Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng tiếp Đoàn Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu

Sáng 5/4, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng đã có buổi làm việc với Đoàn Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu do ông Udo Bullmann, Chủ tịch Tiểu ban làm trưởng đoàn.

Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng bày tỏ vui mừng chào đón các đại biểu Đoàn Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu và nêu rõ Việt Nam luôn coi trọng gìn giữ, vun đắp, xây dựng mối quan hệ với châu Âu nói chung, với Nghị viện châu Âu nói riêng, đồng thời bày tỏ hy vọng chuyến thăm, làm việc này của Đoàn sẽ đạt được các mục tiêu đề ra, thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên.

 

Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng làm việc với Đoàn Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu 

Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện châu Âu Udo Bullmann khẳng định EU coi Việt Nam là đối tác hợp tác ưu tiên hàng đầu và quan trọng, đánh giá cao những thành tựu phát triển mà Việt Nam cũng như vai trò, vị thế của Việt Nam tại các tổ chức, diễn đàn đa phương. Trên nền tảng mối quan hệ tốt đẹp như vậy là cơ sở để hai bên chia sẻ về tình hình nhân quyền của hai bên. Đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ, chia sẻ thắng thắn với Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người.

Ông Udo Bullmann cho biết một trong những vấn đề được các thành viên trong đoàn rất quan tâm đó là tính phổ quát của quyền con người tại Việt Nam; cách hiểu của Việt Nam về quyền con người, về vấn đề án tử hình quy định trong BLHS của Việt Nam.

Các thành viên trong Đoàn Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu đặt các câu hỏi

Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng cho biết khi đề cập đến vấn đề nhân quyền là một lĩnh vực rất rộng liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Theo quy định của pháp luật của Việt Nam, Toà án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, với nhiệm vụ chính là xét xử, thông qua việc xét xử bảo đảm pháp luật được thực thi.

Về lĩnh vực quyền con người, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng khẳng định luôn tôn trọng và bảo vệ quyền con người là chủ trương nhất quán của Việt Nam. Việt Nam không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng, an sinh xã hội.

Về quyền tự do ngôn luận, có thể khẳng định rằng ở Việt Nam, quyền tự do ngôn luận của công dân được nhà nước quy định và bảo vệ. Tuy nhiên các hành vi lợi dụng tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý.

 

Hai bên chụp ảnh lưu niệm

Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng cho biết theo quy định mọi cá nhân tổ chức hoạt động theo hiến pháp và pháp luật. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước, đề ra các chủ chương, chính sách, Toà án hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Để đảm bảo tính độc lập, vừa qua Việt Nam đã ban hành pháp lệnh xử lý các hành vi can thiệp trái phép vào hoạt động tố tụng.

Việt Nam với vai trò là thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, cam kết mạnh mẽ với chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Mong muốn đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả hơn vào nỗ lực chung thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

VŨ PHONG