Quảng Trị: Ô nhiễm nguồn nước, các hộ dân nuôi tôm thiệt hại hàng tỷ đồng
Xét nghiệm nước trên sông Sa Lung, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị cho kết quả ô nhiễm nghiêm trọng, TSS vượt gấp 23,88 lần, COD vượt 7,43 lần và Coliform vượt 1.260 lần… Ô nhiễm nguồn nước dẫn đến hậu quả bà con các HTX nuôi tôm ở địa phương trắng tay vì tôm chết.
Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử nhận được đơn cầu cứu của ông Trần Văn Lưu và ông Lê Minh Dục, đại diện cho gần 1000 hộ dân thuộc các hợp tác xã nuôi tôm tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, phản ánh về việc ô nhiễm môi trường nước dẫn đến 90% tôm nuôi bị chết, thiệt hại kinh tế vô cùng lớn, bà con nuôi tôm rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, hết sức khó khăn.
162 ha hồ nuôi tôm ô nhiễm, thiệt hại trên 12 tỷ đồng
Trong đơn, đại diện cho hộ dân thuộc các hợp tác xã (HTX) Liêm Công Phường, và Vĩnh Thành (xã Hiền Thành); Huỳnh Xá Hạ, Phan Hiền (xã Vĩnh Sơn) trình bày: Trong thời gian từ 15/3/2023 các thành viên nuôi tôm của các HTX trên địa bàn huyện Vĩnh Linh triển khai bơm nước theo kế hoạch nuôi trồng chung. Trong quá trình bơm nước trên nhánh sông Sa Lung vào hồ, nhiều hộ nuôi phát hiện nước sông rất bẩn, có màu xanh đen, bốc mùi hôi thối. Khi bơm nước từ các nhánh sông Sa Lung vào hồ, người dân đã xử lý qua lắng lọc, vôi khử trùng hồ và các chất vi sinh, nhưng năm nay sau khi xử lý nước thì cặn ở màng lọc có rất nhiều màu đen và có mùi như phân lợn.
Sau quy trình xử lý nước như những vụ mùa trước, bà con tiến hành thả tôm giống, thì gần 20 ngày sau đó tôm đã chết hàng loạt. Sau 1 tháng thì tất cả các hồ tôm chết khoảng 90%, nhiều hộ nuôi diện tích lớn thiệt hại hết sức nặng nề, nhiều hồ mất trắng toàn bộ. Theo các hộ dân, tổng diện tích hồ nuôi tôm của bà con bị chết hơn 162 ha, thiệt hại trên 12 tỷ đồng… “Chúng tôi cho rằng nguồn nước sông Sa Lung đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, và nguyên nhân chính là từ các nhà máy, các trang trại chăn nuôi gia súc trên địa bàn xã Vĩnh Long khu vực thượng lưu sông Sa Lung xả nước thải không qua quy trình xử lý…” – đơn viết.
Nguồn nước lấy từ nhánh sông Sa Lung là nguồn nước chính dẫn về để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt cho 3 xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh) theo người dân cho biết đã bị ô nhiễm kéo dài nhiều năm nay, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nơi đây. Và gần đây nhất là thiệt hại nặng nề về kinh tế của các hộ dân vùng nuôi tôm trọng điểm thuộc các HTX trên địa bàn huyện Vĩnh Linh.
Đại diện các hộ dân bức xúc trình bày với PV
Ông L.Đ.L, một người dân sống khu vực hạ lưu sông Sa Lung đoạn qua xã Vĩnh Lâm cho biết: “Trước đây, nguồn nước chảy về trong xanh, rất sạch, dòng sông đầy ắp tôm cá. Nhưng những năm gần đây, sông Sa Lung thỉnh thoảng xuất hiện tình trạng cá bơi lờ đờ hoặc chết dạt vào hai bên bờ sông, xuất hiện nước sẫm màu, nổi bọt, bốc mùi hôi thối nồng nặc.”
Chính quyền xem xét giải quyết
PV đã trao đổi với chính quyền địa phương, ông Thân Trọng Dũng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, cho hay: “Khi bà con phản ánh về chất lượng nguồn nước thì chúng tôi đã có báo cáo lên Phòng TNMT huyện Vĩnh Linh, báo cáo lên Trung tâm quan trắc thuộc Sở TNMT đề nghị ra quan trắc, kiểm tra nguồn nước. Trong lúc chờ đợi các cơ quan chức năng vào cuộc, cũng là thời điểm bước vào vụ thả giống nên các hộ dân nuôi tôm tiến hành bơm nước vào hồ và xử lý thả nuôi. Sau gần 1 tháng thả nuôi thì tôm bắt đầu bị bệnh và chết dần. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích hơn 150 ha hồ nuôi tôm bị chết sạch, bà con rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn…”. Đặc biệt, nguồn nước từ nhánh sông Sa Lung bị ô nhiễm nặng khiến một số hộ dân không dám bơm nước vào hồ nuôi, bỏ qua mùa vụ 2023.
Trước đó, vào giữa tháng 4/2023, Sở TNMT tỉnh Quảng Trị phối hợp Sở NNPTNT tỉnh đã lấy 4 mẫu nước ở trên sông Sa Lung và UBND xã Vĩnh Sơn bàn giao 1 mẫu nước sông lấy tại điểm giao giữa sông Sa Lung và sông Bến Hải. Đầu tháng 5/2023, Sở TNMT tỉnh thông báo kết quả, cho thấy 3/5 mẫu nước có các thông số vượt giới hạn B1 của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. (QCVN 08 - MT: 2015/BTNMT) và QCVN 02-19:2014/BNNPTNT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Cơ sở nuôi tôm nước lợ - Điều kiện đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm).
Chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Trị
Qua kết quả phân tích các mẫu nước của Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT Quảng Trị) xác định, 3/5 mẫu nước lấy trên sông chính Sa Lung có các thông số vượt gấp nhiều lần so với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Cơ sở nuôi tôm nước lợ.
Cụ thể, mẫu nước do đoàn lấy trên sông nhánh Sa Lung (khe Bảo Đài) có kết quả thông tố TSS (tổng chất rắn lơ lửng) vượt giới hạn B1 của QCVN 08- MT:2015/BTNMT 2,02 lần. Mẫu nước do đoàn lấy trên kênh cấp nước cho khu vực nuôi tôm Phan Hiền có kết quả quan trắc các thông số TSS, COD (nhu cầu oxy hóa học) và Coliform vượt giới hạn B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT nhiều lần.
Trong đó, TSS vượt gấp 23,88 lần, COD vượt 7,43 lần và Coliform vượt 1.260 lần. Đối với mẫu nước do UBND xã cung cấp, có kết quả quan trắc thông số COD vượt giới hạn B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT 8,4 lần và thông số H2S vượt giới hạn QCVN 02-19:2014/BNNPTNT là 27,2 lần.
Trước thực tế nghiêm trọng này, người dân đã kêu cứu chính quyền địa phương. ngày 26/06/2023 các hộ dân đã trực tiếp phản ánh tại buổi tiếp công dân của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị. Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản chỉ đạo Sở TNMT, Sở NNPTNT và UBND huyện Vĩnh Linh, theo chức năng, thẩm quyền nhanh chóng xác minh, kiểm tra... báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/7/2023.
Người dân của các HTX nuôi tôm trên địa bàn huyện Vĩnh Linh nói riêng, cũng như người dân hạ lưu sông Sa Lung nói chung, đang mong mỏi từng ngày sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, để trả lại môi trường sống trong lành cho người dân, trả lại nguồn nước sông Sa Lung không ô nhiễm cũng chính là trả lại kế sinh nhai bao đời của hàng ngàn nhân khẩu nơi đây, cũng như xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, xả thải nguy hại, hủy hoại môi trường theo quy định của pháp luật.
Tạp chí Tòa án nhân dân sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc trên…
Những hồ nuôi tôm bị ô nhiễm đã được người dân tháo hết nước - Ảnh: PV
Trước đó, vào tháng 11/2021 Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Quảng Trị bắt quả tang một Nhà máy chế biến mủ cao su thuộc Công ty TNHH MTV Trần Dương (đóng tại thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh) đã có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường. Vào tháng 2.2022, Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp với Công an xã Vĩnh Sơn bắt quả tang trang trại nuôi 1.500 con lợn của ông Trần Văn Chức (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh) đặt đường ống ngầm để xả thải trực tiếp ra sông Bến Hải.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận