Quảng Nam tổ chức hội nghị sơ kết 10 năm hoạt động của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng

Vừa qua, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 10 năm (2012-2022) hoạt động của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng và thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐQL Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị sơ kết 10 năm hoạt động của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, thường trực HĐND, UBMTTQVN tỉnh Quảng Nam, các Sở, ban, ngành tỉnh Quảng Nam; đại diện các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường trên địa bàn tỉnh; các phòng NN&PTNT; các Ban quản lý rừng, Hạt kiểm lâm các huyện, đại diện UBND các xã trên địa bàn tỉnh.

Năm 2012, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng bắt đầu được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trải qua 10 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, chính sách chi trả DVMTR được coi là bước ngoặt đối với ngành lâm nghiệp, tạo ra một cơ chế tài chính mới, bền vững, giảm gánh nặng cho ngân sách để bảo vệ và phát triển bềnh vững tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, từ năm 2013 đến năm 2020, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã phối hợp lập 15 đề án chi trả DVMTR và đã được UBND tỉnh phê duyệt, với hơn 311.000 ha rừng cung ứng DVMTR thuộc địa bàn 80 xã của 13 huyện, trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm 99,8%. Quỹ thu về trong 10 năm ước đạt hơn 996 tỷ đồng, trong đó thu tiền ủy thác DVMTR hơn 976 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 48 công trình, dự án được UBND tỉnh giao thu tiền trồng rừng thay thế với hơn 174 tỷ đồng, đạt 99,8% kế hoạch thu. Nguồn thu từ DVMTR trên địa bàn tỉnh hàng năm được đánh giá đạt cao theo từng năm, góp phần đầu tư quan trọng cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh; các Sở, ban ngành, chính quyền địa phương; các đơn vị chủ rừng, đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR giai đoạn 2012-2022 trên địa bàn tỉnh. Qua 10 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo ra một cơ chế tài chính mới, bền vững, giảm gánh nặng cho ngân sách đầu tư vào công tác bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh như: diện tích rừng được ổn định và ngày càng phát triển; tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí cho các chủ rừng là tổ chức, UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng; số vụ vi phạm về lâm nghiệp đã giảm theo từng năm; tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân tham gia bảo vệ rừng thông qua hình thức giao đất, giao rừng của Nhà nước và nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng từ các đơn vị chủ rừng là tổ chức, các UBND xã, thị trấn và được chi trả tiền DVMTR hàng năm, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, từ đó đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được ổn định ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

 

Toàn cảnh hội nghị.

Về nhiệm vụ sắp đến trong công tác bảo vệ và phát triển rừng,  yêu cầu Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh; các Sở, ban ngành, chính quyền địa phương; các đơn vị chủ rừng, đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan các nội dung sau: 

Củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Ban điều hành Quỹ đủ phẩm chất và năng lực là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, góp phần triển khai thành công Chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh. Tăng cường ứng dụng thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Ban điều hành cũng như các ngành có liên quan trong công tác bảo vệ rừng. Tổ chức triển khai các hình thức bảo vệ rừng hiệu quả với từng đơn vị (hình thức giao khoán bảo vệ rừng, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách). Phát triển các mô hình sinh kế cho người dân giúp cho người dân tham gia bảo vệ rừng có thêm nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Nâng cao và đa dạng các hoạt động tuyên truyền về Chính sách chi trả DVMTR góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, học sinh thấy được vai trò, giá trị của rừng mang lại, từ đó tổ chức thực hiện nhiệm vụ QLBVR được tốt hơn./.

 

Ông Hồ Quang Bửu phát biểu tại hội nghị

 

PV – Lương Nghiệp