Phú Quốc: Thành phố đáng sống của công dân toàn cầu

Không còn chỉ là thủ phủ du lịch và nghỉ dưỡng ngắn ngày, Phú Quốc trong tương lai được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ trở thành vùng đất lý tưởng, đáp ứng đa dạng nhu cầu sống cho công dân toàn cầu nhờ hội tụ đủ những điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Phú Quốc: Từ Thủ phủ du lịch đến Thành phố đáng sống

Trong năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Phú Quốc vẫn đón hơn 3,55 triệu lượt khách du lịch, vượt Phuket (Thái Lan), Venice (Italy), Bali (Indonesia), Maldives..., hay thị trường nội địa Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa). Được biết đến là một “thiên đường du lịch nghỉ dưỡng”, trong tương lai gần, Phú Quốc được định hướng trở thành đô thị biển-đảo độc đáo, đặc sắc, hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại I đến năm 2040, theo Quyết định số 767 ngày 23-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Phú Quốc được định hướng trở thành đô thị biển-đảo độc đáo, đặc sắc

Theo ước tính, đến năm 2030, quy mô dân số của Phú Quốc có thể đạt 400.000 người, gấp 2,8 lần dân số hiện nay. Con số này đến năm 2040 là khoảng 680.000 người, tăng gấp 4,7 lần và dài hạn sẽ tăng lên 1.000.000 người, tức là gấp 7 lần hiện nay. 

Xuất phát điểm của Phú Quốc là một thành phố du lịch nên nơi đây vẫn chủ yếu phát triển các dòng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng. Bởi vậy Phú Quốc không thể thiếu đi những đại đô thị với quy mô tầm cỡ có hạ tầng, tiện ích, điều kiện sống đủ đầy cho các cư dân có điều kiện kinh tế, muốn “an cư” tại Phú Quốc. Vì vậy, để trở thành thành phố biển đảo đáng đến và đáng sống hơn, bức tranh Phú Quốc cần được bổ sung những mảnh ghép đại đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc. 

Tại Talkshow “Phú Quốc - Nơi hội tụ công dân toàn cầu” diễn ra mới đây, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Để Phú Quốc phát triển mạnh mẽ và bền vững thì rất cần nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực bản địa đóng vai trò tiền đề, nhưng để phát triển lâu dài, cần nguồn nhân lực mới, chuyên nghiệp và chất lượng cao. Nhưng nguồn nhân lực này phải là tại chỗ, vì Phú Quốc là đô thị đảo cách xa đất liền nên không thể thiết lập mối liên kết giữa nơi làm việc là Phú Quốc với nơi ở không phải là Phú Quốc. Vì thế, nhu cầu về nguồn nhân lực mới sẽ kéo theo nhu cầu về đô thị nhà ở, và nhu cầu này sẽ ngày càng lớn theo thời gian”.

Các diễn giải trao đổi tại talkshow “Phú Quốc - Nơi hội tụ công dân toàn cầu”

Để thu hút được nguồn nhân lực đảm bảo được cả 2 yếu tố về lượng và chất, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định: “Thành phố đảo cần không gian sống khuyến khích sự sáng tạo, thu hút giới tinh hoa, tức là những người giàu, người tài, có kỹ năng cao đến sinh sống và làm việc. Đây là tiêu chí rất quan trọng để đánh giá một nơi đáng sống, vì họ là những người tiên phong, bám xu thế, có những đòi hỏi cao và sức sáng tạo tốt. Một hướng đi điển hình đem lại những tín hiệu tích cực có thể kể đến là mô hình đô thị tinh khiết”.

Đô thị tinh khiết: định vị chân dung thành phố đáng sống

Sở dĩ trong mục tiêu hướng đến phát triển bền vững, phải cố gắng đưa Phú Quốc trở thành nơi cư ngụ của những công dân toàn cầu là bởi ngày nay, xu hướng làm việc từ xa đang dần lên ngôi. Những công dân này chính là tầng lớp tinh hoa của thế giới. Họ là những con người thuộc tầng lớp tri thức, tài giỏi, kỹ năng chuyên môn cao và có khả năng bám sát xu thế để tiên phong đi đầu trong nhiều lĩnh vực.

Một thành phố đáng sống với mô hình đô thị tinh khiết sẽ đáp ứng được những đòi hỏi cao về nhu cầu, tiện ích khi sinh sống của những công dân này bên cạnh nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch.  Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đã có cách so sánh gần gũi: “Nếu đô thị đáng sống là hội tụ những tinh hoa của một đô thị hiện đại, thân thiện và phát triển bền vững thì đô thị tinh khiết có thể coi là sự kết tinh ở đẳng cấp cao của đô thị đáng sống. Khu đô thị đó sẽ có sự chọn lọc những tiêu chí, tiêu chuẩn cao nhất để xây dựng.”

Phối cảnh đại đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc

Khác với một số loại hình đô thị chỉ chú trọng vào mở rộng quy mô và cơ sở hạ tầng, đô thị tinh khiết lại xác định “hạt nhân” phát triển chính là con người. Tại Phú Quốc, mô hình này đã được Tập đoàn Tân Á Đại Thành hiện thực hóa tại đại đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc. Dự án được bao bọc trong địa thế thung lũng mát mẻ. Diện tích cây xanh và mặt nước được duy trì ở mật độ cao được phân bố đan xen tạo nên đại cảnh quan rộng lớn bao trùm dự án. Đây cũng chính là thành phố tinh khiết đầu tiên trên thị trường bất động sản, hiện diện ngay lõi trung tâm đảo Ngọc.

Ông An Wookjin, Giám đốc phát triển dự án bất động sản nước ngoài - Tập đoàn Daewoo E&C, đơn vị hợp tác với Tân Á Đại Thành triển khai dự án Meyhomes Capital cũng chia sẻ: “Tôi nghĩ thành phố Phú Quốc có nhiều tiềm năng hơn là chỉ là khái niệm ngôi nhà thứ hai. Chúng tôi đã bắt đầu xây dựng những điểm đến hấp dẫn nhất để biến nơi này thành một thành phố đáng sống thực thụ. Tầm nhìn của chúng tôi là "Your dream, Our Space", TP. Phú Quốc và khu đô thị Meyhomes Capital sẽ là nơi hiện thực hóa không gian sống mơ ước của bạn”.

Để làm được điều đó, ông An Wookjin cho biết DAEWOO E&C sẽ cùng Tân Á Đại Thành thực hiện dự án Ice Jungle tại trung tâm Meyhomes Capital Phú Quốc. Đây là loại công viên chủ đề kỹ thuật số có thể thu hút nhiều người dân và khách du lịch hơn, giúp dịch vụ cho thuê F&B phát triển mạnh mẽ hơn.

Phối cảnh “rừng băng tuyết” - Ice Jungle tại Meyhomes Capital

Phú Quốc đang hội tụ nhiều điểm sáng để có thể trở thành một thành phố đáng sống trong tương lai. “Một thành phố đáng sống chắc chắn đáng đến nhưng một nơi đáng đến thì chưa chắc đáng sống. Một đô thị đáng sống phải phát triển bền vững. Người dân ở đó phải được hưởng thành quả và hạnh phúc. Tuy nhiên một điểm rất quan trọng chứng minh thành phố đó có thực sự đáng sống, có so sánh được với các đối thủ quốc tế hay không, đó là ở khả năng thu hút giới tinh hoa, người giàu, doanh nhân,.... Và Phú Quốc đã bước đầu làm được điều đó khi thu hút được các “đại bàng” hội tụ về miền đất hứa”. TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

QC