Phối hợp giữa các cơ quan tư pháp giải quyết vụ án kinh tế, tham nhũng
Trong thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng của thành phố Hà Nội luôn nhận thức rõ để đấu tranh, phát hiện, xử lý có hiệu quả tội phạm về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong tất cả các giai đoạn tố tụng từ khi tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm đến điều tra, truy tố, xét xử.
Sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có vai trò rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp đã nhấn mạnh: “Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong hoạt động tố tụng trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của từng cơ quan, không hữu khuynh hoặc đùn đẩy trách nhiệm”. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các Thông tư liên tịch của liên ngành tư pháp trung ương, ba ngành tư pháp thành phố Hà Nội đã ban hành các quy chế phối hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp trong quá trình điều tra, giải quyết các vụ án hình sự như Quy chế liên ngành 01/QC-LNTP ngày 21/4/2017 giữa Viện kiểm sát – Công an – Tòa án – Thanh tra – Sở xây dựng – Sở Tài nguyên và môi trường – Cục hải quan – Cục thuế – Chi cục quản lý thị trường – Chi cục kiểm lâm thành phố Hà Nội trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nhờ thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và các quy chế đã ký kết, trong thời gian qua công tác phối hợp giữa các ngành tư pháp thành phố trong việc giải quyết các vụ án về kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần không nhỏ trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn Thủ đô.
Một số giải pháp cụ thể đã được triển khai
Đối với những vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm do các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp thành phố phát hiện, xử lý
Trước khi ra quyết định khởi tố vụ án, Cơ quan điều tra đã chủ động chủ trì cùng Viện kiểm sát, Tòa án phối hợp thảo luận thống nhất, đánh giá đúng mức độ, hành vi phạm tội. Quá trình điều tra, Điều tra viên và Kiểm sát viên thường xuyên trao đổi, đánh giá các tài liệu, chứng cứ mà Cơ quan điều tra đã thu thập được, bàn biện pháp, kế hoạch điều tra cụ thể. Viện kiểm sát chủ động đề ra các yêu cầu điều tra, bám sát tiến độ điều tra vụ án để cùng Cơ quan điều tra tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết.
Khi có căn cứ để kết thúc điều tra vụ án, 10 ngày trước khi Cơ quan điều tra ban hành kết luận điều tra, Điều tra viên đã chủ động cùng Kiểm sát viên thảo luận, đánh giá các tài liệu, chứng cứ thu thập được một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ về các vấn đề phải giải quyết và việc áp dụng các quy định pháp luật để xử lý vụ án.
Nhiều vụ án có khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án đã tổ chức các cuộc họp liên ngành để thống nhất quan điểm chỉ đạo, giải quyết. Sau khi nhận hồ sơ vụ án do Cơ quan điều tra chuyển đến đề nghị truy tố, Kiểm sát viên được phân công đã chủ động kiểm tra ngay tính hợp pháp, tính có căn cứ của các quyết định, trình tự, thủ tục tố tụng. Với các tài liệu, chứng cứ của vụ án, Viện kiểm sát tổng hợp, đánh giá một cách khách quan, toàn diện hồ sơ vụ án, đối chiếu với kết luận điều tra; trường hợp thấy có mâu thuẫn hoặc đánh giá chưa đầy đủ về áp dụng pháp luật, Kiểm sát viên đã kịp thời trao đổi, phối hợp với Điều tra viên khắc phục, bổ sung để hạn chế thấp nhất việc phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Trong giai đoạn xét xử vụ án, Thẩm phán được phân công là Chủ tọa phiên tòa đã chủ động, kịp thời nghiên cứu hồ sơ. Trường hợp có căn cứ xác định tính chất vụ án, đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật khác với quyết định truy tố của Viện kiểm sát, Thẩm phán đã chủ động báo cáo đề xuất với lãnh đạo Tòa án trao đổi, thống nhất quan điểm giải quyết với Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra. Vì thế nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp trong thời gian qua đã được ba ngành tố tụng thành phố Hà Nội giải quyết dứt điểm, đúng quy định của pháp luật.
Đối với những vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm do VKSNDTC phân công VKSND thành phố Hà Nội thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử và TAND thành phố Hà Nội xét xử
VKSND thành phố Hà Nội và Tòa án thành phố Hà Nội đã phối hợp thụ lý, giải quyết nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm do VKSND tối cao phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm. Một số vụ án điển hình như vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm phạm tội Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC; vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vụ án Phan Minh Nguyệt và đồng phạm phạm tội Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Hadico.v.v… Các vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp nêu trên đã được đưa ra xét xử, tuyên các hình phạt phù hợp với tính chất, mức độ hành vi sai phạm của các bị cáo và được dư luận đồng tình, ủng hộ.
Các vụ án nêu trên đều là những vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, với số lượng bị can, bị hại lớn, hành vi phạm tội của các bị can hết sức tinh vi và chiếm đoạt số tài sản đặc biệt lớn của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, ngay sau khi VKSNDTC có công văn yêu cầu VKSND thành phố Hà Nội cử Kiểm sát viên tham gia phối hợp nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên của VKSND thành phố đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với Kiểm sát viên thuộc VKSNDTC để trao đổi, nắm bắt nội dung, tiến độ điều tra vụ án của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an, đề xuất quan điểm đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật; Kiểm sát viên cùng với Lãnh đạo VKSND thành phố tham gia đầy đủ các cuộc họp bàn thống nhất giải quyết vụ án với VKSNDTC và Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Kiểm sát viên phối hợp chặt chẽ với Thẩm phán được phân công, quá trình nghiên cứu nếu tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ hoặc có quan điểm đánh giá khác (chưa đến mức phải trả hồ sơ điều tra bổ sung) VKSND thành phố Hà Nội đã báo cáo lãnh đạo liên ngành, đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với VKSNDTC, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an cùng khắc phục.
Quá trình xét xử, lãnh đạo VKSND thành phố phối hợp với lãnh đạo TAND thành phố dự kiến các tình huống có thể phát sinh, cách xử lý tình huống; cùng tham gia theo dõi phiên tòa để phối hợp chỉ đạo việc xét hỏi, tranh luận, điều hành phiên tòa. Ba ngành tư pháp thành phố còn phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo vệ phiên tòa, bảo đảm an toàn cho các bị cáo, bị hại, người làm chứng. Vì vậy, các phiên tòa xét xử một số vụ án có tính chất nghiêm trọng đều diễn ra an toàn, trật tự, thể hiện sự phối hợp hiệu quả và chặt chẽ giữa các ngành tư pháp thành phố và với các ngành tư pháp trung ương.
Ngoài công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng nêu trên, VKSND và Công an thành phố Hà Nội còn thực hiện nghiêm túc việc thực hiện Quy chế liên ngành số 01/QC-LNTP ngày 21/4/2017 trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn thành phố Hà Nội để tăng cường công tác phát hiện và xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm. Ba ngành tư pháp thành phố thực hiện báo cáo cấp ủy đối với các vụ án phức tạp, nghiêm trọng, nhất là các vụ án tham nhũng, chức vụ do địa phương quan tâm, chỉ đạo; báo cáo kịp thời tiến độ giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng do Ban thường vụ Thành ủy, Ban Nội chính Trung ương, Ban Nội chính Thành ủy theo dõi, chỉ đạo. Theo đó, định kỳ vào ngày 20 hàng tháng, ba ngành Công an – Viện kiểm sát – Tòa án đều có báo cáo cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu có liên quan đến tiến độ, kết quả, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế đến Ban Nội chính Thành ủy. Đồng thời VKSND thành phố Hà Nội cũng thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của Thường trực Thành ủy và Ban Nội chính Thành ủy, nhằm giải quyết các vụ án được nhanh chóng, kịp thời, tránh để kéo dài, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Những tồn tại cần khắc phục
Tuy công tác phối hợp giữa ba ngành Công an – Viện kiểm sát – Tòa án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song trong công tác giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như sau:
– Một là, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp còn gặp nhiều hạn chế; thời hạn giải quyết một số tố giác, tin báo về tội phạm kinh tế, tham nhũng còn kéo dài. Một số vụ việc do thời gian xảy ra đã lâu, thiếu các tài liệu đánh giá chứng cứ, việc phối hợp thu giữ các tài liệu còn gặp khó khăn.
– Hai là, tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đối với các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vẫn còn cao. Nguyên nhân chủ yếu là do khối lượng hồ sơ rất lớn, việc thu thập tài liệu, chứng cứ kéo dài, lĩnh vực kinh tế có rất nhiều văn bản điều chỉnh; dẫn đến nhiều vụ án, vụ việc thời gian giải quyết kéo dài; quan điểm đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, diện đối tượng xử lý còn nhiều ý kiến khác nhau dẫn đến phải trả điều tra bổ sung để củng cố, làm rõ.
– Ba là, một số quy định của pháp luật liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế còn chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn kịp thời và đồng bộ nên các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có lúc chưa áp dụng pháp luật một cách thống nhất, đặc biệt là quy định về yếu tố xác định hành vi “chiếm đoạt” và “vụ lợi” trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
– Bốn là, việc cung cấp tài liệu, chứng cứ và giám định, định giá tài sản của các cơ quan quản lý chuyên ngành kéo dài, chưa đảm bảo được tiến độ giải quyết các vụ án.
Trong thời gian tới, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong việc giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp sau:
– Một là, tăng cường phối kết hợp giữa ba ngành tố tụng, giữa cấp trên và cấp dưới để nhanh chóng giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hạn chế việc thiếu nhất quán về quan điểm giữa cấp trên và cấp dưới và giữa các ngành tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án nghiêm trọng, phức tạp.
– Hai là, tiếp tục thực hiện việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để nắm và quản lý ngay từ giai đoạn Cơ quan điều tra tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; đặc biệt là với cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước để nắm chắc nội dung các vụ việc ngay từ khi các cơ quan này ban hành văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra.
– Ba là, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị và Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán; chủ động phân công người tiến hành tố tụng có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn tốt trực tiếp giải quyết vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp. Kiểm sát viên cần chú ý tăng cường kiểm sát điều tra chặt chẽ ngay từ đầu để đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử nhanh chóng, tội phạm được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
– Bốn là, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án tự chủ động sơ kết đánh giá kết quả công tác phối hợp qua từng vụ án, đẩy mạnh các cấp độ phối hợp. Viện kiểm sát và Tòa án chủ động phối hợp nâng cao chất lượng tranh tụng ở các phiên tòa; tăng cường trao đổi thông tin để hạn chế thấp nhất việc phải trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận