Quan hệ pháp luật tranh chấp giữa ông B và Công ty A phải căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 30 BLTTDS 2015

Qua nghiên cứu bài viết “Công ty khởi kiện yêu cầu giám đốc hoàn trả tiền và bồi thường thiệt hại, thẩm quyền giải quyết?” của tác giả Phạm Minh Tiến, đăng ngày 01/7/2024, tôi nhất trí với quan điểm tranh chấp giữa Công ty A và ông B là tranh chấp về kinh doanh, thương mại.

Về tranh chấp này, tôi có một số ý kiến như sau:

1.Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp

Tại Mục 3 Phần IV Công văn 212/TANDTC-PC năm 2019, hướng dẫn như sau:

[…] Đối với Công ty cổ phần, trường hợp Giám đốc gây thiệt hại đến lợi ích của cổ đông hoặc công ty thì khi phát sinh tranh chấp Toà án căn cứ khoản 5 Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 161 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 (nay là Điều 166 Luật Doanh nghiệp 2020) đồng thời lưu ý các quy định tại Điều 160 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 (nay là Điều 165 Luật Doanh nghiệp năm 2020), nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và Điều lệ công ty để thụ lý, giải quyết vụ án.

Như vậy, dựa theo nội dung vụ án, quan hệ pháp luật tranh chấp phát sinh giữa Công ty Cổ phần đầu tư A (sau đây gọi là “Công ty A”) và ông Nguyễn Văn B là tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại giữa Giám đốc công ty (ông B) không thực hiện đúng nghĩa vụ, gây thiệt hại đến lợi ích của cổ đông, công ty cổ phần. Tòa án sẽ căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 30 BLTTDS 2015[1] và Điều 166 LDN năm 2020[2] để làm cơ sở thụ lý, giải quyết vụ án.

2. Xác định thời hiệu khởi kiện 

Theo quy định tại Điều 319 Luật Thương mại năm 2005, thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 của Luật này.

Công ty A phát hiện hành vi vi phạm của ông B vào tháng 4/2023. Ngay sau khi phát hiện những vi phạm, ngày 22/4/2023, Công ty A đã tiến hành họp ĐHĐCĐ để thông qua việc bãi nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông B. Như vậy, thời điểm công ty A nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại TAND vào tháng 10/2023 là còn trong thời hiệu khởi kiện.

 3.Xác định yêu cầu khởi kiện của công ty A

Tháng 10/2023, Công ty A nộp đơn khởi kiện tại TAND yêu cầu giải quyết những vấn đề sau:

- Ông Nguyễn Văn B hoàn trả cho Công ty A toàn bộ số tiền 5 tỷ đồng tạm ứng trái pháp luật;

- Bồi thường cho Công ty A số tiền lãi phát sinh tính trên khoản tiền 4 tỷ đồng do ông B đã cho vay trái quy định nội bộ của Công ty A.

 4.Xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Ông B có nơi cư trú tại phường Y, quận C, thành phố H; Công ty A có trụ sở chính cũng tại phường Y, quận C, thành phố H.

- Tranh chấp giữa Công ty A và ông B là tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (khoản 5 Điều 30 BLTTDS 2015)

- Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37 thì TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm nhũng vụ việc sau đây: “a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 2830 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;”

  - Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 quy định: “Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân … có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm”. Qua nội dung vụ án, bị đơn là ông Nguyễn Văn B có địa chỉ cư trú tại phường Y, quận C, thành phố H. Do đó, thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo thủ tục sơ thẩm thuộc về Tòa án nhân dân thành phố H. Và TAND thành phố H phải thụ lý, giải quyết tranh chấp này đúng theo trình tự, quy định pháp luật.

Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự phản hồi và trao đổi cùng với quý đồng nghiệp và bạn đọc.

 

PHẠM MINH ĐÔ (Tòa án Quân sự Quân khu 7)

[1] Điều 30. Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

“5. Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”

[2] Điều 166. Quyền khởi kiện đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc

1. Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần phổ thông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác trong trường hợp sau đây:

a) Vi phạm trách nhiệm của người quản lý công ty theo quy định tại Điều 165 của Luật này;

b) Không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, thực hiện không kịp thời hoặc thực hiện trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty, nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị đối với quyền và nghĩa vụ được giao …”

Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử vụ đòi bồi thường tiền thiệt hại - Ảnh: Lê Na