự…); đồng thời phát biểu việc chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia vào quá trình giải quyết vụ án. Ý kiến phát biểu của KSV tại phiên tòa là một trong các căn cứ để Hội đồng xét xử thảo luận, xem xét giải quyết vụ án khi nghị án.

Từ ngày 01/01/2012, BLTTDS (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, so với BLTTDS năm 2004, một điểm sửa đổi quan trọng trong quy định của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2011 là có sự phân biệt nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm, Viện kiểm sát không phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án như trước đây nữa mà thay vào đó, chỉ phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết tranh chấp. Cụ thể, theo quy định của Điều 234 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung quy định: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án”.

Ngoài ra, quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01/8/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự quy định về Phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên hợp sơ thẩm như sau:

“1. Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự, sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về các nội dung sau:

a) Phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án;

Trong trường hợp Kiểm sát viên yêu cầu Hội đồng xét xử khắc phục các vi phạm về thủ tục tố tụng, thì Hội đồng xét xử phải xem xét, quyết định và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận; trường hợp không chấp nhận, thì phải nêu rõ lý do. Quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của Kiểm sát viên được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng xử án và phải được ghi vào biên bản phiên toà.

b) Phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án, không phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án.

2. Tại phiên họp sơ thẩm giải quyết việc dân sự, sau khi những người tham gia tố tụng trình bày, giải thích, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết việc dân sự theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 314 BLTTDS”.

Vậy, tại sao Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự chỉ phát biểu quan điểm về việc chấp hành pháp luật tố tụng mà không phát biểu quan điểm về đường lối giải quyết vụ án?

Khá nhiều ý kiến cho rằng việc giải quyết các tranh chấp dân sự phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự quyết và quyền tự định đoạt của các đương sự, đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu của mình; việc xét xử của Tòa án dựa trên những chứng cứ do đương cung cấp cũng như chứng cứ do Tòa án thu thập theo yêu cầu của đương sự để đưa ra những quyết định phù hợp với quy định của pháp luật. Với vai trò giám sát, Viện kiểm sát chỉ phát biểu về những hành vi tố tụng đã thực hiện trước và trong phiên tòa để xem xét, phát hiện những vi phạm (nếu có). Vấn đề nội dung chưa được Tòa án quyết định nên chức năng giám sát của Viện kiểm sát cần được thực hiện sau khi có bản án, khi phát hiện đường lối giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm không đúng thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm mới phù hợp với quy định chung của pháp luật.

Thực tiễn cho thấy quy định trên đã thu hẹp phạm vi kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 thì việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng khi tham gia vào quan hệ pháp luật có tranh chấp cũng là đối tượng kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân. Tại Khoản 4, Điều 27, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân: “Tham gia phiên tòa, phiên họp, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật”. Do đó, để bảo đảm sự thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013 và quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân; đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập của quy định tại Điều 234 của Bộ luật TTDS hiện hành, Điều 262 Bộ luật TTDS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm: Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án”.

Tác giả cho rằng, quy định tại Điều 262 Bộ luật TTDS năm 2015 xuất phát từ bản chất của chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát đối với hoạt động xét xử của Tòa án và căn cứ vào tổng thể các quy định của BLTTDS. Theo quy định của BLTTDS, thì Kiểm sát viên tham gia phiên toà với tư cách là người tiến hành tố tụng, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân là kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng, nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật. Hoạt động của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên là nhằm bảo đảm cho pháp luật được phấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, kể cả pháp luật về hình thức và pháp luật về nội dung. Với địa vị pháp lý và nhiệm vụ của mình tại phiên toà, Kiểm sát viên không chỉ phát biểu ý kiến về sự tuân thủ pháp luật TTDS của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng trong quá trình tố tụng giải quyết vụ án dân sự mà còn phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, việc áp dụng pháp luật nội dung đối với vụ án đó. Điều 58 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Kiểm sát viên, thì khi được phân công, Kiểm sát viên có nhiệm vụ, quyền hạn…tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, phiên họp giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ việc dân sự.

Do vậy, việc Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án không hề trái với nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự (mà nhiều người thường gọi là “Việc dân sự cốt ở đôi bên”), vì: Các tranh chấp dân sự trong đời sống xã hội rất đa dạng và phong phú, có nhiều tranh chấp dân sự các bên tranh chấp tự giải quyết được với nhau thông qua thương lượng, thoả thuận và hình thức giải quyết tranh chấp như vậy được Nhà nước ta khuyến khích; nhưng cũng có những tranh chấp dân sự mà các bên tranh chấp không tự giải quyết được vì những lý do khác nhau. Khi các bên không tự giải quyết được tranh chấp thì mới yêu cầu Toà án giải quyết và nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của các đương sự là một trong những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình tố tụng giải quyết vụ án dân sự.

Theo nguyên tắc này, trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái với pháp luật và đạo đức xã hội. Khi các đương sự tự thoả thuận được với nhau về giải quyết vụ án thì những người tiến hành tố tụng phải có nghĩa vụ tôn trong sự thoả thuận đó và nếu tại phiên toà, các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án một cách tự nguyện, không trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội thì Kiểm sát viên phải đề nghị Hội đồng xét xử công nhận sự thoả thuận đó. Nhưng nếu các bên đương sự không tự thoả thuận được với nhau về giải quyết vụ án, thì rõ ràng phải có hoạt động áp dụng pháp luật nội dung để bảo vệ quyền, lợi ích của đương sự và các bên đương sự trông chờ vào sự phán quyết đúng đắn của Toà án. Do đó, phát biểu của Kiểm sát viên về giải quyết vụ án sẽ giúp cho Hội đồng xét xử có thêm cơ sở nghiên cứu, cân nhắc, đánh giá khách quan hơn về vụ án để ra phán quyết chính xác. Kể cả trong trường hợp, nếu sự thoả thuận của các đương sự trái pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội thì Kiểm sát viên phát biểu ý kiến nhằm đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận sự thoả thuận đó./.

Theo kiemsat.vn

 Tòa án  tỉnh Hà Giang tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Ảnh: Phương Thảo

LÊ THỊ HỒNG HẠNH ( P9, VKSND TP Hà Nội)