Phỏng vấn nhanh một số nữ Chánh án về Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

Nhân ngày 8/3, Tạp chí TAND đã thực hiện cuộc phỏng vấn nhanh một số nữ Chánh án về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi và những mong muốn, đề xuất của các nữ Chánh án về đổi mới tổ chức bộ máy.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, sau 8 năm thi hành đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáng khích lệ, hệ thống Tòa án đã được kiện toàn, phát triển cả về tổ chức và hoạt động. Đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng; Chất lượng xét xử, giải quyết các vụ việc được bảo đảm, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán ngày càng giảm, đáp ứng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội. Công tác xây dựng pháp luật, tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử được thực hiện một cách hiệu quả, tạo điều kiện cho Tòa án các cấp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Cơ sở vật chất của các Tòa án đã có bước cải thiện đáng kể góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu và nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với công tác Tòa án.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cho thấy còn tồn tại những hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Thẩm phán Nguyễn Thị Nga - Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa: Thẩm phán được bổ nhiệm một lần suốt đời

Việc xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Luật Tổ chức TAND là hết sức cần thiết nhằm đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và uy tín, vị thế của TAND. Xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại , hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TANND được dự thảo theo hướng đổi mới, thay đổi nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề như: Cơ cấu, tổ chức bộ máy của hệ thống Tòa án; Thẩm quyền xét xử; Việc thu thập tài liệu, chứng cứ; về ngạch bậc lương Thẩm phán; về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán, nhiệm kỳ Thẩm phán; về chế độ, chính sách đãi ngộ đối với các chức danh tư pháp... Tất cả những đổi mới đều nhằm xây dựng Tòa án chuyên biệt, hiện đại với vị trí, vai trò Tòa án là một thiết chế thực hiện quyền lực tư pháp, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp được đề ra theo NQ 27-NQ/TW. 


Chánh án TAND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Thị Nga

Tôi mong muốn rằng, về nhiệm kỳ Thẩm phán, Thẩm phán được bổ nhiệm một lần suốt đời (đến nghỉ hưu). Về lương, cần có 1 thang bảng lương riêng biệt phù hợp với nhiệm vụ Thẩm phán.

Thẩm phán Hoàng Thị Hồng Hạnh - Chánh án TAND tỉnh Lào Cai: Bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử

Sửa đổi luật tổ chức Tòa án là cần thiết để khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tòa án. Nhằm xây dựng Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.

Chánh án TAND tỉnh Lào Cai Hoàng Thị Hồng Hạnh

Mong muốn ở lần sửa đổi Luật tổ chức Tòa án lần này sẽ xác định rõ thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp;  Bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp; Cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cải cách chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao; Tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND.

Thẩm phán Chu Lệ Hường- Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn: Nhất trí việc đổi tên TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm

Trước hết, tôi nhất trí cao với việc tiếp tục thực hiện 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử và các giải pháp mới được TANDTC đề ra.

Việc thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, nên bỏ một só quy định như:  Bỏ quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa để đảm bảo sự khách quan trong quá trình xét xử vụ án; Bỏ quy định về thẩm quyền thu thập chứng cứ của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án hình sự; Bỏ quy định trách nhiệm của Tòa án về thu thập tài liệu, chứng cứ trong tố tụng dân sự, hành chính; xác định việc cung cấp tài liệu, chứng cứ là nghĩa vụ của đương sự để bảo đảm vị trí của Tòa án là cơ quan phán quyết, phân xử các tranh chấp, khiếu kiện.

Đồng tình việc thành lập các Tòa chuyên trách về Sở hữu trí tuệ, Tòa chuyên trách về Phá sản, Tòa chuyên trách về Hành chính. Hội thẩm nhân dân của các Tòa chuyên trách nói trên hiện đang được dự kiến là những chuyên gia, người có chuyên môn cao về lĩnh vực tương ứng. Tuy nhiên, cần cân nhắc đối với Hội thẩm nhân dân của Tòa chuyên trách về hành chính. Thực tế hiện nay, các khiếu kiện hành chính chủ yếu về lĩnh vực quản lý đất đai, người bị kiện thường là UBND hoặc Chủ tịch UBND; trong khi những người có chuyên môn cao trong lĩnh vực quản lý đất đai chủ yếu công tác tại các Bộ chủ quản hoặc Sở, ngành tham mưu cho UBND về lĩnh vực đất đai. Do đó, việc tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân là chuyên gia công tác tại Bộ chủ quản, hoặc sở, ngành như nói trên có thể không bảo đảm vô tư, khách quan khi UBND, Chủ tịch UBND là người bị kiện trong vụ án.

Nhất trí việc đổi tên TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm; tuy nhiên đối với TAND cấp tỉnh nếu đổi tên thành TAND phúc thẩm nhưng vẫn xét xử sơ thẩm thì không phù hợp, có thể gây nhầm lẫn cho người dân. Do đó, đề nghị cần cân nhắc.

Bổ sung ngạch Thẩm phán dự bị là hợp lý, tuy nhiên cần quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán dự bị; điều kiện trở thành Thẩm phán dự bị; điều kiện để Thẩm phán dự bị trở thành Thẩm phán. Đề xuất không quy định độ tuổi là tiêu chí, điều kiện để bổ nhiệm Thẩm phán; cân nhắc, bổ sung quy định về bảo hiểm nghề nghiệp cho Thẩm phán (tương tự như Công chứng viên) hoặc bổ sung quy định miễn trừ trách nhiệm của Thẩm phán.

Định hướng đổi tên Hội đồng Tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia thành Hội đồng Tư pháp quốc gia là đúng đắn. Tuy nhiên, cần quy định hạn chế thẩm quyền của Hội đồng Tư pháp quốc gia quốc gia để bảo đảm sự quản lý thống nhất về tổ chức cán bộ và chuyên môn của TAND tối cao đối với hệ thống Tòa án. 

Về kinh phí hoạt động của Tòa án, đề nghị không bổ sung quy định về sử dụng nguồn ngân sách do địa phương hỗ trợ để bảo đảm sự độc lập của Tòa án với cơ quan hành chính.

Nhất trí việc nên xây dựng một đạo luật riêng quy định về Hội thẩm nhân dân.

 

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du trao quyết định bổ nhiệm Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn cho Thẩm phán Chu Lệ Hường

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sẽ khẳng định rõ vị trí của Tòa án là cơ quan tư pháp; có cơ chế đồng bộ, bảo đảm sự độc lập của Tòa án với các cơ quan hành chính; sự độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân; có cơ chế bảo vệ Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác.

 Xây dựng thang bảng lương riêng cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký; tách bạch với thang bảng lương của cán bộ, công chức như hiện nay (hiện nay Thư ký, Thẩm tra viên, Thẩm phán sơ cấp có bậc lương như chuyên viên của cơ quan hành chính; Thẩm phán trung cấp, Thẩm tra viên chính có bậc lương như chuyên viên chính của cơ quan hành chính).

 Bổ sung biên chế cho các đơn vị, bảo đảm đủ bố trí vào các vị trí việc làm của cơ quan, như văn thư, kế toán, cán bộ tin học là những vị trí công việc yêu cầu có chuyên môn riêng mà Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký không thực hiện được; và theo quy định hiện hành thì thủ trưởng cơ quan cũng không được phép ký hợp đồng lao động đối với các chức danh trên.

Thẩm phán Phạm Thị Kim Thoa - Chánh án TAND tp Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang: Cần quy định rõ Thẩm phán bậc mấy thì được xét xử án hình sự từ bao nhiêu năm trở lên

Về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Tòa án, cần bỏ quy định này, vì thực tế HĐXX thực hiện quyền này rất khó khi chỉ có lời khai tại phiên toà, trong khi đó cần rất nhiều các chứng cứ để xác định có phạm tội hay không và khi khởi tố vụ án hình sự xong chuyển qua cơ quan điều tra có thực hiện hay không, VKS có phê chuẩn hay không là một công việc khá phức tạp, do đó nên bỏ.

 Về thu thập chứng cứ, cần quy định rõ nghĩa vụ chứng minh là của đương sự, đương sự khi có đầy đủ căn cứ thì khởi kiện, không đầy đủ thì Toà án xử theo chứng cứ. Không nên quy định Toà án hỗ trợ đương sự, bởi vì khi có căn cứ này sẽ có 2 tình huống xảy ra:

 Một là: Thẩm phán hướng dẫn cho đương sự dễ dẫn đến tình trạng Thẩm phán thực hiện toàn bộ việc thu thập chứng cứ, kéo theo sự thật khách quan của vụ án đôi khi có sự thiên vị hoặc có thể có sự nhũng nhiễu người dân trong việc này.

  Hai là:  Khi quy định Toà án hỗ trợ cho người dân, người dân sẽ không trực tiếp đi thu thập chứng cứ mà làm đơn đề nghị Toà án đi thu thập, nếu Thẩm phán không thực hiện sẽ bị người dân khiếu nại, tố cáo. Cần quy định rõ hơn về trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cơ quan tổ chức cho người dân, nếu các cơ quan, tổ chức không cung cấp chứng cứ cho người dân khi đã xác định rõ chứng cứ đang ở cơ quan, tổ chức này thì phải có chế tài như thế nào mới bảo đảm cho việc người dân được thu thập và cung cấp chứng cứ. Bởi vì khi cơ quan tổ chức này không cung cấp, kéo theo người dân đi khởi kiện thêm vụ án hành chính về hành vi của các cơ quan này thì Toà lại thụ lý thêm vụ việc, trong khi Toà án hiện nay rất thiếu biên chế.

 

Chánh án TAND thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang: Phạm Thị Kim Thoa

Về chính sách của Thẩm phán, tôi cho rằng quy định nhiệm kỳ đầu là 5 năm, nhiệm kỳ sau  cho đến tuổi nghỉ hưu là hợp lý. Hiện nay đang thực hiện quy định 120 về giám sát Thẩm phán, do đó từ nhiệm kỳ sau sẽ kiểm tra giám sát Thẩm phán trong 03 năm 01 lần nếu án huỷ, sửa vượt quy định do lỗi chủ quan thì ngưng làm Thẩm phán và cần quy định rõ Thẩm phán bậc mấy thì được xét xử án hình sự từ bao nhiêu năm trở lên.

Về tên gọi của Toà án, nếu gọi là Toà sơ thẩm thì chuyên xét xử sơ thẩm và cấp uỷ đảng trực thuộc Toà cấp trên. Toà phúc thẩm chuyên xét xử phúc thẩm, có như vậy mới bảo đảm được quyền độc lập xét xử của Toà.

 Về chế độ bảo vệ Thẩm phán, cần quy định rõ trong luật về chế độ bảo vệ Thẩm phán khi đi thi hành công vụ (như đi xác minh, đo đất…) phải có cảnh sát hỗ trợ tư pháp bảo vệ.

Về số lượng Thẩm phán và thư ký, cần quy định rõ tỷ lệ Thư ký và Thẩm phán cấp sơ thẩm để đưa vào Luật Tổ chức TAND, từ đó mới có sự phân bổ chỉ tiêu. Lượng án quy định cấp huyện mỗi Thẩm phán là 72 vụ/năm; thành phố thuộc tỉnh là 84 vụ/năm, vậy số Thẩm phán phải được chia theo tỷ lệ vụ án thụ lý và số thư ký phải bảo đảm ít nhất mỗi Thẩm phán phải có 1 thư ký thì mới bảo đảm giải quyết được lượng công việc.

Về bảo vệ cơ quan, hiện nay bảo vệ cơ quan thường là hợp đồng theo Nghị định 161, khi cơ quan xét xử hình sự những vụ án phức tạp, đông người bảo vệ cơ quan khó thực hiện, do đó nhân viên bảo vệ cơ quan cần có quy chế phối hợp như thế nào với công an để có bảo vệ cơ quan là công an.

Về thực hiện luật hoà giải đối thoại tại Toà án, hiện nay những người là Hoà giải viên (HGV)  thường là những người nghỉ hưu, lới tuổi, không biết sử dụng công nghệ, do đó khi hoà giải thì công chức Toà án lại phải hỗ trợ hoà giải viên, trong khi toà đã thiếu người trầm trọng, do đó cần thực hiện việc bố trí cho HGV có thư ký biết sử dụng công nghệ và tiền trả cho thư ký của HGV bằng tiền từ ngân sách từ Luật hoà giải đối thoại.

Không nên quy định tỷ lệ hoà giải thành (theo Luật hoà giải đối thoại tại Tòa án) và tỷ lệ hoà giải thành trong tố tụng như hiện nay vì hoà giải là do đương sự tự định đoạt, những vụ án hoà giải được thường là án hôn nhân và gia đình, những vụ án vay tài sản với số tiền nhỏ, còn các tranh chấp khác ít khi hoà giải thành, tạo áp lực rất lớn đối với Thẩm phán.

Thẩm phán Nguyễn Thị   Thuý Hoàn - Chánh án TAND huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình: Cần bổ sung thêm quy định về đảm bảo an toàn cho trụ sở  Tòa án

Là Chánh án TAND cấp huyện, tôi rất tâm huyết với những điểm mới được nêu trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của  Luật tổ chức TAND, đặc biệt là việc sửa đổi tên gọi của Toà án cấp huyện thành TAND sơ thẩm kèm tên riêng của địa phương nơi có trụ sở vì điều này khẳng định được vị thế độc lập của Toà án, đồng thời là tiền đề để quy định tổ chức chi bộ Đảng của toà án sơ thẩm trực thuộc Đảng uỷ của toà án cấp trên. Sửa đổi ngạch của Thẩm phán từ 4 cấp thành 3 ngạch là Thẩm phán TAND tối cao, Thẩm phán và Thẩm phán dự bị. Đây chính là giải pháp căn cơ để có thể điều động Thẩm phán trên phạm vi rộng hơn đồng thời ngạch Thẩm phán dự bị tạo điều kiện pháp lý để những trường hợp đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán được làm một số công việc của thẩm phán  trong điều kiện khối lượng công việc của Thẩm phán các cấp đều đang trở nên quá tải, không được giải quyết kịp thời. 

Chánh án TAND huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình: Nguyễn Thị  Thuý  Hoàn

Tôi mong muốn bên cạnh rất nhiều điểm mới được bổ sung quy định về chế độ chính sách đối với Thẩm phán nhằm mang lại vị thế xứng đáng cho các ngạch Thẩm phán (Điều 108 dự thảo) và quy định về việc đảm bảo an toàn cho Thẩm phán TAND ( Điều 112 dự thảo) thì cũng cần bổ sung thêm quy định về đảm bảo an toàn cho trụ sở  Tòa án, xác định trụ sở Toà án là mục tiêu được bảo vệ. Cụ thể cần bổ sung thêm 1 Điều vào Phần thứ 7, phần quy định về đảm bảo hoạt động của TAND. Có như vậy thì vấn đề an toàn của Thẩm phán mới thực sự được bảo đảm trên thực tế.

Thẩm phán Ma Thị Tuyết Mai - Chánh án TAND huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang: Bảo đảm được tính độc lập của Tòa án

Định hướng sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Tòa án nhân dân là một trong những điểm mạnh của việc thực hiện Cải cách Tư pháp theo Nghị quyết 27 -NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương, về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Với vai trò là người đứng đầu, lãnh đạo một đơn vị thuộc hệ thống Tòa án nhân dân, tôi thấy rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Tòa án nhân dân là hết sức cần thiết và phù hợp với điều kiện, xu thế trong tình hình thực tiễn hiện nay. Với 6 định hướng trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sẽ nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của Tòa án nhân dân. Đặc biệt bảo đảm được tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

 

Chánh án TAND huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Tuyết Mai

Là lãnh đạo nữ, tôi luôn mong muốn có thật nhiều năng lượng dồi dào để  hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đồng thời hoàn thành tốt vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình. Và mong muốn hơn nữa là pháp luật sẽ đến thật gần, thật rõ, thật dễ hiểu, dễ tiếp thu đối với nhân dân, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như ở Hàm Yên, Tuyên Quang.

Thẩm phán Nguyễn Thị Hà Giang - Chánh án TAND huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng: Chế độ tiền lương đối với Thẩm phán cần được đảm bảo cho tương xứng, phù hợp với trọng trách

 

Chánh án TAND huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thị Hà Giang 

Việc đổi mới mô hình Tòa án phải mới về chất chứ không chỉ dừng lại ở đổi tên gọi các cấp tòa. Xét cho cùng, chất lượng hoạt động xét xử và uy tín của Tòa án là do cán bộ Tòa án, nhất là đội ngũ Thẩm phán quyết định. Do đó, chế độ tiền lương đối với các chức danh này cũng cần được đảm bảo cho tương xứng, phù hợp với trọng trách, vai trò mà họ được giao. Tuy nhiên hiện nay, lương của Thẩm phán và cán bộ Tòa án ở nước ta cơ bản đang được tính như lương của các công chức nhà nước khác. Vì vậy cần quy định một cách toàn diện về chế độ tiền lương, phụ cấp lương, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách khác cho Thẩm phán và các chức danh tư pháp.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chụp ảnh với một số nữ lãnh đạo, Thẩm phán TANDTC, Chánh án cấp tỉnh tại Hội nghị bàn về công tác tổ chức

XUÂN BÁCH