Quản lý tiền mã hóa tại một số quốc gia phát triển - Kinh nghiệm cho Việt Nam trong nền kinh tế số
Trong thời đại công nghệ số hiện nay, tiền mã hóa (cryptocurrency) được tạo ra giúp cho các giao dịch trở nên thuận tiện và nhanh chóng hơn trên toàn cầu mà không cần có sự tham gia của các bên thứ ba nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật. Tại Việt Nam vẫn chưa có quy định pháp luật để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa, trong khi nhiều các quốc gia trên thế giới xây dựng khung pháp lý điều chỉnh vấn đề tiền mã hóa từ các quan điểm khác nhau. Bài viết chủ yếu nghiên cứu vấn đề công nhận tiền mã hóa trong hệ thống pháp luật của một số quốc gia trên thế giới. Từ đó, các kiến nghị, giải pháp được đưa ra để hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đối với đối tượng này.
A. Đặt vấn đề
Trong xã hội ngày càng phát triển hiện nay thì “Tiền mã hóa” không còn là một thuật ngữ xa lạ, các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa cũng đang gia tăng mạnh trên toàn cầu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, pháp luật vẫn chưa có quan điểm rõ ràng về vấn đề công nhận và hợp pháp hóa với đối với “Tiền mã hóa”, dẫn đến thực trạng nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện và quản lý các giao dịch tiền mã hóa.
Hiện nay, một số nghiên cứu trong nước đã thực hiện để nêu ra những quan điểm về việc cần thiết xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa, chẳng hạn bài viết “Vì sao Việt Nam đang cần gấp một khung pháp lý cho thị trường tài sản mã hóa?” của Hồ Quốc Tuấn trên báo Kinh tế Sài Gòn ngày 18/6/2022; bài viết “Hoàn thiện khung pháp lý về tài sản ảo và tiền ảo” của tác giả Cao Xuân Phong trên tạo chí điện tử Luật sư Việt Nam 20/1/2023. Nhìn chung, các tác giả này đã xác định được một số vấn đề pháp lý mà nhà nước cần phải hoàn thiện. Tuy nhiên, một số cơ sở pháp lý đã hết hiệu lực và các bài viết này cũng chưa có sự so sánh toàn diện với cách thức quản lý của nhiều quốc gia trên thế giới để có cách nhìn bao quát hơn về các vấn đề điều chỉnh, ví dụ như tội phạm rửa tiền qua giao dịch tiển mã hóa; cách thức quản lý giám sát việc đăng ký của nhà cung cấp dịch vụ và sàn giao dịch tiển mã hóa,…. Do đó, bài viết này sẽ xem xét rõ ràng hơn về cách thức quản lý và hợp pháp hóa tiền mã hóa ở một số quốc gia thông qua phương pháp so sánh để từ đó xây dựng bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
B. Nội dung
1. Quản lý tiền mã hóa trong hệ thống pháp luật của một số quốc gia phát triển
- Thụy sĩ
Ở Thụy Sĩ, tiền mã hóa và sàn giao dịch đều hoàn toàn hợp pháp và quốc gia này đã thể hiện một quan điểm tiến bộ đối với quy định về tiền mã hóa. Cơ quan quản lý Thuế Liên bang Thụy Sĩ (Switzerland Frderal Tax Administration-SFTA) xem xét tiền mã hóa là tài sản: chúng phải tuân thủ thuế tài sản tại Thụy Sĩ và phải được khai báo trên tờ khai thuế hàng năm. Đồng thời, Ủy ban Giám sát Thị trường Tài chính Thụy Sĩ (Swiss Financial Market Supervisory Authority-FINMA) xác định rằng áp dụng nguyên tắc hoạt động quản lý trong sàn giao dịch tiền mã hóa và các ứng dụng dựa trên blockchain[1].
Thụy Sĩ yêu cầu quy trình đăng ký đối với các sàn giao dịch tiền mã hóa, cần phải có giấy phép từ Ủy Ban Giám sát Thị trường Tài chính Thụy Sĩ (FINMA) để hoạt động. Về nguyên tắc hoạt động, FINMA áp dụng các nguyên tắc của cơ quan và pháp luật thị trường tài chính Thụy Sĩ cho tài sản tiền mã hóa và các ứng dụng dựa trên blockchain[2]. Theo đó, quy định về tiền mã hóa tại Thụy Sĩ cũng được áp dụng cho các sàn giao dịch điện tử và các thủ tục FINMA. Đồng thời, chúng cũng được ghi nhận trong pháp luật tài chính hiện hành cho các loại hình tài chính khác nhau - từ ngân hàng đến giao dịch chứng khoán và các kế hoạch đầu tư tập thể (tùy thuộc vào cấu trúc)[3]. Năm 2019, Chính phủ Thụy Sĩ cũng đã phê duyệt đề xuất yêu cầu Hội đồng Liên bang điều chỉnh các quy định tài chính hiện hành để bao gồm tiền mã hóa[4]. Vào tháng 9 năm 2020, Quốc hội Thụy Sĩ thông qua Luật Blockchain, điều này đã định rõ hơn về khía cạnh pháp lý liên quan đến việc trao đổi tiền mã hóa và hoạt động của các sàn giao dịch tiền mã hóa trong hệ thống pháp luật Thụy Sĩ[5]. Sau đó một năm, Quốc hội Thụy Sĩ đã công bố đạo luật Công nghệ Sổ Cái Phân phối 2020 (Digital Ledger Technology) với mục tiêu điều chỉnh pháp luật Thụy Sĩ để tạo điều kiện cho sự đổi mới của tiền mã hóa[6]. Luật mới này bao gồm một loại hình giấy phép mới cho các sàn giao dịch tiền mã hóa[7]. Đặc biệt, Luật này đã giới thiệu các quyền của Công nghệ Sổ Cái Phân phối cho phép thay thế số hóa cho các chứng khoán được chứng nhận như một lớp tài sản mới và có thể chuyển nhượng qua blockchain[8].
- Úc
Tiền mã hóa và sàn giao dịch điện tử là hợp pháp tại Úc, và quốc gia này đã phát triển hàng loạt các quy định về tiền mã hóa. Một số đạo luật hiện hành được áp dụng để điều chỉnh các vấn đề liên quan tiền mã hóa. Cụ thể, Luật chống rửa tiền/ chống tài trợ khủng bố 2006 quy định chế tài trong việc sử dụng tiền mã hóa cho các hoạt động của các nhóm tội phạm và khủng bố; các dịch vụ tài chính quy định theo Luật Công ty năm 2001 xác định tiền mã hóa mà là hình thức của sản phẩm đầu tư hoặc sản phẩm giao dịch trao đổi yêu cầu có Giấy phép dịch vụ tài chính Australia (AFSL) trừ một số trường hợp miễn trừ; các hoạt động cho vay tiền mã hóa có thể yêu cầu phải có Giấy phép tín dụng theo Luật Bảo vệ Người tiêu dùng Tín dụng Quốc gia 2009 (Cth) (NCCPA); quy định về giao dịch điện tử cho các giao dịch tự thực hiện sử dụng công nghệ blockchain hoặc công nghệ sổ cái phân phối theo Đạo luật Giao dịch Điện tử năm 1999 (Cth)[9].
Năm 2017, Chính phủ Australia tuyên bố rằng tiền mã hóa là hợp pháp và cụ thể chỉ ra rằng Bitcoin (và các loại tiền mã hóa có đặc điểm tương tự) nên được xem xét như tài sản và phải chịu thuế thu nhập từ tiền bán tài sản (Capital Gained Tax)[10]. Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia (Australian Securities & Investments Commission-ASIC) là cơ quan quản lý dịch vụ tài chính chính của Australia cho lĩnh vực công ty, thị trường và tín dụng tiêu dùng nói chung và chính sách tiền mã hóa nói riêng. ASIC đã xác định rằng tài sản tiền mã hóa là một phần của các sản phẩm giao dịch trao đổi (Exchange Traded Product-ETPs) - đó là các chứng khoán được xác định giá thường xuyên và được giao dịch liên tục trên sàn giao dịch quốc gia - và các sản phẩm đầu tư khác[11]. ASIC đã ban hành các yêu cầu quản lý cập nhật cho cả ICOs và giao dịch tiền mã hóa. Đồng thời, cơ quan này đã buộc nhiều sàn giao dịch phải loại bỏ danh sách các đồng tiền điện riêng tư và ẩn danh. Bên cạnh đó, các sàn giao dịch tiền mã hóa tại Australia phải đăng ký với Trung tâm phân tích và báo cáo các giao dịch (Australia's anti-money laundering and counter-terrorism financing-AUSTRAC), xác minh và xác nhận danh tính của người dùng, duy trì hồ sơ và tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố của chính phủ. Một Biên bản Đăng ký Sàn Giao dịch Tiền mã hóa được quản lý và bảo vệ bởi AUSTRAC, trong khi các sàn giao dịch chưa đăng ký có thể phải đối mặt với các cáo buộc hình sự và mức phạt tài chính nếu họ không tuân thủ các yêu cầu đăng ký[12].
Tại Singapore, giao dịch và sàn giao dịch tiền mã hóa là hợp pháp, và quốc gia này có một tư duy thân thiện hơn đối với vấn đề này so với các quốc gia Đông Nam Á khác trong khu vực. Mặc dù tiền mã hóa không được coi là phương thức thanh toán hợp pháp, cơ quan thuế của Singapore coi tiền mã hóa là "hàng hóa vô hình" có thể giao dịch trao đổi và áp dụng Thuế GTGT.
Cơ quan quản lý tài chính của đất nước này, MAS (Monetary Authority of Singapore) Cơ quan tiền tệ Singapore đã được giao nhiệm vụ theo dõi các rủi ro liên quan đến các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa mà xây dựng các hướng dẫn cho các doanh nghiệp kinh doanh sàn giao dịch điện tử. Cụ thể, MAS đã giới thiệu Luật Dịch vụ Thanh toán (Payment Services Act 2019-PSA) như một cơ cấu quy định toàn diện cho sàn giao dịch truyền thống và tiền mã hóa. Theo đó, loại tiền mã hóa được phê duyệt trở thành tài sản hợp pháp tại Singapore, cho phép được sử dụng trong các giao dịch, trao đổi như các lớp tài sản khác[13]. Luật này đã đưa tất cả các dịch vụ liên quan đến thanh toán dưới một luật và chi tiết yêu cầu về giấy phép và tuân thủ chống rửa tiền cho các nhà điều hành doanh nghiệp tiền mã hóa[14]. Cụ thể, Luật này cũng yêu cầu bất kỳ cá nhân hoặc doanh nghiệp nào thực hiện các dịch vụ liên quan đến sàn giao dịch tiền mã hóa phải thông báo được cấp giấy phép dịch vụ, giấy phép thị trường vốn và tuân thủ các yêu cầu tài chính do MAS quy định dưới hình thức công ty có trụ sở đăng ký tại Singapore[15]. Để đối phó với rủi ro rửa tiền và tài trợ cho khủng bố, MAS đã ban hành Thông báo PSN02 (Crypto Travel Rule) đưa ra hướng dẫn chi tiết cho các nhà cung cấp dịch vụ sàn giao dịch điện tử. Thông báo này này đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện quá trình kiểm tra khách hàng, báo cáo các giao dịch của khách hàng đáng ngờ và có quy trình giám sát giao dịch chi tiết để theo dõi dấu hiệu sử dụng sai mục đích[16].
2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong bối cạnh hội nhập từ góc độ pháp lý
Thứ nhất, pháp luật Việt nam chưa có khái niệm pháp lý rõ ràng về tiền mã hóa trong khi các quốc gia phân nhóm trong nghiên cứu này đã xác định rõ giá trị của tiền mã hóa trong các quy phạm pháp luật. Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã khẳng định tiền mã hóa không phải là “phương tiện thanh toán” tại Công văn 5747/NHNN-PC ngày 21/07/2017. Việc sử dụng, phát hành hay cung ứng tiền mã hóa là những hành vi bị cấm. Vi phạm pháp luật này bị xử phạt vi phạm hành chính nếu thực hiện những hành vi trên theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Tuy nhiên, dưới góc độ là tài sản vô hình, tài sản ảo thì pháp luật vẫn chưa xác định cụ thể. Điều này dẫn đến việc các chủ thể đã thông qua các sàn giao dịch tiền mã hóa quốc tế để thực hiện giao dịch liên quan đến tiền mã hóa, tài sản ảo, hay qua sự thỏa thuận trực tiếp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và chưa được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp. thiệt hại phát sinh[17].
Chính vì vậy, trong tương lai nhà nước cần nghiên cứu, đánh giá và rà soát đưa ra các quy định về tài sản ảo dưới góc độ là một loại quyền tài sản, được quy định trong Bộ Luật Dân sự năm 2015[18]. Cụ thể, Pháp luật Việt Nam có quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Điều khoản này được quy định tại điều 115 Bộ luật dân sự 2015. Có thể thấy, Pháp luật Việt Nam công nhận một số quyền tài sản được coi như là một loại tài sản và có giá trị bằng tiền như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, tại thời điểm ban hành Bộ luật dân sự thì nhà làm luật vẫn chưa dự liệu hết nên đã quy định thêm “các quyền tài sản khác”, chính nhờ điểm này, đã tạo được sự linh động, mở rộng cho các quyền tài sản mới trong thời gian tới[19]. Có thể thấy được, với các đặc điểm: có thể chuyển giao quyền sở hữu, có tính chất vô hình, có thể giá trị được bằng tiền và được xác lập thì tiền mã hóa giống với các đặc điểm của quyền tài sản[20]. Vì vậy, bước đầu tiên trong tiến trình xây dựng chế định tiền mã hóa là phải công nhận bản chất pháp lý của tiền mã hóa chính là “quyền tài sản khác” trong một văn bản pháp luật cụ thể.
Thứ hai, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định rõ ràng về cơ chế quản lý các giao dịch tiền mã hóa và sàn giao dịch điện tử. Cụ thể, về việc xác định danh tính khi tham gia giao dịch liên quan đến tiền mã hóa và đăng ký sàn giao dịch tiền mã hóa là cần thiết khi các hành vi lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bổ xảy rất nhiều thông qua các giao dịch này. Cụ thể, tài sản mã hóa là lĩnh vực mới, chủ thể giam gia thị trường giao dịch còn thiếu kỹ năng, kiến thức, dẫn đến việc bị tin tặc, kẻ lừa đảo lấy cắp thông tin, truy cập vào ví điện tử, thực hiện các giao dịch mạo danh và cũng chính vì dựa trên nền tảng công nghệ của tài sản mã hóa nên dễ bị những rủi ro, tổn thất nêu trên. Chủ thể tham gia giao dịch tiền mã hóa không quản lý được tốt có thể bị giả mạo, gian lận dẫn tới không được hỗ trợ khi yêu cầu bồi thường bởi các tài sản sẵn có của các tổ chức phát hành.
Hiện nay, pháp luật của các quốc gia như Úc. Singapore, Thụy Sĩ đều có cơ quan chuyên môn để giám sát trực tiếp và quản lý các giao dịch tiền mã hóa. Tại đây, các chủ thể khi sở hữu, sử dụng, tham gia giao dịch phải đăng ký, công khai danh tính của cá nhân, tổ chức đó. Thậm chí, các cơ quan chuyên môn này này cũng yêu cầu nhà cung ứng dịch vụ tiền mã hóa muốn tổ chức hoạt động sàn giao dịch cần phải cần phải đạt các điều kiện tiêu chuẩn nhất định theo quy định của pháp luật và được cấp phép hoạt động. Do đó, pháp luật Việt Nam nên quy định trách nhiệm của cơ quan chuyên môn quản lý hoạt động tiền mã hóa và yêu cầu thông tin minh bạch từ các đối tượng tham gia giao dịch tiền mã hóa. Như vậy, nhà nước ta có thể dễ dàng kiểm soát, linh hoạt giải quyết các vấn đề liên quan đến vi phạm pháp luật, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án hay chuyển tiền quốc tế[21]. Đồng thời, khi nhà nước đã nắm rõ các thông tin về chủ thể giao dịch tiền mã hóa thì sẽ thiết lập được cơ sở thu thuế như quốc gia khác trên thế giới. Như đã phân tích ở trên, tại một số quốc gia như Úc, Singapore và Thụy Sĩ đã thu được các loại thuế liên quan đến tiền mã hóa như: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập từ bán tài sản. Như vậy, Nhà nước ta cần xem xét, điều chỉnh pháp luật về thuế để phù hợp nhằm tăng nguồn thu trong Ngân sách nhà nước[22].
Thứ ba, pháp luật Việt Nam cần phải xem xét các hành vi vi phạm pháp luật từ giao dịch tiền mã hóa như tài trợ khủng bố và rửa tiền. Đây là những tội phạm rất nghiêm trọng gây ảnh hưởng, đe dọa tới lợi ích an ninh tài chính quốc gia[23]. Theo chương trình tập huấn tại Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam vào cuối tháng 8 năm 2023 với Bô Tư Pháp Hoa Kỳ, trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2022 tổng giá trị tiền mã hoá Việt Nam nhận về là trên 90 tỉ USD, trong đó có khoảng 950 triệu USD là từ các hoạt động bất hợp pháp[24]. Do đó, sàn giao dịch tiền mã hóa trở thành kênh trung gian hiệu quả có phạm vi tương tác rộng để tội phạm chuyển đổi tiền phi pháp thành tiền hợp pháp, chuyển thành các khoản tài trợ khủng bố thông qua mua bán, trao đổi tiền mã hóa ở các quốc gia khác nhau. Thậm chí, một số tội phạm sử dụng các phương tiện, phần mềm đặc biệt để che giấu và ẩn danh nên khó xác định được danh tính của chủ thể này[25].
Chính vì vậy những rủi ro nêu trên thì nhà nước ta nên có cơ chế hoàn thiện các quy định trong Luật phòng chống rửa tiền hiện nay. Cụ thể, hiện nay Luật chỉ đề cập đến khái niệm chuyển tiền điện tử được xem là phương thức giao dịch; tuy nhiên quy định này không nêu rõ tiền điện tử được xác định dưới hình thức như thế nào, thuộc dạng tài sản nào, phải chăng có bao gồm tiền mã hóa khi nó chưa được công nhận là một phương thức thanh toán. Ngoài ra, Ngân hàng trung ương sẽ chịu trách nhiệm chính thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền đối với đối tượng báo cáo. Tuy nhiên, hiện nay theo Thông tư 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của luật phòng, chống rửa tiền thì việc báo cáo chỉ áp dụng cho trường hợp chuyển tiền điện tử từ 500 triệu trở lên. Trong trường hợp, giao dịch này dưới 500 triệu nhưng có những yếu tố có khả năng phát sinh mục đích rửa tiền thì Thông tư chưa quy định rõ. Ngoài ra, việc báo cáo cũng rất khó thực hiện nếu các giao dịch chuyển tiền này được thực hiện với quy mô lớn, số người tham gia đông chẳng hạn như sàn giao dịch tiền mã hóa. Quy định của Thông tư hiện này yêu cầu khai báo cà thông tin tổ chức tài chính, khách hàng và giao dịch. Điều này có thể gây quá tải về thủ tục hành chính của đối tượng khai báo và cơ quan nhà nước. Trong tương lai, quy định này có thể cản trở sự phát triển của các giao dịch tiền mã hóa và hợp đồng thông minh,
Thứ tư, theo quy định Luật Đầu tư năm 2020 thì không liệt kê hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền mã hóa trong danh sách các nghề kinh doanh có điều kiện (Điều 6) và ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 7)[26]. Đồng thời, theo quy định Hiến Pháp thì việc sử dụng tiền mã hóa để thực hiện các giao dịch như: chuyển nhượng, kinh doanh, mua bán hay huy động vốn của doanh nghiệp thì được coi là không bị cấm khi Điều 33 Hiến pháp quy định rõ: “mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm” Chính vì việc chưa quy định rõ ràng, cụ thể nên nhiều cá nhân, tổ chức theo quy mô đa cấp đã thành lập ra các sàn giao dịch, sàn đầu tư về tiền mã hóa nhằm huy động tiền từ nhiều cá nhân, tổ chức. Vì nhận thấy tiền mã hóa sinh lợi nhanh, lợi nhuận cao cộng thêm là sự thiếu hiểu biết thông tin rủi ro từ tiền mã hóa khiến cho những cá nhân, tổ chức trong thời gian qua đã bị mất tiền, thiệt hại lớn về tài chính, việc đòi lại tài sản cũng trở nên khó khăn và bất thành. Vì vậy, nhà nước cần phải quy định các điều kiện khi kinh doanh tiền mã hóa như: tiền bảo đảm tại ngân hàng tương đương hạn mức tiền mã hóa được phát hành, giao dịch, ký quỹ, có vốn pháp định,… để thuận tiện đưa ngành nghề kinh doanh tiền mã hóa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện giống như Úc, Singapore và Thụy Sĩ [27]. Đồng thời, để có cơ sở cho cơ quan nhà nước tiến hành thu thuế liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền mã hóa và quản lý thì các chủ thể hoạt động kinh doanh tiền mã hóa phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy hoạt động. Điều này cũng giúp hạn chế các trường hợp kinh doanh tiền mã hóa bừa bãi, ồ ạt, lợi dụng kinh doanh tiền mã hóa để rửa tiền, lừa đảo hoặc thực hiện các hành vi phạm pháp khác[28].
C. Kết luận
Pháp luật Việt Nam hiện hành không có quy định cụ thể điều chỉnh tiền mã hóa đã và đang gây ra những hệ lụy xã hội như thất thu thuế, không thể quản lý kinh doanh... Theo quan điểm của tác giả, bản chất đằng sau của tiền mã hóa cũng là một loại tài sản thể hiện dưới dạng quyền tài sản. Tuy nhiên, cũng có những đặc điểm khác biệt của tiền mã hóa so với tài sản truyền thống nên việc ghi nhận và bảo hộ tải sản là tiền mã hóa cần có những cách thức riêng biệt để hạn chế những nhược điểm của nó đối với xã hội liên quan đến các vấn đề như rửa tiền, lừa đảo, tài trợ khủng bố... Việc nghiên cứu và phân tích các cách thức bảo hộ tiền mã hóa của một số quốc gia phát triển nêu trên sẽ giúp cho Việt Nam định hướng xây dựng khung pháp lý đối với tiền mã hóa phù hợp với cơ sở hạ tầng và điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hiến Pháp 2013
- Bộ Luật Dân sự 2015
- Luật Đầu tư 2020
- Luật phòng chống rửa tiền 2022
- Luật Công nghệ Sổ Cái Phân phốI Thụy Sĩ 2020
- Luật Dịch vụ Thanh toán Singapore 2019
- M. I. Inozemtsev (2020). Peculiarities of legal regulation of crypto assets in Switzerland. 18th International Scientific Conference “Problems of Enterprise Development: Theory and Practice, https://www.researchgate.net/publication/340364911_Peculiarities_Of_Legal_Regulation_Of_Crypto_Assets_In_Switzerland.
- Weiping He (2023) Is cryptocurrency personal property under Australian law? It depends, Common Law World Review 52(1) https://www.researchgate.net/publication/369774441_Is_cryptocurrency_personal_property_under_Australian_law_It_depends,
- Sri Mulyani, Siti Mariyam, Le Ho Trung Hieu (2023), Legal Construction of Crypto Assets as Objects of Fiduciary Collateral, Jurnal Pembaharuan Hukum 19(1):25-39
- Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2019) Tổng quan về vị trí pháp lý của tiền mã hóa (Bitcoin) tại một số quốc gia trên thế giới – Định hướng xây dựng khung pháp lý về tiền mã hóa tại Việt Nam. Tạp chí Phát triển khoa học và Công nghệ - Kinh tế-Luật và Quản lý. https://doan.edu.vn/do-an/tong-quan-ve-vi-tri-phap-ly-cua-tien-ma-hoa-bitcoin-tai-mot-so-quoc-gia-tren-the-gioi-dinh-huong-xay-dung-khung-phap-ly-47716/. Truy cập ngày 10/9/2023
- Lê Hồng Thái (2021) Nhận diện tiền mã hóa, pháp luật Việt Nam về tiền mã hóa http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210822. Truy cập ngày 11/9/2023
- Nguyễn Thị Dung (2022) Tính pháp lý của tiền mã hóa tại Việt Nam hiện nay https://kiemsat.vn/tinh-phap-ly-cua-tien-ma-hoa-tai-viet-nam-hien-nay-64401.html. Truy cập 2/10/2023
- Minh Đức (2023), Tiền ảo và pháp luật điều chỉnh vấn đề này tại Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam https://www.toaan.gov.vn/webcenter/ShowProperty?nodeId=/UCMServer/TAND283831#:~:text=ph%C3%A1t%20h%C3%A0nh%2C%20cung%20%E1%BB%A9ng%20v%C3%A0,to%C3%A1n%20kh%C3%B4ng%20d%C3%B9ng%20ti%E1%BB%81n%20m%E1%BA%B7t. Truy cập 1/10/2023
- Nguyên An (2023), Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến tháng 9 năm 2023, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/chi-tiet-tin?dDocName=TAND313442. Truy cập 1/10/2023
- Quang Huy (2023), Giao dịch tiền ảo tăng nóng: Cần xây khung pháp lý, Báo Pháp Luật, https://plo.vn/giao-dich-tien-ao-tang-nong-can-xay-khung-phap-ly-post705779.html. Truy cập 3/10/2023
* Đại học Văn Lang, 69/68 Đặng Thùy Trâm, Phường 13, Quận Bình Thạnh, Thành Phố Hồ Chí Minh. Email: hieu.lth@vlu.edu.vn
[1] M. I. Inozemtsev (2020). Peculiarities of legal regulation of crypto assets in Switzerland. 18th International Scientific Conference “Problems of Enterprise Development: Theory and Practice, https://www.researchgate.net/publication/340364911_Peculiarities_Of_Legal_Regulation_Of_Crypto_Assets_In_Switzerland.
[2] Tlđd
[3] Tlđd
[4] Tlđd
[5] Tlđd
[6] Tlđd
[7] Điều 73, Luật Công nghệ Sổ Cái Phân phối Thụy Sĩ 2020
[8] Điều 973, Luật Công nghệ Sổ Cái Phân phối 2020
[9] Weiping He (2023) Is cryptocurrency personal property under Australian law? It depends, Common Law World Review 52(1) https://www.researchgate.net/publication/369774441_Is_cryptocurrency_personal_property_under_Australian_law_It_depends,
[10] Tlđd.
[11] Tlđd.
[12] Tlđd.
[13] Điều 2, Luật Dịch vụ Thanh toán 2019 Singapore
[14] Điều 5, Luật Dịch vụ Thanh toán 2019 Singapore
[15]Điều 6, Luật Dịch vụ Thanh toán 2019 Singapore
[16] Thông báo PSN02 (Crypto Travel Rule)
[17] Sri Mulyani, Siti Mariyam, Le Ho Trung Hieu (2023), Legal Construction of Crypto Assets as Objects of Fiduciary Collateral, Jurnal Pembaharuan Hukum 19(1):25-39
[18] Tlđd.
[19] Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2019) Tổng quan về vị trí pháp lý của tiền mã hóa (Bitcoin) tại một số quốc gia trên thế giới – Định hướng xây dựng khung pháp lý về tiền mã hóa tại Việt Nam. Tạp chí Phát triển khoa học và Công nghệ - Kinh tế-Luật và Quản lý. https://doan.edu.vn/do-an/tong-quan-ve-vi-tri-phap-ly-cua-tien-ma-hoa-bitcoin-tai-mot-so-quoc-gia-tren-the-gioi-dinh-huong-xay-dung-khung-phap-ly-47716/. Truy cập ngày 10/9/2023
[20] Lê Hồng Thái (2021) Nhận diện tiền mã hóa, pháp luật Việt Nam về tiền mã hóa http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210822. Truy cập ngày 11/9/2023
[21] Nguyễn Thị Dung (2022) Tính pháp lý của tiền mã hóa tại Việt Nam hiện nay https://kiemsat.vn/tinh-phap-ly-cua-tien-ma-hoa-tai-viet-nam-hien-nay-64401.html. Truy cập 2/10/2023
[22] Tlđd.
[23] Minh Đức (2023), Tiền ảo và pháp luật điều chỉnh vấn đề này tại Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam https://www.toaan.gov.vn/webcenter/ShowProperty?nodeId=/UCMServer/TAND283831#:~:text=ph%C3%A1t%20h%C3%A0nh%2C%20cung%20%E1%BB%A9ng%20v%C3%A0,to%C3%A1n%20kh%C3%B4ng%20d%C3%B9ng%20ti%E1%BB%81n%20m%E1%BA%B7t. Truy cập 1/10/2023
[24] Nguyên An (2023), Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến tháng 9 năm 2023, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/chi-tiet-tin?dDocName=TAND313442. Truy cập 1/10/2023
[25] Quang Huy (2023), Giao dịch tiền ảo tăng nóng: Cần xây khung pháp lý, Báo Pháp Luật, https://plo.vn/giao-dich-tien-ao-tang-nong-can-xay-khung-phap-ly-post705779.html. Truy cập 3/10/2023
[27] Tlđd, 43
[28] Tlđd, 43
Bài liên quan
-
Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và việc hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam hiện nay
-
Quy định của pháp luật về thời hạn ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự trong vụ việc dân sự và thực tiễn áp dụng
-
Bàn về hủy quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự về phần con chung và cấp dưỡng nuôi con chung do có kết luận giám định ADN
-
Bàn về việc đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Toà án nhân dân TP. Tam Kỳ tổ chức các phiên Toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến và nhiều phiên Toà trực tuyến trong năm 2025
-
VKSNDTC đề nghị tiếp tục duy trì Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát
-
Phát động Cuộc thi báo chí: “Hải Phòng – thành phố thân thiện”
-
Không áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ đối với Tạ Tấn P
Bình luận