Phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học là nhiệm vụ cấp thiết

Nhận rõ được mối nguy hại của ma túy đang ngày càng gia tăng trong độ tuổi thanh thiếu niên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học vào sáng ngày 22/6.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của 63 điểm cầu Bộ Giáo dục & Đào tạo và 63 Sở Giáo dục & Đào tạo. Tại điểm cầu Hà Nội có sự góp gặp của các đại biểu các Bộ, ngành thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm (Ủy ban Quốc gia) gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Thông tin và Truyền thông...

Những con số đáng buồn về tệ nạn ma túy

Những năm gần đây, tình hình tội phạm về ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng khó kiểm soát hơn.

Tính trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam có thêm khoảng 10 vạn người nghiện ma tuý. Điều đáng lưu ý, trong số đó, có khoảng 70% số người nghiện dưới 30 tuổi; 5% người sử dụng ma túy ở tuổi chưa thành niên (dưới 18 tuổi), riêng trẻ em dưới 16 tuổi chiếm đến 50%. Thực trạng trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ ma túy xâm nhập học đường.

Những con số đó cho ta thấy học sinh, sinh viên là những mục tiêu mà các đối tượng nghiện ma túy thường nhắm đến. Học sinh, sinh viên nếu không có kiến thức và hiểu biết nhất định về ma túy sẽ rất dễ bị các đối tượng lợi dụng.

Điều đáng nói là theo thống kê, có rất ít các bạn học sinh, sinh viên hiểu biết hoặc biết rất ít về mối nguy hại của ma túy. Theo Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) cho biết, kết quả khảo sát trên 1.100 học sinh các trường phổ thông ở 5 quận của Tp Hà Nội và một số địa phương khác cho thấy, chỉ có 4,5% số học sinh nói rằng mình hiểu biết về khái niệm và các chất ma túy, trong khi đó có tới 42,2 % tự đánh giá mình không hiểu về nội dung này; 44% các em không hiểu biết gì về dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và gần 40% chưa biết đến kỹ năng cần thiết phòng tránh ma túy.

Hội nghị đề ra những nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học

Để thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về việc tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy và Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia (Ban hành kèm công văn 1477/KGVX-VPCP ngày 09/03/2021), Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ về phòng chống ma túy, phòng chống AIDS, mại dâm, tệ nạn xã hội.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai các nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học và hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021, các đại biểu  đã cùng nhau thảo luận, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, lấy phòng là chính, hướng về cơ sở, dựa vào cộng đồng; đẩy mạnh công tác quản lý các dịch vụ kinh doanh dễ bị lợi dụng để sử dụng trái phép ma túy, văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy, lợi dụng du lịch để tổ chức hoạt động mại dâm; kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, thuốc gây nghiện trong xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh...

Phát biểu trong cuộc tham luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở giáo dục & Đào tạo TP Hà Nội chia sẻ về giải pháp phòng chống ma túy năm 2021 tại các trường học trên địa bàn Thành phố Hà Nội: “Sở GDĐT đề xuất một số giải pháp về công tác phòng, chống ma túy tại các trường học trên địa bàn Thành phố như: Nhà trường cần phải chủ động củng cố và kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống ma túy; thực hiện tuyên truyền giáo dục phòng ngừa ma túy thông qua các chương trình ngoại khóa; thường xuyên tổ chức xét nghiệm, khảo sát, đánh giá nhận thứ sức khỏe của học sinh, nhà trường, thầy cô phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương”.

Để công cuộc phòng chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm trong trường học được hiệu quả thì gia đình, xã hội và nhà trường cần phối hợp hỗ trợ lẫn nhau. Tại hội nghị trực tuyến, đại diện Sở giáo dục và Đào tạo Nghệ An trao đổi một số giải pháp thực hiện công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong công tác phòng chống ma túy trong thời  gian tới.

Tiếp theo buổi hội nghị là chia sẻ của những học sinh, sinh viên chia sẻ về thực trạng và giải pháp triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống ma túy tại trường học. Em Lê Thúy Hiền ( Học sinh lớp 11M2, trường THPT Marie Curie, Hà Nội) chia sẻ: “Nhưng kiến thức chúng em cần học quan trọng không chỉ là kiến thức phổ thông; mà những kiến thức về kĩ năng mềm hay là kĩ năng sinh tồn cũng rất quan trọng. Khi em biết bộ tài liệu “Kĩ năng phòng chống ma túy” do Viện PSD biên soạn được BGDDT thẩm định và phát triển nhằm giúp cho học sinh, thế hệ trẻ hiểu thêm về ma túy, đọc xong em cảm thấy đây là một cuốn sách rất hay, ý nghĩa và vô cùng cần thiết”.

Kết thúc hội nghị, bà Ngô Thị Minh- Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo  thay mặt lãnh đạo, Hội đồng khoa học, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD đã phát biểu và nhận định được tình hình tệ nạn ma túy hiện nay đang diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng ở giới trẻ. Bà Ngô Thị Minh chia sẻ :“Trong kế hoạch hoạt động của mình, Viện PSD đang tiếp tục phối hợp nghiên cứu các vấn đề về phòng ngừa ma túy để đề xuất nhiều biện pháp phòng ngừa ngày càng đa dạng và chất lượng. Với nhiệm vụ và mục tiêu duy nhất là đồng lòng, làm hết sức mình cùng xã hội phòng, chống ma túy, Viện PSD sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động phòng ngừa ma túy một cách hiệu quả nhất.”

Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng đề nghị các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông quan tâm ủng hộ và đồng hành trong suốt quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021, cũng như các năm tiếp theo. Đây cũng là thể hiện tinh thần trách nhiệm chung của mỗi chúng ta để cùng chung tay ngăn ngừa thảm họa ma túy và các tệ xã hội nói chung.

PHAN LÂM