Phiên tòa giả định - hình thức tuyên truyền pháp luật mới, hiệu quả với thanh thiếu niên

Hưởng ứng ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam (9/11), Tòa án nhân dân các cấp đã phối hợp cùng các cơ quan đơn vị, trường học tổ chức Phiên tòa giả định. Đây được xem là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả giúp các em học sinh cùng những người tham dự nhận thức rõ hành vi sai phạm ảnh hưởng đến xã hội, góp phần nâng cao ý thức pháp luật.

“Phiên tòa giả định” được thực hiện với diễn biến, quá trình xét xử như một cuộc xét xử tại Tòa án, bao gồm đủ các thành phần Hội đồng xét xử tái hiện như một phiên tòa thật. Những vụ án được chọn để mô phỏng cho Phiên tòa giả định thường là những vụ án điểm, có tính thời sự và gắn liền với yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm đang diễn biến phức tạp trong đời sống xã hội. Sau khi thực hiện phiên tòa, sẽ có thời gian dành cho các bạn học sinh, sinh viên, ngườ tam dự phiên toà có thể trao đổi một số nội dung pháp luật mà phiên tòa giả định đã đề cập hoặc thông tin về tình hình tội phạm có liên quan trong vụ án để gửi thông điệp pháp luật. Cụ thể:

Ngày 6-11, Tòa án nhân dân TP Thủ Đức phối hợp Trường THPT Bình Chiểu tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ án "cố ý gây thương tích", tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường cho hơn 1.900 học sinh.

Phiên tòa giả định với chủ đề phòng chống bạo lực học đường tại Trường THPT Bình Chiểu - Ảnh: ĐAN THUẦN

Phiên tòa giả định xây dựng kịch bản về trường hợp hai nam sinh mâu thuẫn do va chạm trong lúc gửi xe đạp. Sau đó, một trong hai học sinh kể lại chuyện này cho anh ruột. Cho rằng em trai bị ức hiếp, người anh mang dao đến trường chém bạn của em gây thương tích 4%.

Theo bà Hà Thị Phương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bình Chiểu, dù là phiên tòa giả định nhưng được thực hiện sát với thực tế, qua đó giúp các em học sinh hiểu thêm về diễn biến tại một phiên tòa cũng như quy định của pháp luật liên quan đến hành vi, cách cư xử giữa bạn bè với nhau. 

Cùng thời điểm, tại Trường THPT Năng khiếu TDTT huyện Bình Chánh, Tòa án nhân dân huyện cũng tổ chức phiên tòa giả định chủ đề "bạo lực học đường" với sự tham gia của 1.400 học sinh.

Nội dung phiên tòa giả định dựa trên vụ án có thật được học sinh tái hiện lại qua tiểu phẩm ngắn. Theo đó, từ mâu thuẫn trên mạng xã hội, hai học sinh đánh nhau, thậm chí "huy động" thêm nhiều người khác, chuẩn bị hung khí và hẹn ra giải quyết. Hậu quả khiến một người trong nhóm bị chém gây thương tích và một người bị phạt 1 năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Sau phiên tòa giả định, ban tổ chức đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các em học sinh thông qua các câu hỏi tương tác trực tiếp. Ngoài việc giải đáp thắc mắc về các nội dung liên quan đến pháp luật, ban tổ chức cũng dành nhiều thời gian trao đổi với các em học sinh có hứng thú, muốn tìm hiểu về ngành luật để có thể trở thành luật sư, thẩm phán… sau khi được theo dõi phiên tòa.

Cùng ngày, Tòa án nhân dân TP Thủ Đức phối hợp Trường THPT Nguyễn Văn Tăng tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ án "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Phiên tòa giả định nhằm bổ sung kiến thức pháp luật, giúp học sinh nâng cao nhận thức trong việc sử dụng và tiếp cận môi trường mạng xã hội có chọn lọc.

Phiên tòa giả định tái hiện sinh động trình tự tố tụng (ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Ngày 7/11, Đoàn khối Các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh tổ chức chương trình “Phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông năm 2023” cho hơn 300 ĐVTN Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh.

Tình huống giả định đặt ra: Tòa án nhân dân thành phố Thiên Bình, tỉnh Hà Trung mở phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai vụ án Trần Đình Trung “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". 

Phiên tòa giả định đã tái hiện sinh động trình tự tố tụng một phiên tòa; nêu bật được nội dung cần tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông; có sự tham gia, tư vấn của các cơ quan chuyên môn. Tại chương trình, các bạn học sinh, đoàn viên thanh niên cũng đã được xem phóng sự tuyên truyền về an toàn giao thông; Chi đoàn Tòa án nhân dân tỉnh trao tặng 50 mũ bảo hiểm xe máy đạt chuẩn cho các bạn học sinh. Chương trình là dịp để các bạn trẻ rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân, từ đó nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, góp phần đảm bảo ATGT.

Tại Lạng Sơn, sáng 6/11, các cơ quan tư pháp trên địa bàn huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Trường THPT Lộc Bình để tổ chức chương trình phiên tòa giả định tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên, học sinh năm 2023 tại trường THPT Lộc Bình.

Phiên tòa giả định có trên 1.300 học sinh tham dự xét xử giả định vụ án hình sự "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy". Đại diện lãnh đạo huyện Lộc Bình cho biết, bên cạnh việc phổ biến kiến thức pháp luật về phòng chống ma túy đến với các em học sinh, thì việc lồng ghép chương trình trong phiên tòa giả định còn giúp các em học sinh được tham gia phần hỏi - đáp tìm hiểu kiến thức pháp luật liên quan đến phòng, chống ma túy và phòng, chống tệ nạn xã hội khác.

Tương tự, tại tỉnh Bình Thuận, Phòng Tư pháp huyện Hàm Thuận Bắc vừa phối hợp với Huyện đoàn tổ chức phiên tòa giả định tại Trường THCS Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc.

Những phiên tòa giả định giúp học sinh có thêm kiến thức về pháp luật

Tại đây, phiên tòa giả định thu hút hơn 300 đoàn viên, học sinh Trường THCS Ma Lâm. Đây là mô hình tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả đã được huyện Hàm Thuận Bắc triển khai trong những năm qua, góp phần nâng cao kiến thức về pháp luật cho đoàn viên, học sinh.

Phiên tòa giả định có sự tham gia của “Hội đồng xét xử” là người hoạt động trong các cơ quan tố tụng của huyện khiến cho phiên tòa giả định y như thật, thu hút sự chú ý của các em học sinh. Qua đó giúp các em hiểu hơn về mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy là vi phạm pháp luật, cũng như các quy định pháp luật về phòng, chống ma túy khi ban tổ chức đặt câu hỏi đố vui có thưởng có liên quan nội dung xét xử tại phiên tòa.

Tại Tiền Giang, Ban Thường vụ Huyện Đoàn Gò Công Đông vừa phối hợp cùng Ban Liên lạc Hội đồng hương sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM, Hội đồng hương sinh viên Tiền Giang tại TPHCM tổ chức chương trình "Phiên tòa giả định" nhằm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh. Chương trình thu hút hơn 150 đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn huyện tham dự.

Có thể nói, những phiên tòa giả định mang tính trực quan như trên không chỉ phản ánh những hành vi phạm tội, các quy định pháp luật nghiêm cấm và mức án được áp dụng, mà còn giúp học sinh hiểu rõ hơn hoạt động của những người cầm cân nẩy mực, giúp người xem biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật và tính "hướng thiện" trong chính sách hình sự của nước ta đối với những người đã phạm tội thông qua mức án được tuyên xử.

Đồng thời, thông qua những phiên tòa giả định cũng giúp các em có nhận thức tự rèn luyện bản thân, trau dồi khả năng tranh tụng trước khi bước vào một phiên tòa công lý thực sự; đồng thời có cơ hội giao lưu với các đoàn viên các chi đoàn các trường học khác để học hỏi kinh nghiệm trong công tác tổ chức phiên tòa.

CẢNH DINH tổng hợp